Bạn đọc viết:

“Vỡ giấc mộng” đại học nhưng không có nghĩa là không học!

(Dân trí) - Cánh cổng trường đại học một thời từng là niềm ao ước của sĩ tử và là niềm hãnh diện của gia đình, họ hàng, làng xã. Ngày ấy, đỗ đại học là một bước ngoặt lớn, một sự kiện trọng đại, một dấu mốc quan trọng đánh dấu nấc thang đầu tiên cho sự thành công, cho tương lai vững chắc, cho ước mơ đổi đời...

Giờ đây, chúng ta không thể phủ nhận một số phận đáng buồn của tấm bằng cử nhân: “gác bằng”, “xếp xó” và “làm cảnh”. Bởi chủ nhân của nó đang mãi bôn ba tìm việc phổ thông, quay ngược học nghề và cả “ngồi chơi xơi nước” đợi việc. Vì sao nên nỗi ư?

Hàng loạt trường đại học được thành lập từ công lập đến dân lập, tư thục và các hình thức đào tạo liên thông, từ xa, tại chức… mở ra nhiều cơ hội học tập, nhiều hình thức nhận bằng cử nhân nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Mỗi năm, lượng cử nhân tốt nghiệp cứ “xuất xưởng” đều đều trong khi nhu cầu việc làm có hạn đã tạo nên sự chênh lêch cực lớn trong cán cân cung – cầu.

Thêm vào đó là tấm bằng đại học không đủ “chất” đã không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Và giấc mơ đại học vẫn ăn sâu vào trong suy nghĩ của đại bộ phận người dân tạo nên một cuộc đua gay cấn trong mùa tuyển sinh mỗi năm. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” mãi chưa khắc phục được. Một nghịch lí của giáo dục nước ta mà mọi người thường trăn trở là tình trạng “đào tạo ngược”. Sau khi đã hoàn thành chương trình đại học lại quay ngược học nghề kiếm việc hoặc là các công ty, tập đoàn lớn tuyển dụng cử nhân rồi đào tạo nghề lại cho họ.

Đến thời điểm hiện tại, “giấc mộng” đại học đã vỡ chưa? Hàng trăm cử nhân thất nghiệp là một con số đáng báo động, là cơn ác mộng cho hàng triệu sinh viên đang miệt mài bút nghiên trên ghế giảng đường và thức tỉnh toàn thể sĩ tử trên cả nước đang loay hoay tìm hướng đi. Tỉ lệ học sinh đăng kí kì thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp tăng cao đột biến đã phần nào nói lên được sự “tỉnh táo” cần thiết của xã hội với “giấc mơ” đại học.

Nhưng đằng sau sự “thức tỉnh” ấy là cả một nỗi lo lớn. Đại học không phải là cánh cửa duy nhất để thành công. Điều ấy là hiển nhiên. Nhưng việc học vẫn là điều cốt yếu để thành “nhân”. Vậy mà giờ đây, rất nhiều người đánh đồng quan điểm “vỡ mộng” đại học với tư tưởng xem nhẹ vấn đề học vấn.

Tình trạng học sinh bỏ học sớm vẫn diễn ra khắp nơi, bên cạnh rất nhiều nguyên nhân xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức học yếu, lười học thì có không ít trẻ vào sớm vào đời mà nguyên nhân từ chính thực trạng thất nghiệp của cử nhân. Với quan niệm “Học nhiều sau cũng thợ may, phụ hồ, giúp việc”, “Học cao sau cũng thất nghiệp như A, B, C…”, “Tiền bạc, thời gian, công sức cũng chỉ đổi lại là tấm bằng giấy”…, nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con nghỉ học, ít phân vân, ít tính toán thiệt hơn.

Các câu nói cửa miệng của cha mẹ đã phần nào thể hiện tư tưởng xem nhẹ việc học và vô tình nhiễm vào con cái ít nhiều. Một số em dễ dàng đặt mục tiêu phấn đấu thấp, đồng nghĩa với việc trau dồi tri thức và rèn luyện đạo đức ít được chú trọng. Động lực học tập thấp đâu thể đem lại một chất lượng cao cho giáo dục và sự trưởng thành, chín chắn của một con người?

Vẫn biết bằng đại học sẽ không phải là “tấm lệnh bài” lí tưởng cho tương lai, vẫn biết có rất nhiều con đường đi đến thành công. Nhưng con đường nào cũng cần sự cố gắng, nỗ lực của bản thân. Dù trường học hay trường đời thì sự học cũng cần đặt lên hàng đầu. “Vỡ giấc mộng” đại học không có nghĩa là không học!

Thanh Ny

Dòng sự kiện: Cử nhân thất nghiệp