Vì sao môn Lịch sử tiếp tục "đội sổ" với hơn 330.000 bài thi dưới 5 điểm?

Kiều Phương

(Dân trí) - Sau khi điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 được công bố, điều mà thí sinh, phụ huynh và xã hội quan tâm là môn Lịch sử có điểm trung bình thấp nhất trong tất cả các môn thi.

Cụ thể, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, môn Lịch sử có 637.005 thí sinh dự thi. Điểm trung bình môn Lịch sử là 4,97 điểm. Đây là môn duy nhất trong số 9 môn thi tốt nghiệp có điểm trung bình dưới 5.

Số lượng thí sinh có điểm liệt là 540. Đây cũng là môn thi có số thí sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất trong số các môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Cụ thể, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 331.429 (chiếm tỉ lệ 52.03%).

Vì sao môn Lịch sử tiếp tục đội sổ với hơn 330.000 bài thi dưới 5 điểm? - 1

Phổ điểm môn Lịch sử năm 2021.

Môn Lịch sử tiếp tục "đội sổ": Không bất ngờ nhưng… rất buồn

Đáng nói, đây không phải năm đầu tiên môn Lịch sử đạt phổ điểm thấp. So sánh trong 3 năm gần đây, có thể thấy môn học này luôn ở khu vực "cuối bảng".

Năm 2019, Lịch sử có điểm thi thấp nhất, điểm trung bình là 4,30 và có 70% số bài thi môn Lịch sử dưới điểm trung bình. Năm 2020, điểm thi môn Lịch sử chỉ thấp sau môn tiếng Anh; với điểm trung bình là 5,19 điểm; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỉ lệ 46,95%. Năm nay, Lịch sử lại trở về vị trí "đội sổ".

Trước thực trạng này, thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên Lịch sử một trường cấp 3 tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Tôi không bất ngờ nhưng rất buồn, vì nhiều năm trở lại đây, mỗi khi đến mùa thi, Lịch sử lại trở thành môn thi gây ra sự tranh luận khi luôn đạt kết quả thấp.

Phổ điểm là thước đo, phản ánh thực chất quá trình dạy và học. Theo tôi, từ thực trạng này, học sinh, phụ huynh và đội ngũ nhà giáo cần nhìn nhận lại quá trình giáo dục và học tập đối với môn học này".

Hơn 10 năm giảng dạy môn Lịch sử tại trường THPT, nhà giáo Hoàng Thị Nga (Hải Phòng) bày tỏ, mặc dù không phải là năm đầu tiên phổ điểm Lịch sử nằm vào top thấp nhất trong các môn thi, nhưng khi biết được thông tin này, cô và một số đồng nghiệp vẫn không khỏi ngậm ngùi và hụt hẫng.

"Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc truyền đạt kiến thức, tổ chức ôn tập cho học sinh, nhưng kết quả thi Lịch sử ngày một đi xuống khiến giáo viên bộ môn như tôi không khỏi chạnh lòng. Trong tôi vẫn luôn đau đáu câu hỏi: Liệu rằng học sinh đang quay lưng với môn Lịch sử?" - cô Nga trải lòng.

Thí sinh chọn môn Lịch sử: Chỉ mong đỗ tốt nghiệp

Lý giải cho việc Lịch sử là môn có kết quả thi thấp nhất trong tất cả các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, nhà giáo Hoàng Thị Nga cho rằng, có rất nhiều lý do để dẫn tới thực trạng này. Song, lý do quan trọng nhất, đó chính là mục đích học tập và thi cử của thí sinh.

"Nhiều năm nay, tỉ lệ chọn môn tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD) luôn cao hơn tổ hợp Khoa học tự nhiên. Sở dĩ các em chọn như vậy để nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp, chỉ cần không môn nào bị điểm liệt là có thể dễ dàng vượt qua kỳ thi.

Trong đó, đối với tổ hợp Khoa học xã hội, thí sinh chú ý "gỡ điểm" ở môn Địa Lý và GDCD do môn GDCD có nhiều câu hỏi gần gũi với cuộc sống, còn Địa lý đã có Atlat là "cứu tinh". Còn với Lịch sử, đây là môn "khó nhằn" nhất, khi phải ghi nhớ khá nhiều kiến thức, đồng thời không có công cụ hỗ trợ như môn Địa lý. Điều này đã dẫn tới tình trạng phổ điểm môn Lịch sử thấp hơn so với các môn thi còn lại" - giáo viên Hoàng Thị Nga phân tích.

