Về lớp học tình thương ở Kiên Giang

(Dân trí) - Những mảnh đời trẻ thơ lớn lên bên bãi rác, thở cùng bãi rác tưởng rồi cũng sẽ bị tàn lụi bên bãi rác như bố mẹ các em khi không nghề nghiệp, không hoc hành. Nhưng khi đến lớp, các em đã như “sống” lại.

Được học miễn phí, không những thế còn được phát miễn phí sách, vở, bút mực và một tuần học ba buổi tối 2,4, 6 vừa học chữ, vừa học năng khiếu, ấy thế mà nhiều phụ huynh của phường Vĩnh Thanh, phường Vĩnh Thanh Dân của thị xã Rạch Giá - tỉnh Kiên Giang vẫn làm mình làm mẩy với các cô giáo lớp học tình thương của Nhà Văn hoá thiếu nhi Rạch Giá. Họ bảo học làm gì, chữ nghĩa có mang lại tiền bạc đâu trong khi bán vé số ngày còn kiếm được dăm nghìn!

 

Thế là cô Diễm, cô Dung, cô Hoa, cô Nghi… và các thầy cô khác trong Chi đoàn của nhà Văn hoá lại phải chia nhau đến từng nhà “dỗ”. Cứ theo đã vừa dạy vừa dỗ như thế, nhiều lúc tưởng như lớp học tình thương nơi phố biển này tan, nhưng rồi, đã hai năm trôi qua kể từ ngày thành lập vào đầu năm học 2003-2004, giờ lũ trẻ ấy đã biết đọc biết viết, biết cộng trừ và thích đến lớp hơn là đi lang thang bán vé số!

 

Lớp học có 54 em đều là người trong thị xã với nhiều độ tuổi khác nhau vì thế mỗi giờ lên lớp, mỗi cô phải chia nhau ra thành mỗi tốp để dạy, vừa chép một phép tính nhân lên bảng cho một nhóm này lại phải quay ra dạy đếm cho một nhóm khác. Cứ thế, các cô giáo xoay như chong chóng bên lớp học râm ran.

 

Cô Dung, cô giáo dạy múa ở lớp học tình thương này kể: "Gian nan lắm khi đưa được các em đến lớp. Tôi còn nhớ, trong buổi học đầu tiên, chúng tôi tuyệt nhiên không đả động gì đến…sách vở mà chỉ tổ chức văn nghệ và phát quà bánh cho các em. Hai ba ngày sau cũng thế. Đến khi bọn trẻ thích đến lớp, chúng tôi mới dỗ dần dần, nào là phải học mới giúp các em biết đọc truyện tranh, học mới giúp các em tính toán được những con số để nếu có đi bán hàng thì cũng không bị bắt nạt…".

 

Bây giờ thì lớp học tình thương của phố biển Kiên Giang đã chỉnh chu lắm, lũ trẻ chân đất ngày nào còn đựoc mặc cả đồng phục vì  “người cha” của lớp học, ông Trần Văn Hơn, Giám đốc Nhà Văn hoá Thiếu nhi đã đi vận động các nhà hảo tâm để “diện” cho các em. Ông Hơn còn xin cho lớp học tình thương được tiếp tục dạy và học cao hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc dạy đọc, dạy viết…

 

 

Châu Bi