Việt Nam vẫn chưa có tự chủ đại học theo đúng nghĩa

(Dân trí) - Đó là nhận định của TS. Vũ Ngọc Hoàng (Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) về hệ thống giáo dục mở, về tự chủ đại học và tự do học thuật.

Ngày 12/6, Hội thảo khoa học quốc gia "Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21” do Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam tổ chức.

Tại hội thảo, GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh tranh kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới càng ngày càng quyết liệt hơn.

Do đó, nguồn lực con người, trí tuệ của người Việt Nam lẽ ra phải là điểm mạnh và lợi thế nhất trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa khai thác hiệu quả nguồn lực này để phát triển đất nước.

“Bối cảnh thế giới có những biến đổi rất quan trọng, trong đó có cách mạng công nghiệp 4.0. Việc hội nhập là cơ hội nhưng cũng đòi hỏi sự cạnh tranh, trước hết chất lượng của đội ngũ lao động, chất lượng đào tạo, cấu trúc đội ngũ lao động, từ đó thúc đẩy liên quan đến mạng lưới, loại hình đào tạo. Vấn đề hết sức quan trọng đó là tự chủ giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong bối cảnh mới”, GS. TS Trần Hồng Quân nói.

Việt Nam vẫn chưa có tự chủ đại học theo đúng nghĩa - 1
Hội thảo khoa học về sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế với sự hiện diện của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các trường đại học - cao đẳng và các chuyên gia giáo dục cả nước.

TS. Vũ Ngọc Hoàng (Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh việc phải xây dựng một hệ thống giáo dục mở. Theo ông, mở ở đây là không đóng kín, không tự cô lập với cuộc sống bên ngoài xã hội và thế giới đông – tây mà cần tiếp biến thường xuyên với các nền giáo dục và văn hóa khác, với các tư tưởng tư duy đa dạng. Mục đích của hệ thống giáo dục mở là tạo ra chất lượng và tăng động lực của giáo dục.

Ông đặc biệt nhấn mạnh đến tự chủ đại học và tự do học thuật. “Đây là đặc điểm của một nền giáo dục trưởng thành, thực chất, đúng nghĩa.

Nếu không được tự chủ, nhất là tự chủ về chương trình và không có tự do học thuật thì đại học chưa phải là đại học. Ở nước ta cho đến nay vẫn chưa có tự chủ đại học theo nghĩa đầy đủ của vấn đề này.

Nguyên nhân của tình trạng không tự chủ đầy đủ về chương trình và không có tự do đầy đủ về học thuật một phần là do “hành chính hóa”, “chính trị hóa” khoa học giáo dục”, tiến sĩ Hoàng nêu quan điểm.

Theo ông Hoàng, giáo dục nghề nghiệp cũng phải gắn liền với chiến lược việc làm. Công việc đào tạo đại học rất cần sự gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo. Thông qua việc nghiên cứu mà đào tạo sinh viên. Không nhất thiết phải quy định trường này là đại học nghiên cứu, còn trường kia không là như thế.

Trường nào cũng có quyền nghiên cứu, vừa để có sản phẩm khoa học vừa để đào tạo sinh viên. Còn bên đặt hàng giao công trình nghiên cứu này cho trường nào và cuối cùng trường nào nghiên cứu được nhiều hơn, chất lượng tốt hơn là chuyện khác, do năng lực thực tế của cơ sở đào tạo, chứ không phải do ai quy định.

TS. Phan Chính Thức (Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, theo kinh nghiệm và truyền thống, các nền giáo dục thường bận tâm với những sức ép hiện tại hơn là những toan tính cho tương lai.

Sẽ là quá muộn nếu ngay bây giờ không sớm khởi động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2011-2030.

Theo ông, có thể nhìn nhận phát triển giáo dục nghề nghiệp theo một số hướng tiếp cận chủ yếu như: Giáo dục nghề nghiệp tiếp cận theo hướng mở, liên thông tạo cơ hội cho mọi người học suốt đời và góp phần xây dựng xã hội học tập; giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với cơ hội việc làm, việc làm bền vững và phát triển bền vững; giáo dục nghề nghiệp tiếp cận theo hướng đảm bảo chất chất lượng và hiệu quả; giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với vai trò chủ thể và động lực thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp…

Ông Thức cũng nhận định, muốn Việt Nam sớm có đại học đẳng cấp sánh tầm thế giới cần có quyết tâm cao, đẩy mạnh liên kết hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn, xây dựng các đại học đa lĩnh vực.

Việt Nam vẫn chưa có tự chủ đại học theo đúng nghĩa - 2
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Nói về các mô hình cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong mạng lưới giáo dục đào tạo, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp (ĐH Thăng Long) chia sẻ góc nhìn về việc điều chỉnh, củng cố các cơ sở để phát huy hiệu quả bởi hiện các loại mô hình triển khai ở nước ta đang gặp những vấn đề khó.

“Trong khi nhiều quốc gia theo đuổi việc xây dựng các đại học đẳng cấp thế giới, thì Hội nghị Giáo dục Đại học khu vực châu Á – Thái Bình Dương từng đưa ra khuyến nghị đối với các quốc gia chưa thật sự giàu có là: Tốt hơn hết, nhiều quốc gia có thể định vị trong một thị trường cạnh tranh toàn cầu bằng cách tạo dựng cho mình một “hệ thống đẳng cấp thế giới về GDĐH” hơn là tập trung phần lớn nguồn lực của mình để tạo nên một số ít cái gọi là trường đại học đẳng cấp thế giới.

Hệ thống đẳng cấp thế giới về Giáo dục đại học (GDĐH) là hệ thống nhàm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và sự đa dạng của nền học vấn – năng lực của sinh viên do kết quả của việc đại chúng hóa GDĐH. Các đại học cần có các sứ mạng khác nhau và cần phục vụ nhiều loại nhóm người khác nhau…

Nói cách khác, đó là hệ thống GDĐH mạnh, đa dạng, phân tầng, đáp ứng có hiệu quả các yêu cầu khác nhau của sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu học tập của nhân dân”, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp tâm đắc dẫn lại đề xuất phương hướng xây dựng một “hệ thống đẳng cấp thế giới” cho GDĐH của nước ta.

Hội thảo đã nhận được hơn 100 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo từ các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong cả nước gửi về tham luận, trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm về phát triển giáo dục và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Lệ Thu