Hội Khuyến học Bạc Liêu:

Vận động Quỹ Khuyến học và xã hội hóa hơn 33,6 tỷ đồng trong năm 2013

(Dân trí)-Năm 2013, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu đã vận động Quỹ Khuyến học và xã hội hóa giáo dục hơn 33 tỷ đồng - một con số đáng ghi nhận cho phong trào khuyến học của tỉnh này so với con số hơn 4 tỷ đồng (năm 2011) và gần 15 tỷ đồng (năm 2012) .

Ngày 17/1, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức tổng kết công tác khuyến học năm 2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh; đại diện lãnh đạo các Hội Khuyến học huyện, thành phố; các nhà tài trợ; báo Khuyến học & Dân trí cùng các Sở, ban ngành tỉnh Bạc Liêu.

Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức tổng kết công tác hội năm 2013.
Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức tổng kết công tác hội năm 2013.

Theo báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong năm 2013, Tỉnh Hội đã phát triển mới trên 42.900 hội viên, nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh là 117.874 hội viên (chiếm tỷ lệ 13,69% so với dân số trong toàn tỉnh). Toàn tỉnh hiện có trên 13.300 gia đình hiếu học, 385 dòng họ hiếu học; tăng hơn 3.800 gia đình và 200 dòng họ hiếu học so với năm 2012.

Toàn tỉnh có 64/64 Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Trong năm 2013 đã tổ chức được trên 1.400 lớp tập huấn cho hơn 72.500 lượt người tham dự học tập. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ chưa được đồng đều (có 24/64 TTHTCĐ hoạt động khá, tốt; 31 TTHTCĐ hoạt động trung bình; 9 TTHTCĐ hoạt động yếu). Nguyên nhân chủ yếu do thiếu kinh phí hoạt động, thiếu cán bộ chuyên trách. Việc tổ chức mở lớp và số người tham gia học tập tuy có nhiều nhưng hiệu quả thực chất đạt chưa cao; các TTHTCĐ chưa thu thập thông tin, tìm hiểu để gắn kết việc học theo nhu cầu của người dân; nhu cầu “cần gì học nấy” của người dân đã qua thực hiện chưa tốt, chưa đem lại hiệu quả thiết thực cho người tham gia học tập.

Hội Khuyến học tỉnh cho biết, để chủ động nguồn quỹ cấp học bổng cho HSSV nghèo trong năm học 2013, ngay từ đầu năm, Tỉnh Hội đã xây dựng kế hoạch và tích cực tiến hành vận động gây Quỹ Khuyến học. Trong năm qua, Hội Khuyến học các cấp đã vận động Quỹ Khuyến học và xã hội hóa giáo dục hơn 33,6 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2012. Trong đó, các cấp Hội vận động cho Quỹ Khuyến học được hơn 4,1 tỷ đồng và đã cấp trên 6.000 suất học bổng, khen thưởng, trợ cấp cho hàng ngàn HSSV, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, các cấp Hội cũng đã vận động từ xã hội hóa giáo dục gần 28 tỷ đồng như: hiến đất với hơn 20.000m2 trị giá trên 768 triệu đồng; hơn 476.000 cuốn vở; 2.000 bộ sách giáo khoa, 2.000 cặp học sinh, 6.000 bộ quần áo, 440 chiếc xe đạp, cây cảnh, băng đá, 843 phần quà, hơn 1.900 kg gạo…

Bên cạnh đó, phong trào nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học cũng đã được các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt. Trong đó, TP Bạc Liêu và các huyện Đông Hải, Hồng Dân, Hòa Bình là nơi có phong trào nuôi heo đất tiết kiệm sôi nổi nhất. Qua đợt phát động năm học 2012- 2013, toàn tỉnh có trên 8.000 con heo đất với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Trong báo cáo tổng kết, bà Nguyễn Thị Quế Phượng - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết, nhìn chung tổ chức Hội và phong trào khuyến học trong tỉnh đã có bước chuyển biến tốt nhưng vẫn còn tình trạng không đồng đều ở các địa phương.

Một trong những khó khăn hiện nay của Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu là chế độ cho các Hội cơ sở. “Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành với Hội Khuyến học có mặt chưa tốt, một số cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý cho công tác khuyến học chậm được triển khai ở một số địa phương. Trong đó, việc công nhận Hội Khuyến học các huyện và cơ sở là Hội đặc thù để nhận chế độ thù lao và kinh phí hoạt động theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh còn chậm dẫn đến đã ảnh hưởng đến tâm trạng và chất lượng hoạt động của các cấp hội, nhất là ở các xã, phường, thị trấn”, bà Phượng nhấn mạnh.

Chính vì thế, lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho rằng, sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp là nhân tố quan trọng quyết định cho sự phát triển của phong trào, khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Do đó, lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu đề nghị trong thời gian tới và sớm nhất, các ngành có thẩm quyền cần quan tâm xem xét làm sao để các cấp Hội được công nhận là Hội đặc thù để hưởng chế độ theo quy định, góp phần phát triển phong trào khuyến học của tỉnh.

Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổ chức tổng kết công tác hội năm 2013.
Nhiều tập thể, cá nhân Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu được TƯ Hội Khuyến học Việt Nam khen thưởng vì có thành tích trong phong trào khuyến học năm 2013. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cũng đề ra phương hướng nhiệm vụ hoạt động trong năm 2014. Ông Nguyễn Kiên Nhẫn - UVBCH Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong năm 2014, ngoài thực hiện phát triển tổ chức, kiện toàn bộ máy Hội Khuyến học các cấp thì Tỉnh Hội sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện cuộc vận động phát triển Quỹ Khuyến học và huy động nhân tài, vật lực xây dựng xã hội hóa giáo dục khuyến học.

“Trong đó, Tỉnh Hội sẽ đẩy mạnh phong trào nuôi heo dất tiết kiệm trong mỗi hộ dân, trong cơ quan đơn vị trường học, các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo để tạo nguồn quỹ nhằm giúp đỡ ngày càng nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”, ông Nhẫn nhấn mạnh.

Tại buổi tổng kết, nhiều tập thể và cá nhân của Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học; bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và UBND tỉnh Bạc Liêu vì có những đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh.

Huỳnh Hải