Bạn đọc viết:

Vài suy ngẫm về giáo dục

(Dân trí) - Ngành giáo dục nước ta luôn đổi mới, cải cách và nâng cao chất lượng. Với những nỗ lực và cống hiến không ngừng ấy, vậy tại sao giáo dục vẫn chưa bứt phá?

Nhìn vào thực tế, giáo dục nước ta vẫn còn nặng lý thuyết. Dù đã cải cách rất nhiều nhưng lượng kiến thức nhồi nhét vẫn còn cao. Thực tế những bài học lý thuyết liệu trong cuộc sống có áp dụng được bao nhiêu? Chúng ta học để mở mang kiến thức, để có thể áp dụng vào nâng cao chất lượng đời sống vậy những cái tính vô cùng, vô cực, những bài học không liên quan gì có cần thiết không?

 

Vì sao sinh viên ra trường các doanh nghiệp lại phải đào tạo lại, có phải vì họ yếu kém không? Xin thưa không phải vậy, chỉ là chúng ta yếu về thực hành thôi. Trên giảng đường chúng ta được học khác nhưng ra thực tế vận dụng được mấy đâu. Thiết nghĩ nền giáo dục chúng ta cần sửa đổi, hạn chế lý thuyết lại thay vào thực hành nhiều hơn, tăng thời gian thực tập lên một đến hai năm chứ không phải hai, ba tháng như bây giờ. Liệu trong hai, ba tháng đó bạn học được gì? Thực tế, một số sinh viên không hề thực tập hoặc có thực tập thì cũng ngồi chơi, vì có người quen hay đại loại công ty không thể giao việc cho người không biết làm. Vậy sau hai, ba tháng thực tập ấy, sinh viên được những gì? Có những bạn rất nỗ lực học hỏi nhưng học được bao nhiêu? Thực tế sao không cho sinh viên một nửa thời gian đào tạo là học thực hành tại chính cơ sở thực tế và được đánh giá vào kết quả chính năng lực của mình. Ta cần nhìn nhận thực tế những phát minh gần đây phần lớn do nông dân chế tạo, vậy họ có học những nguyên lý, lý thuyết không? Ta không dám chắc họ biết hay không nhưng họ thực hành nhiều nên sáng chế được thôi.

 

Hiện nay, bên cạnh việc giáo dục các kiến thức thì việc giáo dục đạo đức cần được quan tâm nhất. Thực tế, những môn học có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục đạo đức như môn Văn học, môn Giáo dục công dân và môn Lịch sử lại là những môn học sinh chán học nhất. Lý do vì sao? Có thể do hiện tượng học lệch ngày nay. Nhưng cũng cần phải nói đến tầm quan trọng của việc thay đổi phương pháp giảng dạy, thay vì những tiết học văn chỉ đọc và phân tích, tìm hiểu, sao không thử đổi thành những vở kịch hay lấy từ những câu chuyện ấy, cho học sinh nghiên cứu kỹ rồi đóng vai vào, như vậy không chỉ học sinh nắm được cốt truyện mà còn hiểu được ý nghĩa của những bài văn. Thay vì môn lịch sử, cứ thao thao bất tuyệt những tháng ngày với những trang giấy khó có thể nào ghi nhớ nổi, sao không thay bằng những bộ phim lịch sử? Theo tôi, nên dựng nhiều phim lịch sử, chiếu nhiều hơn trên truyền hình cả nước, đưa vào các tiết dạy lịch sử sẽ hay hơn. Bởi những gì ta nhìn thấy sẽ lưu lại trong tâm trí sâu hơn những gì được nghe.

 

Còn những giờ học Giáo dục công dân sao không cho học sinh thực hành. Thay vì dạy học sinh tiết kiệm là thế này, yêu thương là thế kia sao không dạy học sinh bằng thực tế. Để học sinh thêm yêu Tổ quốc, sao không sử dụng hình thức tham quan để học sinh thấy nước ta thật đẹp, cần phải bảo vệ trân trọng. Sao không dạy trẻ yêu thương người khác bằng việc cho trẻ đến thăm nom những người đau ốm, thăm những trại mồ côi, khuyết tật để trẻ thấy mình còn may mắn hơn người khác, để biết yêu thương san sẻ, quý trọng mạng sống hơn…

 

Lại nghĩ về “vấn nạn” thi cử sử dụng tài liệu, nhắc bài khi thi. Vậy làm sao để chống? Nếu thi lý thuyết, thi viết, thi những nội dung có trong sách vở, học sinh chỉ học bài rồi chép lại ra, không cần biết có hiểu hay không chỉ cần học vẹt có thể đạt điểm. Vậy thiết nghĩ, sao không chuyển thành thi thực hành, mỗi học sinh vận dụng kiến thức đã được học, theo cách hiểu của mình thực hành cho đúng, hoặc giả sử thi viết sao không cho thi viết theo cách nghĩ của mình?

 

Ly Phan

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!