Vì sao Việt Nam không thể “xóa sổ” Toán, Lý, Hóa?

Nếu theo Phần Lan, học sinh chỉ cần thảo luận theo nhóm, không cần ngồi trong lớp, không cần nghe giảng. Nếu làm như vậy, kiến thức các em thu thập cũng không rõ ràng. Bây giờ chưa phải là thời điểm Việt Nam có thể học Phần Lan khi “xóa sổ” môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử….

Gần đây, chính phủ Phần Lan - một trong những đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới đã quyết định thực hiện một cuộc “cách mạng” trong dạy và học khi “xóa sổ” các môn học Toán, Lý, Hóa, Lịch sử... thay vào đó là phương pháp dạy học theo những chủ đề rộng hơn. Những giờ học theo từng môn riêng lẻ như trước đây sẽ không còn tồn tại. Thay vào đó, học sinh sẽ mặc sức thảo luận, khám phá…

Nhiều chuyên gia cho rằng, Phần Lan có một cuộc “cách mạng” trong dạy và học. Trong khi đó, trường học của Việt Nam chỉ dạy học sinh “học vẹt”. Hơn nữa, giáo dục tại Việt Nam chỉ quan tâm đến chương trình chứ không cần quan tâm đến dạy học.

Không thể dập khuôn, máy móc

Trao đổi với phóng viên, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, “xóa sổ” các môn học là một cuộc cách mạng của giáo dục Phần Lan. Tuy nhiên, ông không đồng tình khi nói rằng giáo dục không còn mang giá trị trang bị kiến thức mà chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế.

PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương.

Theo ông, giáo dục ở thời điểm nào hay bất kì đâu đều phải mang giá trị kiến thức với ý nghĩa rộng rãi của "kiến thức", không phải chỉ sách vở, hàn lâm..., mà còn cả kiến thức thực tế xã hội, kiến thức áp dụng....

Vị chuyên gia này cũng băn khoăn, khi các nhà giáo dục Phần Lan sẽ “xóa sổ” các môn cụ thể Toán, Lý, Hóa, Lịch sử… để trở thành những môn tổng hợp.

Ông lý giải, bây giờ học sinh không cần học cách tính toán như cộng, trừ, nhân, chia ..., thậm chí cả phép tính tích phân nữa vì đã có máy tính làm việc đó một cách chính xác tuyệt đối rồi. Tuy nhiên, trước khi dùng máy tính phải biết những điêu cơ bản như: khi nào thì cộng, khi nào thì nhân.... Đó là những kiến thức cơ bản mà học sinh phải biết trước khi họ áp dụng những công nghệ hiện đại.

Nền giáo dục của Việt Nam đang cố gắng nhanh chóng thoát khỏi tình trạng "thầy đọc trò chép, thầy nói trò ghi, trò học thuộc lòng và thầy cho điểm. Việt Nam cũng đang chuyển giáo dục từ việc nhồi nhét kiến thức sang việc phát huy tiềm năng trí tuệ và nâng cao phẩm chất của người học.... Tuy nhiên, việc thay đổi này vẫn rất “mờ nhạt”.

“Việt Nam đã có tiến bộ nhưng bệnh thành tích cố hữu trong ngành Giáo dục vẫn luôn luôn là lực cản cho mọi cải cách, thay đổi... “, PGS.Văn Như Cương bày tỏ.

Ông cho rằng, Việt Nam nên học tập những nước có nền giáo dục tiền tiến, trong đó có Phần-Lan, nhưng không thể dập khuôn máy móc.

Chẳng hạn, nếu theo Phần Lan, học sinh chỉ cần thảo luận theo nhóm, không cần ngồi trong lớp, không cần nghe giảng. Nếu làm như vậy, kiến thức các em thu thập cũng không rõ ràng. Do đó, bây giờ chưa phải là thời điểm Việt Nam có thể học Phần Lan khi “xóa sổ” các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử….

Ông nói thêm: Trên thực tế, Singapore đã đưa nguyên bộ sách giáo khoa của Anh để giảng dạy cho học sinh của nước này. Tuy nhiên, Việt Nam lại không thể làm được điều đó bởi bệnh thành tích “học chỉ vì điểm”. Vì vậy, khi áp dụng bất kỳ phương pháp dạy và học của quốc gia nào, các nhà làm giáo dục Việt Nam cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Việt Nam chỉ “loay hoay” thi cử

GS.TS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết, Phần Lan là đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới do đó cải cách giáo dục cũng không có gì lạ.

GS.TS. Phạm Minh Hạc
GS.TS. Phạm Minh Hạc.

Tuy gọi là “xóa sổ” Toán, Lý, Hóa nhưng không phải là bỏ hẳn, mà các môn học này vẫn được dạy theo hướng khác. Họ sẽ dạy học sinh trong các tình huống cụ thể, trong môi trường cụ thể.

Ông không đồng tình với “xóa sổ” các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử bởi các môn học đó tạo thành giá trị của từng người.

Học các môn Toán, Lý, Hóa vẫn đem ra ứng dụng thực tế. Đặc biệt, đối với Việt Nam, ngay từ thời Pháp thuộc, các nhà làm giáo dục đã định hướng nghề nghiệp của học sinh theo năng khiếu môn học. Chẳng hạn, nếu theo khối Tự nhiên, học sinh sẽ học Toán, Lý, Hóa. Khối xã hội, học sinh sẽ học Văn, Sử, Địa…

Việt Nam đã bước đầu thực hiện nhiệm vụ của giáo dục – phát triển con người hoàn thiện, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, giáo dục của Việt Nam vẫn “loay hoay” vào thi cử. Giáo viên dạy nhiều, học sinh hiểu ít chứng tỏ dạy chữ nhiều, không dạy người.

Ngoài ra, trong xã hội, mọi người đều có tư tưởng nuôi con học đến lớp 12 thì đại bộ phận theo triết lý “học để thi đại học”, thậm chí là vào trường nào cũng được, dù không biết học ra để làm gì. Học để đi thi, chỉ lấy đi thi vào ĐH là con đường gần như là duy nhất đối với thanh niên nước nhà.

“Đấy là một thảm họa, lãng phí tiền, thời gian, công sức của cả gia đình và xã hội”, GS.TS. Phạm Minh Hạc bày tỏ.

Theo ông, nếu xã hội không thoát khỏi tâm lý “khoa văn thi cử”, chạy theo mảnh bằng đại học, không có ích thì không thể nào đổi mới căn bản, toàn diện thành công.

“Muốn đổi mới giáo dục, phải có những điều kiện cụ thể về vật chất như sách giáo khoa và người thầy. Nếu giáo viên vẫn giữ lối tư duy và cách dạy cũ thì không thể cải cách”, GS.TS. Phạm Minh Hạc chia sẻ.

Theo Diệu Thu
Dân Việt