Vì sao trường Đại học Xây dựng lấy điểm chuẩn 2 ngành dưới điểm sàn?

(Dân trí) - Trong thông báo điểm trúng tuyển năm 2017 của trường ĐH Xây dựng có 2 ngành học dưới điểm sàn là ngành Xây dựng Cảng - Đường thủy là 15,25 điểm và ngành Kinh tế và Quản lý Bất động sản là 14,75. Vì sao trường lại lấy mức điểm như vậy?

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Thi, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Xây dựng cho biết, nhà trường xây dựng điểm trúng tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2017.

Chính vì vậy, trong thông báo điểm trúng tuyển vào trường, cũng đã ghi gõ cách tính điểm xét tuyển của Trường theo công thức là:

Vì sao trường Đại học Xây dựng lấy điểm chuẩn 2 ngành dưới điểm sàn? - 1

Ông Thi cho hay, với cách tính điểm theo công thức này, trong kết quả xét tuyển của Trường có 2 ngành điểm xét tuyển dưới 15,5 và số thí sinh trúng tuyển vẫn đảm bảo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Trường: Tổng điểm 3 môn thi (chưa nhân hệ số) thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt từ 15,5 điểm trở lên (kể cả điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Phong Điền, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển miền Bắc cho biết, tất cả thí sinh xét tuyển trong nhóm xét tuyển miền Bắc đều đạt ngưỡng 15,5 điểm 3 môn cộng với điểm ưu tiên.

Trong quá trình thực hiện công tác xét tuyển, các trường đưa ra các môn chính trong tổ hợp xét tuyển và áp dụng dụng công thức quy đổi ra điểm xét tuyển. Do đó, những thí sinh nào có môn chính kết quả thấp thì có thể điểm xét tuyển xuống dưới 15.

"Việc công bố điểm chuẩn dưới 15 điểm một chút như trường ĐH Xây dựng không có nghĩa là thí sinh không đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng" - ông Điền nhấn mạnh.

Được biết, cách tính điểm này, rất nhiều trường đại học áp dụng thực hiện. Chính vì cách tính như vậy nên nhiều điểm xét tuyển của thí sinh có thể khác so với điểm thi gốc nhưng vẫn đảm bảo sự công bằng giữa tất các thí sinh. Tuy nhiên, điều này đã gây ra sự hơi khó hiểu với thí sinh nếu không nghiên cứu kỹ phương án xét tuyển của các trường.

Hồng Hạnh