Vụ HS ngộ độc keo bong bóng: Lời cảnh tỉnh cho nhà trường và phụ huynh

Tiến Thành

(Dân trí) - Vụ việc 6 học sinh tiểu học tại Quảng Bình bị ngộ độc vì sử dụng keo bong bóng tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những mặt hàng không đảm bảo an toàn trước cổng trường học.

Video: Nỗi lo thực phẩm "bẩn" trước cổng trường

Nhập viện vì keo bong bóng trước cổng trường

Sau hơn 1 ngày được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình), sức khỏe em Hoàng Thị Hương,  học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phú Trạch đã dần ổn định. Hương là 1 trong 4 em nhỏ phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc.

Vụ HS ngộ độc keo bong bóng: Lời cảnh tỉnh cho nhà trường và phụ huynh - 1

Một trong 4 em học sinh Trường Tiểu học Phú Trạch bị ngộ độc vì keo bong bóng phải nhập viện cấp cứu.

Nguyên nhân chính là do Hương và bạn đã sử dụng một loại keo bong bóng mua tại cổng trường. Trong vụ việc này, ngoài 4 em nhập viện thì còn một số học sinh khác cũng bị ngộ độc, tuy nhiên chỉ ở mức độ nhẹ nên được điều trị tại nhà.

Theo em Hương, loại keo bong bóng này vừa xuất hiện tại một số cửa hàng tạp hóa ở cổng trường và rất được nhiều học sinh thích thú, xin tiền bố mẹ để mua sử dụng. Đây là loại keo đựng trong túyp, kèm theo một ống thổi. Sau khi mua, các em học sinh sẽ lấy keo trong túyp cho vào đầu ống rồi thổi thành bong bóng với nhiều màu sắc khác nhau.

"Cũng nhiều bạn mua để thổi, cháu cũng mua 1 hộp từ 2 hôm trước rồi thổi chơi với các bạn, sau khi thổi thì thấy trong người mệt, chóng mặt và khó thở nên cháu báo với cô giáo, có mấy bạn trong lớp cũng bị như vậy", Hương chia sẻ.

Vụ HS ngộ độc keo bong bóng: Lời cảnh tỉnh cho nhà trường và phụ huynh - 2

Loại keo bong bóng mà các em học sinh Trường Tiểu học Phú Trạch sử dụng dẫn tới bị ngộ độc.

Vụ việc em Hoàng Thị Hương nhập viện vì ngộ độc đã khiến chị Hoàng Thị Hường, mẹ của em một phen hoảng hốt. Chị Hường cho hay, chị thấy con và bạn mua keo thổi bong bóng nhưng nghĩ như chơi bong bóng xà phòng nên chủ quan. Khi con có các triệu chứng mệt mỏi thì cứ nghĩ do chuyển mùa nên cháu ốm bình thường và vẫn để con tiếp tục chơi loại keo bong bóng này.

 "Cũng may là các cháu đã ổn định sức khỏe và có thể ra viện, thực sự mình rất hối hận và chủ quan trong việc quản lý đồ chơi của con. Sau vụ việc, này mình sẽ để ý hơn để không xảy ra vụ việc đáng tiếc như thế nữa. Hiện nay, các loại đồ chơi không nguồn gốc bán tràn lan, thực sự nếu không chú ý, quản lý con, rất dễ sẽ xảy ra sự việc đáng tiếc", chị Hường lo lắng.

Vụ HS ngộ độc keo bong bóng: Lời cảnh tỉnh cho nhà trường và phụ huynh - 3

Loại keo này được học sinh sử dụng bằng cách cho vào đầu ống thổi rồi thổi thành bong bóng.

Trao đổi với PV Dân trí, cô giáo Hoàng Thị Mỹ Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Trạch cũng cho hay, sau khi sự việc xảy ra, ban giám hiệu nhà trường đã họp khẩn với hội cha mẹ học sinh để tổ chức quán triệt lại các nội dung về vấn đề an toàn thực phẩm, cũng giống như nhắc nhở các em không đồ chơi không đảm bảo cho sức khỏe. Quán triệt đến từng lớp học và tịch thu toàn bộ keo bong bóng các em đã mua cũng như các đồ chơi không an toàn.

Bên cạnh đó, sau vụ ngộ độc của hàng loạt học sinh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Bình phối hợp với các lực lượng chức năng cũng đã đến kiểm tra quán tạp hóa nơi các em mua keo bong bóng để làm rõ hơn về vụ việc này. Phía Công an huyện Bố Trạch cũng đã khẩn trương vào cuộc để điều tra làm rõ vụ ngộ độc.

