Vụ xét tuyển viên chức: Sở Nội vụ Hà Nội tiếp tục phớt lờ giải quyết khiếu nại

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã yêu cầu Sở Nội vụ Hà Nội phải giải quyết và trả lời khiếu nại của thí sinh, tuy nhiên ngày 26/2, sau nhiều lần thí sinh gửi đơn khiếu nại thì Sở Nội vụ Hà Nội tiếp tục phớt lờ Luật khiếu nại và lại chuyển trách nhiệm xuống các Hội đồng tuyển dụng.

Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp đã chỉ ra những sai phạm trong việc ban hành văn bản tuyển dụng viên chức năm 2015 của Hà Nội. Trong đó có văn bản 2973 do Sở Nội vụ Hà Nội ban hành. Thí sinh đã trực tiếp khiếu nại văn bản 2973 nhiều lần bởi nó ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của họ nhưng Sở Nội vụ vẫn cương quyết không giải quyết theo Luật khiếu nại.

Trong cuộc họp với Hà Nội xung quanh lùm xùm trong xét tuyển viên chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng đã nhấn mạnh: Bộ Nội vụ nhận được nhiều đơn thư khiếu nại và phản ánh của thí sinh về công tác tuyển dụng viên chức năm 2015, về nguyên tắc Bộ Nội vụ chuyển các đơn này về Hà Nội và yêu cầu trả lời đúng theo luật định.

Tuy nhiên Sở Nội vụ Hà Nội đã “phớt lờ” và cố tình “im lặng” với những khiếu nại mà thí sinh gửi đến.

Văn bản trả lời công dân của Sở Nội vụ Hà Nội khiến nhiều thí sinh trượt oan viên chức bất bình
Văn bản trả lời công dân của Sở Nội vụ Hà Nội khiến nhiều thí sinh trượt oan viên chức bất bình

Trong văn bản 404/SNV-VP, Sở Nội vụ Hà Nội hoàn toàn không đề cập đến việc giải quyết khiếu nại trước đó mà lại viện dẫn với một lý do hoàn toàn mới. Văn bản này cho hay: Tại buổi tiếp công dân ngày 28/1/2016, Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội nhận được đơn của 03 thí sinh tham gia tuyển dụng viên chức tại Hội đồng tuyển dụng viên chức ngành giáo dục huyện Thạch Thất năm 2015, gồm: Bà Nguyễn Thị Phương Liên (xã canh nậu, huyện Thạch Thất), bà Khương Thu Hiền (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất), bà Kiều Thị Lan Hương (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất); đơn có nội dung khiếu nại công văn 2958/SNV-ĐTBDTD và 2973/SNV-ĐTBDTD của Sở Nội vụ. Về việc này, Sở Nội vụ trả lời như sau: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ trong công tác tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của Thành phố năm 2015, Sở Nội vụ đã có các văn bản về công tác tuyển dụng, trong đó có công văn số 2958/SNV-BTBDTD ngày 25/11/2015 về việc trả lời công văn số 1862/HĐTD ngày 24/11/2015 của Hội đồng tuyển dụng Thạch Thất và công văn số 2973/SNV-DTBDTD ngày 26/11/2015 về việc rà soát tính điểm tuyển dụng viên chức.

Trong nội dung công văn số 2973/SNV-DTBDTD ngày 26/11/2015 của Sở Nội vụ Hà Nội có viện dẫn một số quy định của pháp luật; đồng thời đề nghị Hội đồng tuyển dụng các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát kỹ việc tính điểm theo quy định trong tuyển dụng trước khi công bố kết quả chính thức. Văn bản số 2973/SNV-ĐTBDTD ngày 26/11/2015 của Sở Nội vụ không hướng dẫn thay đổi cách tính điểm.

Nội dung khiếu nại của công dân là khiếu nại cách tính điểm của Hội đồng tuyển dụng. Việc chỉ đạo kiểm tra, giải quyết khiếu nại này thuộc thẩm quyền của Hội đồng tuyển dụng các quận, huyện, thị xã. Sở Nội vụ hướng dẫn các công dân có tên nêu trên liên hệ với Hội đồng tuyển dụng nơi đăng ký dự tuyển để được giải quyết.

Sau khi có văn bản trả lời của Sở Nội vụ Hà Nội nhiều thí sinh bày tỏ sự bất bình bởi đơn thư khiếu nại trực tiếp hai công văn do đơn vị này ban hành nhưng lại bị đánh tráo “khái niệm” là khiếu nại các tính điểm của Hội đồng tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Hội đồng tuyển dụng huyện Thạch Thất từng đã trả lời thí sinh Nguyễn Thị Phương Liên tại văn bản số 1943/HĐTD ngày 8/12/2015. Văn bản này đã viện dẫn văn bản 2958/SNV-ĐTDTD do Sở Nội vụ ban hành để trả lời cách tính điểm tốt nghiệp của thí sinh. Chính vì bức xúc với văn bản này mà thí sinh Liên mới làm đơn khiếu nại tiếp lên Sở Nội vụ Hà Nội. Việc Sở Nội vụ Hà Nội “đá” trách nhiệm cho Hội đồng tuyển dụng là không đúng theo Luật khiếu nại.

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa phân tích: Theo khoản 1 điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Khoản 1 điều 7 Luật khiếu nại năm 2011 quy định: “Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”.

Như vậy trường hợp này Sở nội vụ là cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết khiếu nại lần đầu đối với đơn khiếu nại của thí sinh Nguyễn Thị Phương Liên.

Việc thụ lý, xác minh, giải quyết, ban hành quyết định của người giải quyết khiếu nại phải tuân thủ quy định của Luật khiếu nại năm 2011.

Khẳng định với Dân trí tối 1/3/2016, Thứ trưởng Bộ Nội Trần Anh Tuấn cho hay, hiện đang đôn đốc Vụ Công chức – Viên chức báo cáo việc xử lý vụ việc sau khi đã có buổi làm việc với Hà Nội vào giữa tháng 1/2016 vừa qua. Thứ trưởng Tuấn cũng khẳng định sẽ giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)