Vấn nạn người gốc Việt mù tiếng Việt

Nếp sống văn hóa trong môi trường Mỹ đã tạo ra khoảng cách trong tư duy và tất nhiên thể hiện trong sinh hoạt. Dinh không ăn món cá kho hoặc thịt heo của mẹ mà xin 5 USD để chạy ra cửa hàng KFC.

Trong quyển toàn cầu hóa The Lexus and The olive tree, nhà báo Thomas Friedman đã đưa ra hình ảnh sống động về sự tương phản giữa chiếc xe hạng sang Lexus và cây olive.

Theo Friedman, trong khi ngày càng nỗ lực vươn lên để sở hữu chiếc Lexus - bằng chứng của đời sống kinh tế vật chất cao, người ta cũng đồng thời muốn duy trì sự yên bình dưới bóng mát cành olive, là hình ảnh của cội nguồn văn hóa dân tộc. Trong bài viết gần đây trên Los Angeles Times, tác giả Mai Trần đã cho thấy nỗ lực trong duy trì gốc rễ dân tộc tại cộng đồng Việt kiều Mỹ…

Nói chuyện với con phải nhờ người phiên dịch

Kristi Dinh để lại cho mẹ mẩu giấy viết nguệch ngoạc bằng tiếng Anh trong nhà bếp với dòng chữ: “Con đi làm, sẽ về trễ”. Khi trở về lúc 10 giờ tối, Dinh được mẹ đón ở cổng bằng cái tát tai! Bà không hề biết mô tê về việc cô con gái 18 tuổi đã ở đâu.

Giống như những thanh, thiếu niên gốc Việt khác, Dinh cũng gặp khó khăn trong việc trò chuyện với cha mẹ. Rời Việt Nam lúc ba tuổi, hầu như cô đã quên hết tiếng mẹ đẻ, trong khi cha mẹ cô chẳng bao giờ đồng ý học tiếng Anh. Dinh, học sinh lớp 12 Trường Bolsa Grande tại Garden Grove, nói: “Chúng tôi gặp rắc rối khi cuộc trò chuyện kéo dài. Chúng tôi không thể hiểu nhau”.

Trong khi đó, bà Mary Nguyễn, 54 tuổi, tâm sự rằng mình không hề biết nơi làm việc của con gái. Họ không bao giờ nói về chuyện học tập hay bạn bè của cô hoặc thậm chí việc bàn bạc thức ăn cho bữa tối. Bà Mary Nguyễn nói: “Nó sống y chang một người Mỹ. Tôi luôn phát điên vì nó. Sao mà nó phải dành tiền để ăn tiệm mỗi ngày?”. Bà tin chắc rằng cô con út đã trở thành người Mỹ mất rồi. Mỗi khi nói chuyện với cô con út, bà phải nhờ anh chị của nó dịch lại! Thật may, vấn đề chưa đến nỗi bế tắc khi cộng đồng vào cuộc.

Giáo
viên Todd Chung trong lớp “Let’s Learn Vietnamese Weekly” (Orange County
Register).

Giáo viên Todd Chung trong lớp “Let’s Learn Vietnamese Weekly” (Orange County Register).

Dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai

Đối mặt với khoảng cách văn hóa đang lớn dần giữa cha mẹ nhập cư và con cái, một số trường khu vực, chẳng hạn Garden Grove Unified và Huntington Beach Union bắt đầu tổ chức chương trình dạy tiếng Việt cho học sinh trung học gốc Việt. Và quận Cam trở thành một trong hai quận trên toàn nước Mỹ có khu vực trường học dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai được lựa chọn, tương tự tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp trong các cộng đồng di dân khác.

Tại San Jose, chương trình Việt ngữ bắt đầu từ năm 1992, sau khi vô số phụ huynh người Việt than phiền về chuyện con cái họ trở nên quá Tây và đánh mất văn hóa truyền thống. Rào cản ngôn ngữ trở nên quá lớn khiến họ không thể có được buổi trò chuyện về những đề tài cơ bản nhất với đám con sinh và trưởng thành tại Mỹ.

