“Vẽ đường cho hươu chạy” đúng hướng vẫn hơn!

(Dân trí) - Cần trang bị cho các con một vốn kiến thức đủ đầy về giới tính, tình yêu, tình dục cùng những kĩ năng sống cần thiết, xây dựng cho con một thái độ sống tích cực. Từ đó các con sẽ lựa chọn cách ứng xử thích hợp với tình cảm của mình, biết bảo vệ chính mình, biết tránh xa cám dỗ…

Đọc bài viết “Làm gì khi phát hiện con biết yêu?”, tôi rất đồng tình với cách ứng xử của người mẹ với tình cảm của cậu con trai mười tuổi. Chị thật sự đã đặt những viên gạch đầu tiên cho tình bạn giữa hai mẹ con. Chắc hẳn tình bạn đó sẽ lớn dần lên để chị có dịp theo sát bên con trên mọi nẻo đường tình yêu, cổ vũ đúng lúc, sẻ chia kịp thời và tư vấn khi cần thiết.

Nhưng tôi biết sẽ có rất nhiều bậc phụ huynh không đồng tình với cách ứng xử “thoáng” của phụ huynh này. Cũng bởi vì ăn sâu vào tiềm thức của người Việt là lối sống e dè, kín đáo và ngại ngần đề cập đến những vấn đề tế nhị liên quan đến tình yêu, giới tính, tình dục… Rất nhiều ông bố bà mẹ gặp phải câu hỏi về vấn đề nhạy cảm của con cái là lập tức lảng sang chuyện khác, hoặc nạt nộ: “Đó là chuyện của người lớn, con nít đừng tò mò!”, hoặc trả lời qua loa, chiếu lệ theo kiểu: “Tự nhiên thế thôi, lớn rồi khắc biết!”…

Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Con trẻ sẽ ôm một nỗi thắc mắc, mối hoài nó nghi to lớn, trí tò mò bị kích thích và tự dò dẫm tìm hiểu, khám phá. Điều đáng lo ngại là sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng với một lượng kiến thức khổng lồ luôn mở, nhưng không phải cái nào cũng đúng chuẩn, cũng tích cực. Thiếu một sự định hướng đúng đắn, các con rất dễ bị tha hóa lối sống, nhân cách và sa ngã.

Việc giáo dục giới tính trong nhà trường ở nước ta đang có những khoảng trống lớn bởi có nhiều vấn đề tế nhị, nhạy cảm nhưng thiết thực vẫn bị “né” khi đưa vào chương trình. Điều này hoàn toàn trái ngược với xu thế của thế giới. Rất nhiều nước tiên tiến đã mạnh dạn đưa vào chương trình học chính khóa. Còn chúng ta cứ mãi “kín cổng cao tường”. Thiếu những kiến thức khoa học, thiếu sự định hướng, con trẻ tự loay hoay đi tìm lời giải ở đâu đó ngoài kia mà bố mẹ, thầy cô đâu có thể quản được tốt xấu.

Đúng là có những trường hợp không nên “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng trong tình huống này, vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng vẫn tốt hơn rất nhiều. Cần trang bị cho các con một vốn kiến thức đủ đầy về giới tính, tình yêu, tình dục cùng những kĩ năng sống cần thiết, xây dựng cho con một thái độ sống tích cực. Từ đó các con sẽ lựa chọn cách ứng xử thích hợp với tình cảm của mình, biết bảo vệ chính mình, biết tránh xa cám dỗ… Khi ấy, các con sẽ hành động theo lí trí và trái tim mình. Còn những lời cảnh báo hay đe đọa của bố mẹ như “Cấm…!”, “Không được…!” sẽ chẳng ăn thua gì.

Trong gia đình, việc tạo nên mối quan hệ gần gũi, thân mật, quan tâm, yêu thương giữa bố mẹ và con cái thật sự rất cần thiết đối với sự hình thành nhân cách và tình cảm của con trẻ. Tìm được tiếng nói chung với con cái, cha mẹ sẽ giúp ích rất nhiều để trẻ phát triển một cách toàn diện về cả thể chất và tinh thần. Mẹ thường gần gũi với con gái, hãy tâm sự với con về những chuyện thầm kín. Bố lại là người bạn của con trai, hãy nói chuyện nghiêm túc với con về những vấn đề nhạy cảm mà con quan tâm.

Nhà trường không chỉ trau dồi kiến thức mà phải tích cực xây dựng kĩ năng sống cho học sinh. Những buổi ngoại khóa, chuyên đề, hội thảo về tình yêu, giới tính cần được tổ chức thường xuyên và hiệu quả hơn để trẻ tích cực tham gia, tích cực hoạt động, tích cực tìm hiểu một cách khoa học và nâng cao ý thức xây dựng lối sống tích cực cho bản thân.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!