Ý kiến bạn đọc:

Vì sao không nên công bố danh tính thí sinh gian lận điểm thi?

(Dân trí) - Công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi, tôi nói thẳng là không nên, các bạn ạ. Những ai mà đề nghị công khai danh tính thí sinh hay bố mẹ thí sinh, theo tôi là rất hồ đồ, cạn nghĩ. Không phải ngẫu nhiên mà sau hơn 8 tháng điều tra vụ việc tiêu cực gian lận điểm thi (khởi nguồn đầu tháng 7/2018 và nay sắp bước sang tháng 4/2019), nhưng Bộ Giáo dục - Đào tạo lại không công bố danh tính thí sinh, mà đẩy “quyền” công bố đó sang cho Bộ Công an. Họ có lý của họ hết, chẳng qua tôi và các bạn chưa hiểu hết lý lẽ mà thôi.

Nhìn lại mà xem, con số thí sinh gian lận điểm thi ở  các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La, thực sự quá lớn. 114 thí sinh ở Hà Giang, 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh ở Sơn La, tổng cộng là 222 thí sinh. Số 222 mà đọc theo tiếng Anh là “High High High” thì các bạn biết nó “cao cao cao, nhiều nhiều nhiều” chừng nào rồi.

222 thí sinh có nghĩa đằng sau họ là 444 ông bố bà mẹ (chưa tính còn có cả cô bác chú dì có tham gia vào việc chạy điểm nữa). Cộng cả con và bố mẹ là 666 con người. Nếu công khai danh tính tất cả những người đó thì phải làm rõ tên tuổi của từng người, quê quán, địa chỉ ở đâu, đang giữ chức vụ gì, từng kinh qua những công tác nào, quá trình chạy điểm, mua điểm ra sao, mua bằng bao nhiêu tiền, giao dịch ở đâu… Ôi thôi thôi, nghĩ đến đó là tôi đã thấy… tốn giấy lắm rồi. Đất nước của ta còn nghèo, cái gì tốn kém thì nên bớt bớt đi, mà tốt nhất là không làm gì cả, trả ai về nhà nấy, thế là khỏe re như... bò kéo xe.

Các bạn nghĩ xem, riêng Hà Giang có 114 thí sinh gian lận, tức là có 228 ông bố bà mẹ “nhúng chàm”. Mà họ là ai, nói thẳng luôn đó là những ông bố bà mẹ rất giàu, hoặc chức rất to, hoặc vừa giàu vừa chức to. Chỉ có quyền cao chức trọng, mới khiến anh Phó phòng Khảo thí Sở Giáo dục - Đào tạo Vũ Trọng Lương hạ bút sửa điểm. Mà anh sửa điểm một cách bất chấp, vì có những thí sinh 3 môn được nâng lên đến 29,95 điểm, gần như "kịch trần".

Rồi chỉ có những ông bố bà mẹ là thương nhân giàu có, bỏ ra số tiền rất lớn, thì mới lọt vào được đường dây chạy điểm của anh Lương mà xem ra rất… bất lương.

Những thí sinh gian lận đó, nói như nhà báo Bùi Hoàng Tám trong bài “Các thí sinh được nâng điểm là con cháu của ai ?” , chắc chắn không có con em của các công nhân trong các khu công nghiệp làm 9- 10 tiếng/ngày thu nhập dăm bảy triệu bạc/tháng. Đó cũng không phải con cháu công chức lương ba cọc, ba đồng...

Giàu thì khó, chức to thì hiếm. Bây giờ các bạn đòi công khai quan chức, thương nhân nhúng chàm nói trên, thì đương nhiên phải đi kèm với khởi tố, xử lý hình sự họ các tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn”, tội “hối lộ”, “mua điểm”, tội "không tố giác tội phạm"…

Thử hỏi 228 ông bố bà mẹ ở Hà Giang mà bị bắt giam, thì Hà Giang chỉ trong một lúc biết đâu sẽ mất đi rất nhiều thương nhân, lãnh đạo.

Lại nói ở Sơn La, đường dây chạy điểm có sự tham gia của ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh, rồi thiếu tá Đinh Hải Sơn, Phó Đội trưởng Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh; rồi nguyên Trung tá Đỗ Khắc Hưng - cựu cán bộ Phòng PA03 Công an tỉnh… Nguyên trong đường dây chạy điểm đã lộ ra 3 quan chức “cộm cán” như thế rồi thì làm rõ ra 88 ông bố bà mẹ của 44 thí sinh gian lận của tỉnh Sơn La nó sẽ còn khủng cỡ nào nữa?!

Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đều là tỉnh miền núi, là các tỉnh nghèo và rất nghèo (bằng chứng là mấy năm qua báo Dân trí đi xây và xóa phòng học tranh tre nứa lá cho các tỉnh này mà làm không xuể), nên bắt hết các quan chức, thương nhân của các tỉnh trên thì ngay một lúc lấy ai ra mà làm… lãnh đạo, lấy ai ra để xây dựng quê hương ?

Nên suy cho cùng, không nên công khai danh tính các thí sinh cũng như bố mẹ của các thí sinh, cũng là để “gìn giữ sự bình yên” cho các tỉnh miền núi đang còn nghèo khó như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, các bạn ạ.

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

Sông Lam