Thực tế cho thấy có quá nhiều thanh niên gốc Việt tiếp tục đổ xô theo lối sống phương Tây; và rào cản ngôn ngữ tiếp tục dẫn tới nhiều áp lực và mâu thuẫn thế hệ trong gia đình. Với các bậc phụ huynh, họ gọi đám thanh niên lai văn hóa Mỹ là mất gốc. Mà đúng là khó khăn thật trong cuộc chiến duy trì cây olive.

Việc thiếu giao tiếp giữa Dinh và cha mẹ đã gây ra nhiều cuộc cãi vã. Bà Nguyễn có lần viết cho con lá thư bày tỏ nỗi khổ tâm và bà phải nhờ giáo viên dịch giùm. Trong khi đó, Dinh nói rằng mình bị khủng hoảng đến mức tính bỏ nhà ra riêng. “Thật khó lưu loát cả hai ngôn ngữ” - Dinh nói. Không chỉ ngôn ngữ mà còn cách sống. Bà Nguyễn hẳn phải rất “đau lòng” khi thấy cô con út “khoan” hai lỗ ở mỗi vành tai, luôn bận áo thun hở rốn, xí xố tiếng Anh, cười hăng hắc với cô bạn nào đó qua điện thoại. “Tôi được bao quanh bởi lối sống phương Tây và tất cả những gì tôi làm đều mang văn hóa Mỹ” - Dinh nói tiếp.

Do đó chẳng có gì lạ khi cô suốt ngày mở CD nghe nhạc rap, nhí nhoáy gửi tin nhắn cho tụi bạn và trải qua ngày cuối tuần ngắm mây trôi ở khu giải trí Pac Sun và American Eagle. Cái tên Đinh Kim Tươi cũng được đổi thành Kristi Dinh khi Dinh nhập tịch Mỹ năm 2000.

Khan hiếm giáo viên

Phụ huynh và thầy cô tại quận Cam đã vận động hành lang liên tục cho việc mở lớp tiếng Việt. Trung học Westminster mở lớp tiếng Việt đầu tiên năm 2002 và nhu cầu tăng nhanh cũng dẫn đến thành lập các lớp tiếng Việt tại hai trường trung học Bolsa và La Quinta. Trung học Garden Grove sẽ mở lớp tiếng Việt đầu tiên vào tháng 9-2016.

Bắt đầu từ mùa khai giảng năm nay, Trường Westminster tại quận Cam sẽ thực hiện chương trình song ngữ Anh-Việt đầu tiên với sự giúp đỡ của Trung tâm Nguồn quốc gia về ngôn ngữ châu Á thuộc ĐH công California-Fullerton mà giám đốc là cô Natalie Tran.

Ông Nguyễn Quốc Lân, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục khu vực trung học Garden Grove, cho biết việc học thêm ngôn ngữ sẽ giúp học sinh dễ tìm việc. Lượng thông dịch viên tiếng Việt đang thiếu hụt. Nếu không đầu tư tiếng Việt cho cộng đồng người Việt, thảm họa sẽ xảy ra trong 5-10 năm tới, khi chẳng còn ai biết giỏi tiếng Việt và mỗi khi cần đến, người ta buộc phải “nhập khẩu” người biết tiếng Việt - theo ông Lân. Tại các lớp tiếng Việt, học sinh bắt đầu bằng việc học cấu trúc câu, từ vựng, văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Hãy thử đến một lớp. Trong lớp của cô Nguyễn Quỳnh Trang tại Bolsa Grande, một học sinh đọc to câu tiếng Việt “Cô ấy trông rất đẹp”. Khi cô Trang đề nghị dịch, một học sinh đã chuyển ngữ sang tiếng Anh thành “She looks hot”. Cô Trang cười hỏi: “Thế à? Ngoài trời thực sự nắng phải không?” và cả lớp cười nghiêng ngả. Rồi cô Trang giải thích: “Ở Việt Nam, chúng ta sử dụng từ tương đương nghĩa “pretty, very pretty” và câu trên phải hiểu tương đương “She is very pretty”.