Lời cảnh tỉnh cho nhà trường và phụ huynh

Cũng như nhiều trường học khác, trước cổng Trường Tiểu học Phú Trạch cũng có rất nhiều cửa hàng tạp hóa nhỏ chuyên phục vụ các mặt hàng ăn vặt, kẹo và đồ chơi các loại cho học sinh, trong đó nhiều mặt hàng "lạ", bắt mắt. Tuy nhiên nguồn gốc, xuất xứ hay sự an toàn của những mặt hàng này thì gần như khó có thể kiểm chứng.

Sự việc 6 em học sinh của ngôi trường này bị ngộ độc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh và nhà trường trong việc quản lý học sinh, cũng như việc nâng cao hiểu biết của học sinh và người bán để hạn chế cung cấp những thực phẩm, đồ chơi độc hại.

Vụ HS ngộ độc keo bong bóng: Lời cảnh tỉnh cho nhà trường và phụ huynh - 4

Trường Tiểu học Phú Trạch, nơi có các em học sinh bị ngộ độc.

Đối với học sinh, việc thiếu hiểu biết cùng với hiệu ứng đám đông khi thấy bạn bè mua thì mình cũng mua khiến các em dễ trở thành "nạn nhân" trong những vụ ngộ độc bắt nguồn từ cổng trường.

"Đôi khi cũng có cho cháu ít tiền mua quà vặt ăn như các bạn, cháu mua gì thì tôi cũng không để ý lắm. Cứ nghĩ là mấy đồ chơi, thức ăn đó không ảnh hưởng gì đến sức khỏe nhưng giờ cháu vào viện thì chúng tôi phải kiểm soát chặt hơn, đây là bài học kinh nghiệm cho phụ huynh chúng tôi", bà Phạm Thị Ánh, một phụ huynh có học sinh nhập viện vì ngộ độc nói.

Vụ HS ngộ độc keo bong bóng: Lời cảnh tỉnh cho nhà trường và phụ huynh - 5

Ở cổng các trường học luôn có tạp hóa với đủ mặt hàng "lạ", đầy màu sắc. Tuy nhiên nguồn gốc, xuất xứ hay sự an toàn của nhiều mặt hàng tại đây khó có thể kiểm chứng.

Trước khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra, nhiều nhà trường cũng đã quan tâm đến việc đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Họ đã có những biện pháp ngăn chặn các sản phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc được đưa vào trường. Tuy nhiên  sau giờ lên lớp, việc quản lý học sinh là rất khó.

"Từ lâu trường đã quán triệt với học sinh là không được mua các đồ chơi độc hại, thức ăn không đảm bảo an toàn. Đội cờ đỏ đã thu giữ nhiều thức ăn, đồ chơi khi các cháu đưa vào trường. Các em sử dụng ngoài trường thì chúng tôi không thể nắm bắt được", cô Hoàng Thị Mỹ Bình chia sẻ thêm.

Vụ HS ngộ độc keo bong bóng: Lời cảnh tỉnh cho nhà trường và phụ huynh - 6

Đến tạp hóa trước cổng trường, không khó để mua loại keo bong bóng này. Keo đựng trong túyp với nhãn mác nước ngoài, nhiều túyp còn không có nhãn mác.

Còn đối với những người kinh doanh tạp hóa, bán đồ ăn trước cổng trường, khi được hỏi thì phần lớn tỏ ra thiếu hiểu biết về những gì mình đang cung cấp cho học sinh. Họ bán theo nhu cầu mà thiếu sự tìm hiểu để giảm thiểu tối đa những điều không may xảy ra.

Vụ HS ngộ độc keo bong bóng: Lời cảnh tỉnh cho nhà trường và phụ huynh - 7

Nhà trường và phụ huynh cần phối hợp hơn nữa để nâng cao nhận thức cho học sinh trong công tác ngăn chặn thực phẩm bẩn, đồ chơi không an toàn.

Qua đây có thể thấy, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa từ nhà trường và phụ huynh. Cùng với đó là sự vào cuộc kịp thời của các ban ngành chức năng trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống hàng hóa không rõ nguồn gốc, mất an toàn.

Có như vậy thì những vụ việc ngộ độc như trên mới có thể được ngăn chặn triệt để, đảm bảo an toàn môi trường sống và học tập của các em học sinh.