Vì sao ĐH Sư phạm Đà Nẵng tăng chỉ tiêu ngành Báo chí?

(Dân trí) - So với chỉ tiêu đã công bố trước đây, số thí sinh trúng tuyển ngành Báo chí của ĐH Sư phạm Đà Nẵng vừa công bố cao hơn gấp đôi. Theo lý giải của nhà trường, chỉ tiêu của ngành học này đã được điều chỉnh tăng trong mức cho phép, và do nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.

Cụ thể, theo Đề án tuyển sinh 2017 của ĐH Sư phạm Đà Nẵng công bố từ tháng 3/2017, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Báo chí là 200 sinh viên (SV). Thế nhưng, theo danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 vừa công bố, số thí sinh trúng tuyển ngành học này lên đến hơn 450 SV, tăng hơn 2 lần so với chỉ tiêu công bố trước đó. Điều này khiến nhiều thí sinh thắc mắc.

Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Báo chí của ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã được điều chỉnh tăng 1,5 lần so với công bố trước đó (ảnh minh họa)
Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Báo chí của ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã được điều chỉnh tăng 1,5 lần so với công bố trước đó (ảnh minh họa)

Trả lời PV Dân trí , PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Đà Nẵng - lý giải như sau:

Ở Khối ngành VII, nhà trường có tổng số 9 ngành đào tạo, gồm: Văn học, lịch sử, địa lý, văn hóa học, việt nam học, tâm lý, công tác xã hội, quản lý TN & MT và Báo chí.

Căn cứ vào quy định của Bộ GD-ĐT như số lượng giảng viên cơ hữu quy đổi, quy mô đào tạo hiện tại, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường (gọi chung là điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục), khối ngành VII nhà trường được tuyển sinh trên 1.000 chỉ tiêu (CT). Tuy nhiên, trường chỉ đăng ký 870 CT cho 9 ngành. Trung bình mỗi ngành chưa tới 100 CT.

Sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia, Bộ cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển. Ngành Báo chí có tổng số thí sinh (TS) đăng ký là 1.195 TS, trong đó NV1: 303 TS, NV2: 302TS, NV3: 248TS, còn lại các nguyện vọng khác. Ngược lại, số TS đăng ký vào các ngành Văn hóa học, Lịch sử, Văn học, Quản lí Tài nguyên & môi trường thấp. Kết quả đó đã phản ánh nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội đối với các ngành đào tạo.

Ngày 26/7 Bộ GD-ĐT công bố số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường và tiến hành lọc ảo. Bộ cho phép các trường tự điều chỉ tiêu trong khối ngành nhưng không được vượt tổng. Nhà trường đã hội ý Ban Giám hiệu và điều chỉnh chỉ tiêu ngành Báo chí lên 350 chỉ tiêu; đồng thời, giảm chỉ tiêu các ngành còn lại.

Kết quả, xét tuyển ngành Báo chí lấy 18,25 điểm, cũng thuộc “top” ngành có điểm chuẩn cao của nhà trường, số thí sinh trúng tuyển là 459 thí sinh. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm, chưa năm nào các ngành cử nhân của trường có số lượng thí sinh nhập học đủ. Do vậy, chủ trương của Đại học Đà Nẵng và nhà trường thống nhất sử dụng trọng số xét tuyển đối với các nguyện vọng, cụ thể như sau: NV1 trọng số 1 (tức là gọi 10 em nhập học cả 10 em); NV2 trọng số 0,7 (tức là gọi 10 em chỉ nhập học có 7 em); tương tự NV3 trọng số 0,5; NV4 trở lên trọng số 0,2. Như vậy với số lượng trúng tuyển là 459 thí sinh trúng tuyển công bố, sau khi nhân hệ số thì số lượng dự kiến nhập học thực tế vẫn là 350 sinh viên vì trong số đó rất nhiều em trúng tuyển NV 3, 4 trở lên.

Với số lượng dự kiến nhập học lần này, nhà trường sẽ mở thêm 1 lớp theo hướng đào tạo tăng cường tiếng Anh (nhưng không tăng học phí). Đồng thời nhà trường sẽ tăng cường các nguồn lực như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy tốt nhất để nâng cao chất lượng đào tạo.

Khánh Hiền