Học sinh trong lớp cô Trang đa phần là bọn trẻ Mỹ gốc Việt, nói tiếng Anh như gió nhưng tiếng Việt chỉ bập bẹ vài câu thông thường. Không ít trong số đó sinh tại Mỹ và nhiều em thích đổi sang tên Mỹ hơn tên Việt. Vy thành Shayla, Thanh biến thành Tiffany hoặc Trà Giang trở thành Natali.

“Nói tiếng Việt hoặc không nói gì cả!”

Chương trình tiếng Việt cho cộng đồng người Việt còn gặp khó khăn ở chỗ nó quá mới nên thiếu ngân sách trầm trọng và chính quyền cấp bang chưa thật sự quan tâm. Giáo viên thường sử dụng giáo trình cũ được thiết kế dành cho người Việt bản xứ và họ phải tự soạn giáo án.

Một số giáo trình thậm chí không đề cập đến những anh hùng dân tộc, chẳng hạn Trần Hưng Đạo, khiến người ta có cảm giác tương tự không có thông tin nào về Shakespeare trong sách giáo khoa tiếng Anh - như nhận xét của một giáo viên. Tất cả đều phụ thuộc và trông cậy vào sự sáng tạo độc lập của từng giáo viên. Vài học sinh đến lớp chỉ đơn giản vì có đám bạn thân của nó ở đó. Vài đứa khác, dân Mỹ chính cống, học tiếng Việt như một sự đầu tư có tính toán. Jerry Hernander, 14 tuổi ở Bolsa Grande, học tiếng Việt chỉ để sau này mở một cửa hàng tại địa điểm có nhiều người Việt sống.

Dạy tiếng Việt đã khó và dạy văn hóa càng khó hơn. Học sinh thích ăn pizza và chuối hơn phở và đu đủ. Số khác chọn sushi thay vì chân gà hầm. Thầy Dzung Bach cho biết mình luôn tận dụng mọi cơ hội để cố nhắc học sinh chúng là ai nhưng đôi khi thầy có cảm giác chúng không còn là người Việt 100%.

Đối với Kristi và cha mẹ cô, lớp tiếng Việt là cơ hội cuối cùng để xây dựng mối quan hệ gia đình. Sự hiểu lầm giữa họ dẫn tới sự ngờ vực và rốt cuộc là lảng tránh nhau. Bà Mary Nguyễn áp dụng một “luật thép” đối với các con: “Nói tiếng Việt hoặc không nói gì cả”.

Cuối cùng, sự khuôn phép của bà Mary Nguyễn cũng giáo dục và làm cô con gái ý thức hơn về giá trị bản thể dân tộc. Bây giờ khi ra khỏi nhà, cô nói với cha mẹ bằng tiếng Việt: “Thưa ba má con đi”, thay vì chỉ nhép miệng vỏn vẹn từ “Bye”. Mỗi khi không hiểu gì đó trong tiếng Việt, Dinh nhờ anh chị trong nhà giúp đỡ.

Khi thuật lại điều này, bà Mary Nguyễn kể trong tâm trạng xúc động đặc biệt. Lớp học tiếng Việt bắt đầu mang lại thay đổi. Trong lá thư gửi cho mẹ bằng tiếng Việt, Dinh viết: “Mẹ ơi, đừng nghĩ xấu về con. Mẹ hãy tin rằng con sẽ thành công. Chắc chắn con không làm mẹ thất vọng!”. Nói theo ngôn ngữ của nhà báo Thomas L. Friedman, cái gốc olive của bà Mary Nguyễn đã bắt đầu phủ bóng che mát cho cô gái út của bà.

Theo Mạnh Kim (Báo Pháp luật TP.HCM)