Vì sao có tới hơn 300.000 thí sinh chưa đăng ký xét tuyển đại học?

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Số liệu thống kê trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT đến 12h ngày 20/08 cho thấy, 611.255 thí sinh đã nhập nguyện vọng trên tổng số 941.714 thí sinh đăng ký xét tuyển.

Như vậy, còn tới 330.495 thí sinh chưa nhập nguyện vọng, chiếm 35%. Con số này không tăng đáng kể so với thống kê ngày 19/8, dù Bộ GD&ĐT đã liên tục nhắc nhở trên các phương tiện truyền thông.

Vì sao sát hạn cuối đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vẫn có tới 1/3 số thí sinh chưa nhập nguyện vọng?

Vì sao có tới hơn 300.000 thí sinh chưa đăng ký xét tuyển đại học? - 1
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Số chưa nhập nguyện vọng có thể là các thí sinh không đủ điểm sàn?

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo một trường đại học tại Hà Nội chia sẻ, hiện nay, đa số các trường đều công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) là trên 15 điểm. "Như vậy, đầu tiên là thí sinh phải đủ ngưỡng điểm đó mới đăng ký được. Dưới ngưỡng đó thì các bạn ấy sẽ không dám đăng ký", vị này cho hay.

Cũng theo vị lãnh đạo, Hội đồng tuyển sinh của trường đại học này đã thử thống kê dựa trên phân tích dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Qua thống kê cho thấy có gần 300.000 thí sinh dưới 15 điểm ở các tổ hợp.

"Rất có thể con số trên 300.000 thí sinh chưa nhập nguyện vọng sẽ chủ yếu là nhóm thí sinh không đủ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Chúng ta đang thống kê thiếu hẳn nhóm này", vị lãnh đạo nói.

Tình trạng ảo trong tuyển sinh đại học

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, việc còn tới hơn 1/3 số thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển không phải do các em chờ "nước đến chân mới nhảy", mà đây là tình trạng ảo trong tuyển sinh đại học.

"Có thể nói con số hiện nay mới là ảo "tập 1". Có nghĩa là các thí sinh đăng ký tài khoản cá nhân để đăng ký xét tuyển, nhưng bỏ cuộc sớm bằng việc không khai báo nguyện vọng. Nhưng số thí sinh "ảo tập 1" lên đến 35% thì hơi "khủng".  Còn tiếp tục "ảo tập 2" là có đăng ký nguyện vọng trên hệ thống nhưng sẽ không đóng phí xét tuyển trong 10 ngày tới", TS Tùng nói.

Một vị đại diện khác tại một trường đại học ở Hà Nội thì nêu quan điểm, có thể nhiều thí sinh chỉ "thi cho vui", không có mong muốn đỗ đại học nên không cần nhập nguyện vọng. "Theo tôi, thí sinh nếu đã quyết tâm thi đại học thì sẽ biết lịch trình của Bộ GD&ĐT, sẽ đăng ký đúng thời hạn. Còn một số em đang đứng giữa các lựa chọn như đi làm, đi học nghề,… thì sẽ không đăng ký", vị này nói.

Cũng theo ông, trên thực tế, có thể có thí sinh không nắm rõ quy định về thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng; tuy nhiên tỷ lệ này sẽ không cao vì các trường đã làm công tác truyền thông rất tốt, Bộ GD&ĐT cũng đã thông báo thường xuyên trên tất cả phương tiện truyền thông để các em nắm rõ những công việc cần làm.

"Qua quá trình tư vấn cho thí sinh, tôi nhận thấy đa số đều nắm rõ các quy định. Một số thí sinh chưa đăng ký ngay chỉ là vì còn đang băn khoăn chọn trường này hay trường kia, tuy nhiên chắc chắn nhóm này cũng sẽ đăng ký trước hạn cuối. Còn những bạn không chốt nguyện vọng có thể chỉ là do không muốn học, như tôi đã phân tích phía trên", vị đại diện nhận định.

Có thể nhiều thí sinh đã lựa chọn theo học trường nghề

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thì cho rằng, cần chờ số liệu thống kê cuối cùng của Bộ GD&ĐT để đưa ra đánh giá. Thực tế, Bộ GD&ĐT đã liên tục nhắc nhở, thậm chí cảnh báo tới tận các trường THPT để yêu cầu nhắc nhở thí sinh về hạn cuối đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng là 17h ngày 20/8.

Tuy nhiên, theo ông, nếu số liệu thống kê tới trưa nay (330.495 thí sinh chưa nhập nguyện vọng) là đúng thì có thể rất nhiều thí sinh không đăng ký trên Hệ thống vì các em đã tìm được một hướng học tập khác.

" Ví dụ, nhiều em đã lựa chọn theo học các trường đào tạo nghề nghiệp, hệ thống trường cao đẳng nghề chẳng hạn", PGS Điền nói.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 (kể cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển tại cơ sở đào tạo) đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (trừ thí sinh trúng tuyển thẳng theo Điều 8 của Quy chế nếu đã xác nhận nhập học trên Hệ thống). 

Thí sinh sau khi đăng ký xét tuyển vẫn tiếp tục được điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian quy định, không giới hạn số lần.

Sau 17h ngày 20/8, Hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang các quy trình tiếp theo. Khi đó, thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.