Đồng quan điểm, nhà giáo Khổng Thu Hằng (giáo viên Lịch sử trường THPT Tô Hiệu, Hải Phòng) cho biết, trong nhận thức của một số học sinh, Lịch sử chỉ đơn giản là ghi nhớ những kiến thức có sẵn. Nhưng thực tế, môn học này đòi hỏi  khả năng tư duy, tổng hợp, nhận xét...

"Đặc biệt, đề thi Lịch sử năm nay chứa nhiều câu hỏi gây nhiễu, có độ phân hóa cao và khó hơn. Cách ra đề này "không chấp nhận" những thí sinh chỉ học thuộc lòng và nhớ máy móc sự kiện, ngày tháng. Nếu không dành nhiều thời gian và tâm huyết để ôn tập, thì việc đạt điểm thấp môn Lịch sử là chuyện rất dễ hiểu" - cô Hằng nhấn mạnh.

Môn Lịch sử ngày càng bị lãng quên?

Đưa ra một cái nhìn khác, nhà giáo Hoàng Thị Nga cho hay, mặc dù không thể phủ nhận được "nỗi buồn" trước thực trạng môn Lịch sử ngày càng "tụt hậu", nhưng nếu bình tĩnh suy xét thì kết quả đó diễn ra theo đúng quy luật của cuộc sống.

Cô Nga phân tích, thực tế, môn thi Lịch sử với đặc thù của môn học, lại không phải là môn thi bắt buộc, nên từ nhà trường, gia đình, đặc biệt là bản thân người học, chưa đánh giá đúng vị trí của môn học này. So sánh với các môn học khác, nếu môn Ngữ văn, Toán, Anh… được đầu tư "đến nơi đến chốn" thì Lịch sử lại rơi vào một "thái cực" khác, thậm chí bị lãng quên.

Giáo viên này bày tỏ: "Tất nhiên, điều này không thể trách được phụ huynh hay học sinh được. Bởi thực tế, các trường Đại học hay Cao đẳng chưa coi trọng môn Lịch sử. Điều này thể hiện ở việc ít trường, ít khoa xét tuyển các tổ hợp môn có liên quan đến điểm Lịch sử, các ngành đào tạo không nhiều, khó xin việc… khiến phụ huynh và thí sinh không đầu tư đúng mức vào môn học như đội ngũ giáo viên chúng tôi vẫn kỳ vọng".

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trần Trung Hiếu cho hay, bên cạnh yếu tố chất lượng thí sinh, nội dung đề thi… cũng cần nhắc đến chương trình giảng dạy của môn học này.

"Gần 9 năm gắn bó với môn học này, quan điểm cá nhân, tôi vẫn thấu chương trình Lịch sử còn quá nặng nề, chi tiết. Nội dung sách giáo khoa cũng còn đậm chất báo cáo, nghiêng về sự kiện. Chưa kể đến những con số khó nhớ và những ý nghĩa sự kiện "na ná" nhau cũng. Giáo viên có bao năm kinh nghiệm vẫn còn nhầm lẫn, huống hồ các em học sinh".

Chưa dừng lại ở đó, phương pháp giảng dạy cũng khiến một bộ phận học sinh "quay lưng" với môn Lịch sử. Thầy Hiếu phân tích, hiện nay, đa số giáo viên vẫn giáo dục học sinh theo hướng tiếp cận nội dung, nhồi nhét một mớ kiến thức, gây cảm giác nhàm chán, nặng nề cho người học.

Theo nhà giáo này, chỉ khi vấn đề được giải quyết từ gốc, khi chương trình được thay đổi phù hợp, tạo được hứng thú cho người học thì lúc đó mới mong điểm thi được cải thiện.

"Trước tiên, đội ngũ nhà giáo - những người ngày ngày tiếp xúc với học sinh cần thay đổi phương thức giảng dạy. Dạy Lịch sử theo tôi là truyền cho các em cái tinh thần của dân tộc, lòng biết ơn với tổ tiên qua những nhân vật lịch sử thì mới khắc sâu và đọng lại trong các em, chứ không phải những số liệu khô khan, diễn biến dài dòng của những trận đánh. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, học sinh phải chuyển sang hình thức trực tuyến, tiếp thu kiến thức khó khăn hơn, thì việc thay đổi phương thức giáo dục càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Không chỉ thay đổi kết cấu, phương pháp giảng dạy, cần có hướng phát triển rõ ràng hơn với những học sinh yêu thích và chọn môn học này.

Để lấy lại vị thế của bộ môn Lịch sử, cho học sinh thích thú và say mê với quá khứ hào hùng của cha ông, tôi nghĩ đây là cả một hành trình dài và cần rất nhiều sự nỗ lực, cố gắng" - thầy Hiếu nhắn nhủ.