Vì sao lần đầu tiên có sách giáo khoa môn Thể dục?

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong chương trình giáo dục phổ thông, sẽ có thêm sách giáo khoa môn Thể dục (tên gọi mới là Giáo dục thể chất) bởi các môn học phải bình đẳng như nhau.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới đây, bộ môn Thể dục cũ trước đây sẽ có tên gọi mới là môn Giáo dục thể chất.

Đây là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung chủ yếu rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất đa dạng như: các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, trò chơi vận động, môn thể thao và kỹ năng phòng tránh chấn thương trong hoạt động thể dục thể thao.

Môn Giáo dục thể chất được chia thành hai giai đoạn. Ở giáo dục cơ bản, môn học này giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.

Vì sao lần đầu tiên có sách giáo khoa môn Thể dục? - 1

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học. (Ảnh: GDTĐ)

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao. Ngoài việc tiếp tục phát triển các kỹ năng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, những học sinh có năng khiếu thể thao có thể tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho mình.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học, được phân bổ cho các nội dung phù hợp với từng cấp học. Ví dụ ở bậc tiểu học, nội dung vận động cơ bản với các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, tư thế và kỹ năng vận động chiếm 65% thời lượng.

Ở cấp THPT, nội dung trên không còn. Thay vào đó, các môn thể thao tự chọn chiếm 90% thời lượng; thời gian còn lại dành cho đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.

Môn Giáo dục thể chất cũng sẽ tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện, tạo hứng thú cho học sinh. Đặc biệt, lần đầu tiên, bộ môn này có sách giáo khoa (SGK).

Trao đổi với PV Dân trí ngày 13/10, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, việc có SGK môn Giáo dục thể chất bởi tất cả các môn học đều phải bình đẳng như nhau nên phải có sách để học.

Ngoài ra, lâu nay bộ môn thể dục trong nhà trường chưa được chú trọng. Theo cách cũ, chỉ mỗi thầy dạy trên lớp và các trường đều học một bài thể dục như nhau. Tuy nhiên, thực tế, nó là môn học rất quan trọng, là một trong 4 lĩnh vực cốt yếu: Đức, trí, thể, mỹ.

Vì sao lần đầu tiên có sách giáo khoa môn Thể dục? - 2

SGK bộ môn Giáo dục thể chất của Chương trình giáo dục phổ thông mới được bổ sung và nâng cao đầy đủ hơn.

Ở Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được học đa dạng. Thậm chí, các em được lựa chọn các môn học phù hợp với sức khoẻ. Do đó, các em cần phải có sách để đọc. Ở nhà, bố mẹ có thể hướng dẫn thêm dựa trên giáo trình đó.

“Thể dục không chỉ học trong lớp. Do không đủ giờ để tăng thời lượng học của môn Giáo dục thể chất trên lớp nên môn học này cần được thực hành ngoài cuộc sống.

Đặc biệt, SGK bộ môn Giáo dục thể chất của chương trình giáo dục phổ thông mới được bổ sung và nâng cao đầy đủ hơn. Không chỉ dừng lại ở tập các động tác thể dục nhưng trước đây, học sinh được học cách chăm sóc sức khoẻ, nề nếp sinh hoạt, dinh dưỡng…”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Về băn khoăn, trong chương trình Giáo dục thể chất, học sinh sẽ được lựa chọn nhiều môn thể thao, liệu các nhà trường có đáp ứng đủ năng lực, một đại diện tác giả cuốn sách cho hay, các nhà trường căn cứ vào điều kiện sân tập, dụng cụ, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên giảng dạy…, để lựa chọn các môn phù hợp đưa vào giảng dạy cho học sinh.

Theo đó, các trường phổ thông chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện đáp ứng cho hoạt động dạy - học môn Giáo dục thể chất.

Đồng thời để có thể đáp ứng được nguyện vọng của học sinh về các môn thể thao hiện nay, các nhà trường cần nỗ lực nhiều và có kế hoạch để từng bước xây dựng cơ sở vật chất.

Mỹ Hà