Ứng viên giải Nobel Vật lý người Nhật sẽ đến làm việc tại ĐH Tôn Đức Thắng

Nhật Hồng

(Dân trí) - Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã mời thành công nhà khoa học từng là ứng viên của giải Nobel Vật lý - Giáo sư Morimitsu Tanimoto của Đại học Niigata (Nhật Bản) sẽ đến làm việc toàn thời gian tại trường.

Ứng viên giải Nobel Vật lý người Nhật sẽ đến làm việc tại ĐH Tôn Đức Thắng - 1

PGS.TS Phạm Thanh Phong, Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu TDTU cho biết, chỉ có tài năng, khát vọng được hun đúc và nuôi dưỡng trong một môi trường học thuật nghiêm túc

Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) với khát vọng và tầm nhìn 30 năm cho vấn đề này với sự tự chủ đại học mà Chính phủ cho phép đang làm hết sức mình để chiêu mộ các nhà khoa học tài năng từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc.

PGS.TS Phạm Thanh Phong, Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu TDTU cho biết, tại TDTU, lĩnh vực Vật lý thiên văn đang có một nhà khoa học tài năng người Nhật Bản đang làm việc, đó là Tiến sỹ Eibun Senaha. Trong năm 2020, công trình "Cancellation mechanism for the electron electric dipole moment connected with the baryon asymmetry of the Universe" [Phys. Rev. D 101 (2020), 011901(R)] của ông đã xuất bản dưới dạng “Rapid Communication” trên tạp chí Journal of Physical Review D đã được chỉ mục vào Nature Index.

Tiến sỹ Eibun Senaha là thành viên của AIMaS kể từ tháng 11/2019 sau một thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu Cơ bản Hàn quốc (Institute for Basic Science).

Cho đến nay ông đã công bố được 45 công trình trên các tạp chí ISI uy tín và các công trình này đã nhận được 1143 trích dẫn từ các đồng nghiệp quốc tế.

Đặc biệt, vừa qua Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã mời thành công nhà khoa học từng là ứng viên của giải Nobel Vật lý - Giáo sư Morimitsu Tanimoto của Đại học Niigata (Nhật Bản) làm việc toàn thời gian tại trường.

Theo đó, Giáo sư Morimitsu Tanimoto đã lên chương trình mời các nhà Vật lý

Ứng viên giải Nobel Vật lý người Nhật sẽ đến làm việc tại ĐH Tôn Đức Thắng - 2

Giáo sư Morimitsu Tanimoto của Đại học Niigata (Nhật Bản) sẽ đến làm việc toàn thời gian tại trường ĐH Tôn Đức Thắng

Nhật Bản được giải Nobel như Giáo sư Takaaki Kajita (Nobel năm 2016), Giáo sư Takeo Inami (Nobel năm 2008) đến thăm và làm việc tại TDTU.

Cũng theo PGS.TS Phạm Thanh Phong đầu năm nay, TDTU đã được Giáo sư Naftali Auerbach (Đại học Tel Avil, Israel)- một nhà vật lý nổi tiếng thế giới- nhận làm Phó ban Cố vấn cho Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu và trở thành Giáo sư danh dự của trường.

Giáo sư Naftali Auerbach có nhiều năm làm việc tại các trung tâm Vật lý hạt nhân hàng đầu thế giới như Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, Hoa Kỳ (1980-2004), Viện Lý thuyết Hạt nhân tại Seattle, Hoa Kỳ (1991, 1999), Viện Vật lý hạt nhân tại Orsay, Pháp (1976-2007), TRIUMF, Canada.

Do đó những tư vấn của ông về chính sách phát triển khoa học cũng như các quan hệ rộng của ông trong cộng đồng Vật lý thế giới sẽ thúc đẩy tốt hơn các lãnh vực nghiên cứu khoa học của TDTU. 

Giải Nobel khát vọng của nhiều quốc gia

Năm 2020, lần lượt các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học và Văn chương của năm 2020 đã có chủ nhân.

Tính riêng trong lãnh vực khoa học, nước Mỹ tiếp tục dẫn đầu với 4 nhà khoa học đạt giải. Trong lĩnh vực Vật lý, ba nhà khoa học Roger Penrose (Anh), Reinhard Genzel (Đức) và Andrea Ghez (Mỹ) cùng chia nhau giải Nobel với những khám phá đặc sắc về lỗ đen trong vũ trụ.

Đây là năm thứ hai liên tiếp các nhà vật lý thiên văn được vinh danh bởi giải thưởng danh giá nhất hành tinh.

Những thành công của các nhà khoa học từ Mỹ, Đức, Anh và Pháp không chỉ từ tài năng của cá nhân họ mà còn từ chính sách, môi trường nghiên cứu khoa học, đặc biệt là Mỹ, nơi tính đến nay đã có 248 nhà khoa học đạt giải Nobel (chiếm tỷ lệ 35%).

PGS.TS Phạm Thanh Phong, Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu TDTU cho biết, chỉ có tài năng, khát vọng được hun đúc và nuôi dưỡng trong một môi trường học thuật nghiêm túc, tự do và không bị chi phối bởi những vinh hoa phù phiếm hoặc những toan tính phi học thuật mới dễ dàng thăng hoa và nhà khoa học mới an tâm làm việc và có những phát kiến khoa học vĩ đại.

Ông Phong cho rằng, cái văn hóa đó không phải nước nào cũng có được và cũng không thể xây dựng trong một sớm một chiều. Đặc biệt một chiều kích quan trọng nữa là sự hợp tác trong khoa học, cho nên không ngạc nhiên khi Reinhard Genzel tại thời điểm hiện tại vừa là Giáo sư của Đại học California (Mỹ), vừa là thành viên của Viện Max Planck (Đức).

Đạt giải Nobel không chỉ là khát vọng cao quý của nhà khoa học mà còn là khát vọng của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Việt Nam chúng ta không đứng ngoài những khát vọng đó.

Tuy nhiên làm thế nào để khát vọng này trở thành hiện thực rất gian nan. Mỹ hiện là miền đất hứa cho các nhà khoa học tài năng từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về làm việc và khi họ được giải Nobel, nước Mỹ được xướng danh.

Vậy chúng ta cũng có thể làm được điều đó không nếu có một chính sách chiêu hiền đãi sỹ, quy tụ các nhà khoa học tài năng về đây làm việc? Đó là một ước mơ có vẻ xa rời hiện thực nhưng không có nghĩa là không làm được nếu chúng ta quyết tâm.