Vụ Vinaphone mất sóng: Nên làm gì trong sự cố đứt liên lạc với con trẻ?

Anh Tô

(Dân trí) - "Việc không liên lạc được đã dẫn đến việc cháu không kịp di chuyển để bắt xe bus đúng giờ, hoang mang khi không thể liên lạc được cả bố và mẹ", phụ huynh chia sẻ.

Ngày 3/2, những người đang sử dụng mạng Vinaphone như tôi đã phải chứng kiến một sự cố hy hữu, khi các thuê bao mạng Vinaphone gián đoạn liên lạc. Dưới góc độ một phụ huynh đang cần liên lạc để đón con, chúng ta cần phải đối phó, ứng xử như thế nào với một sự cố như vừa qua?

Thời gian gián đoạn liên lạc vừa xảy ra với các thuê bao mạng Vinaphone như gia đình tôi, cả bố mẹ và con đều dùng Vinaphone thực sự tạo ra tình huống khó ứng xử.

Giờ xảy ra sự cố vào khoảng 15h55 đến 17h15 tại khu vực Hà Nội, đúng giờ các cháu học sinh chuẩn bị tan học nên đã tạo ra những câu chuyện dở khóc dở cười bên lề việc đón các cháu.

Vụ Vinaphone mất sóng: Nên làm gì trong sự cố đứt liên lạc với con trẻ? - 1

Sự cố mất liên lạc với con khiến phụ huynh lo lắng (Ảnh: P.V)

Ví dụ như gia đình tôi, cháu học lớp 6 và cũng được rèn luyện qua một số bài học tình huống được dạy ở trường nhưng cũng lần đầu vấp phải tình huống này khi mọi liên lạc không thể thực hiện được.

Cháu nhà tôi phải di chuyển bằng cả phương tiện xe grab để ra bến xe của khu đô thị, sau đó tiếp tục đi xe bus của khu đô thị về nhà nên rất cần kịp thời gian để không lỡ chuyến xe bus của khu đô thị. Việc không liên lạc được đã dẫn đến việc cháu không kịp di chuyển để bắt xe bus đúng giờ, hoang mang khi không thể liên lạc được cả bố và mẹ.

Gia đình đã phải nhờ số điện thoại từ mạng di động khác để liên hệ với văn phòng nhà trường để thông báo cháu ở lại đợi phụ huynh đến đón. Được sự hỗ trợ của nhà trường nên việc đón cháu diễn ra suôn sẻ.

Nếu chỉ một tình huống tự phát của các cháu độ tuổi đang lớn là tự bắt xe ôm, gia đình và nhà trường đều không có thông tin và nếu có điều không tốt xảy ra thì tôi cũng không hiểu sẽ phải ứng phó thế nào.

Từ sự việc này, tôi cũng tự rút ra một số điều cần lưu ý để cập nhật cho con trẻ.

Cần trang bị kiến thức cho con với tình huống khủng hoảng có thể xảy ra theo nhiều cách, linh hoạt

Nếu không liên lạc được với bố mẹ bằng nhiều cách, các con hãy ở nguyên tại trường học và báo với phòng bảo vệ để được ở trong trường một cách hợp lệ. Không nên di chuyển ra khỏi trường.

Nếu bắt buộc phải di chuyển cần phải thực hiện việc nhờ người quen như: phụ huynh bạn cùng lớp, thầy cô giáo trong trường đặt xe qua các ứng dụng gọi xe có định vị việc di chuyển để đảm bảo an toàn và nhờ người nhắn tin cho bố mẹ, hoặc viết giấy tại trường.

Các phụ huynh cần ứng xử thế nào?

Thiết lập những quy định, thỏa thuận cụ thể cho một số tình huống cụ thể, truyền tải và nhắc nhở các nội dung này theo cách thức phù hợp để cho các con có ấn tượng và ghi nhớ. Đối với trường hợp này nếu không thể có cách liên lạc mặc định giữa bố mẹ và các con là đợi tại trường sẽ có người nhà đến đón.

Cần lập tức tìm mọi cách liên lạc với nhà trường để thông báo tới con trẻ về việc mất liên lạc, nhờ nhà trường hỗ trợ trong việc thông báo đến con mình (tùy theo điều kiện từng trường để tìm cách ứng xử phù hợp).

Sử dụng linh hoạt các kênh thông tin, có thể tính toán dùng hai mạng di động khác nhau.

Nhà trường cần ứng xử như thế nào?

Đây là tình huống cần được cập nhật cách ứng phó dù chưa có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra như một số vụ việc khác. Các trường học nên phổ biến những tình huống đó cho lực lượng ứng trực tạo điều kiện cho các cháu ở trong trường, vì có nhiều trường đến quá 18h00 học sinh sẽ được yêu cầu ra khỏi cổng trường.

Do nhiều nhà trường có quy định không sử dụng smartphone nên cần lập ra một số kênh liên lạc bằng các công cụ mạng xã hội đối với phụ huynh học sinh, có thể trang bị một số phương tiện như máy tính để bàn…, để các học sinh có thể chat, gọi điện thông qua các kênh như Messenger, Zalo… truyền tải thông tin đến các phụ huynh.

Nên chăng áp dụng sổ thông tin khẩn cấp trong một số trường hợp để các con ghi lại thông tin và phụ huynh có thể tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng của nhà trường, website, fanpage…

Ứng xử của nhà mạng

Cần phải có một thông báo rộng rãi và ước lượng thời gian khắc phục để thuê bao có thể chủ động trong việc liên hệ.

Cách ứng xử vừa qua của Vinaphone là chưa đầy đủ trách nhiệm đối với người dùng, thông tin không kịp thời, không có các biện pháp hỗ trợ người dùng, thời gian sự cố kéo dài.

Đó là những ý kiến của một phụ huynh đã phải di chuyển với một tâm trạng lo lắng trong 90 phút trong điều kiện tắc nghẽn giờ cao điểm để kịp đón con và cầu mong không có bất trắc, tai họa nào ập đến với con mình.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.