Vụ học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong: “Lỗi tại người lớn!”

(Dân trí) - Đó là quan điểm của ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy (Hà Nội) về vụ học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường tiểu học Gateway. Ông nhấn mạnh, lỗi là ở người lớn. Trong đó người chịu trách nhiệm lớn nhất là giáo viên chủ nhiệm và người nhận nhiệm vụ đưa đón học sinh.

Trả lời tại cuộc họp báo ngày 7/8 thông tin ban đầu về vụ việc do Phòng GD&ĐT Cầu Giấy tổ chức với sự góp mặt của đại diện UBND và HĐND, công an, viện kiểm sát quận Cầu Giấy, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo quận Cầu Giấy nói: "Đây là vụ việc đau lòng, có nguyên nhân người lớn dẫn đến tai nạn cho cháu bé".

Khi phóng viên đặt câu hỏi về quy trình đưa đón học sinh ở các trường tiểu học trên địa bàn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết: “Quận chỉ có quy định chung, mỗi trường sẽ có cách thức riêng. Trên nguyên tắc, mỗi khi học sinh vắng mặt nhà trường phải thông báo với phụ huynh. Có trường dùng điện thoại, nhắn tin, nhưng với Gateway thì có lẽ do phần mềm mới đưa vào hoạt động nên không thông tin kịp thời đến phụ huynh. Tuy nhiên, về nguyên tắc nhà trường phải gọi điện cho gia đình. Đương nhiên đó là trách nhiệm của cô chủ nhiệm và người đưa đón học sinh".

“Còn về việc quy trình hay nhân sự đưa đón các cháu hàng ngày thì cũng tùy thuộc vào các trường quy định nên chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ hơn việc tắc trách trong khâu điểm danh của trường Gateway”, ông Ngọc Anh nói thêm.

Vụ học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong: “Lỗi tại người lớn!” - 1
Ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy.

Phóng viên đặt câu hỏi: “Phía UBND quận Cầu Giấy đã đưa ra những quy chuẩn, quy định nào để quy định các trường thuê xe hay giám định xe đưa đón học sinh hay chưa?”.

Ông Phạm Ngọc Anh cho biết, hiện tại Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản rà soát các xe phải đảm bảo lưu hành chung, nhưng riêng đối với các xe đưa đón học sinh hiện chưa có văn bản quy định cụ thể nào và phải đảm bảo những yếu tố nào. Đây cũng là một trong những lỗ hổng.

Cơ bản nhất vẫn là sự phối hợp của giáo viên đón và giáo viên nhận học sinh của các trường mỗi ngày chặt chẽ và có trách nhiệm hơn. Như vậy, mới có thể đảm bảo được sự an toàn của các cháu khi đến trường.

Theo ông Phạm Ngọc Anh, xe vận chuyển học sinh phải đảm bảo có lưu hành, điều kiện vận chuyển như xe khách. Phòng đã có văn bản yêu cầu các trường rà soát xe vận chuyển học sinh, đảm bảo có sự bàn giao giữa giáo viên chủ nhiệm với người đưa đón.

Phóng viên đặt câu hỏi về việc bà Nguyễn Thị Quy vừa nhận việc ở trường và đi làm được 2 ngày (còn chưa có hợp đồng lao động), ông Phạm Ngọc Anh cho biết: "Hàng năm quận vẫn luôn đưa ra các văn bản để khuyến cáo các trường trong việc đưa đón và chăm sóc trẻ. Nhưng do quy định riêng của trường và sự tắc trách của cá nhân nên đã gây sự việc này.

Còn lại các thông tin cụ thể về hợp đồng lao động của cô giáo, chúng tôi sẽ điều tra và cung cấp cho các cơ quan sau".

Ông Ngọc Anh nhấn mạnh, từ sự việc đau lòng này, cơ quan chức năng đang triển khai kiểm tra để làm rõ các trách nhiệm của các bên liên quan.

Chia sẻ cảm xúc của mình, vị Trưởng phòng Giáo dục quận nói: “Chúng tôi rất đáng tiếc và đau lòng về sự việc. Trong câu chuyện này có trách nhiệm của người lớn”.

Sự việc đáng tiếc xảy ra là do lỗi của người lớn. Chúng tôi đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm thuộc cá nhân nào”, ông Ngọc Anh nhấn mạnh một lần nữa.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường giám sát để tránh xảy ra những vụ việc đau lòng đáng tiếc”, Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy chia sẻ.

Lệ Thu