Vụ học sinh nhiễm sán lợn: Lộ diện đơn vị cung cấp thực phẩm cho công ty Hương Thành

(Dân trí) - Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Bắc Ninh có báo cáo về đơn vị cung cấp một số thực phẩm cho công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành - nơi cung ứng thực phẩm cho 22 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Những trường này hiện đang có học sinh xét nghiệm sán lợn.

Chiều 19/3, tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh tiếp tục diễn ra cuộc họp với các ban ngành về vụ việc học sinh nhiễm sán lợn.

Theo công bố kết quả điều tra, truy xuất nguồn gốc tại công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành ngày 14/2/2019 và ngày 20/2/2019 cho thấy, nguồn thịt lợn được lấy từ 2 đơn vị của hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải (thôn Văn Quan, xã Trí Hải, Thuận Thành, Bắc Ninh) và hộ kinh doanh Trần Văn Đát (khu Đồng Tháp Vàng, thôn Chân Tảo, xã Phú Thị, Gia Lâm, TP. Hà Nội).

Cả 2 cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP).

sanlon6.jpg

Học sinh xét nghiệm sán lợn tại trường mầm non Thanh Khương

Cụ thể, kết quả truy xuất tại hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải trong 2 ngày 14/2 và 20/2, số thịt lợn được mua từ hộ kinh doanh Phạm Thị Hạnh (thôn Tư Thế, xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh). Hộ nhà bà Phạm Thị Hạnh đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thịt lợn tươi do Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Bắc Ninh cấp ngày 31/5/2017.

Đối với Hộ kinh doanh Trần Văn Đát - đơn vị thứ hai cung cấp thịt cho công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành, Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội, Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Hà Nội tiếp tục điều tra, truy xuất nguồn gốc theo quy định.

Trước tình hình trên, Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh, đã thành lập đoàn giám sát điều kiện ATTP tại tất cả các trường mầm non, tiểu học có bếp ăn trên địa bàn huyện Thuận Thành.

Trong quá trình thực hiện, đoàn đã tuyên truyền hướng dẫn các điều kiện đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể, giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, giám sát ATTP từ khâu nhập nguyên liệu, sơ chế và chế biến suất ăn.

Đến ngày 15/3/2019, đoàn đã kiểm tra giám sát hướng dẫn 23/23 trường mầm non có tổ chức ăn bán trú.

Trong thời gian tới, đơn vị này tiếp tục tăng cường giám sát các điều kiện đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn, đặc biệt bếp ăn tập thể ở các trường.

Được biết, đơn vị có thẩm quyền, chức năng kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, đánh giá hồ sơ năng lực của các công ty cung ứng thực phẩm là Ban quản lý ATTP của tỉnh.

Trao đổi với PV Dân trí, một thành viên của Đội thanh tra ATTP liên huyện có trụ sở tại huyện Thuận Thành lý giải, công ty Hương Thành được Ban quản lý ATTP của tỉnh cấp phép.

Mam non thanh khuong.jpeg

Trường mầm non Thanh Khương, nơi xảy ra sự việc.

Theo kế hoạch, định kỳ mỗi đơn vị sẽ được kiểm tra vệ sinh ATTP một lần kể cả phía trường học cũng như cty cung ứng thực phẩm.

Cũng theo cán bộ này, công ty Hương Thành có trụ sở ở TP Bắc Ninh nhưng trước đây từng thành lập một chi nhánh ở xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành để tiện giao thực phẩm cho các trường. Sau đó lại xin rút giấy phép ở địa chỉ này.

Khi kiểm tra vấn đề ATTP theo định kỳ, công ty này thu mua thực phẩm đủ các nguồn ở những nơi có đủ điều kiện ATTP.

Tuy nhiên, theo người này việc kiểm tra truy xuất nguồn đang gặp khó khăn cố hữu vì ngoài giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện được cơ quan chức năng cấp phép, đơn vị chỉ biết dựa vào nguồn ghi chép, lưu trữ thu mua thực phẩm từ những nguồn nào. Ví dụ, họ lấy thực phẩm từ nhà A, B và nhà C nhưng rồi gom về. Vì vậy, nếu tắc một khâu nào trong số đó, đơn vị kiểm tra cũng khó khăn khi chỉ dựa vào lòng tin là chính.

Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên đây, xuất phát từ việc cuối tháng 2/2019, sau khi một clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng và món thịt gà được "tố" là ôi thiu tại trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến nhiều người hoảng hốt, lo ngại học sinh tại trường ăn phải món thịt lợn nhiễm sán. 

Mỹ Hà