Ứng phó với Corona, trường học áp dụng nhiều hình thức dạy và học online

(Dân trí) - Các trường đang lựa chọn nhiều hình thức dạy và học online như sử dụng nền tảng miễn phí, tạo ứng dụng riêng hay hợp tác với đơn vị dạy trực tuyến hàng đầu thế giới.

Từ ngày 3/2, học sinh trong độ tuổi từ mầm non đến trung học phổ thông và sinh viên một số trường đại học, cao đẳng trên cả nước được tạm nghỉ học, tránh những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus Corona. Thời gian tạm nghỉ là một tuần (3 đến hết 9/2/2020) nhưng cũng có khả năng kéo dài hơn tùy vào diễn biến dịch bệnh.

Rất khẩn trương, dưới sự hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường từ phổ thông, cao đẳng và đại học đã chuyển từ hình thức dạy và học truyền thống sang trực tuyến. Tùy từng bậc học cũng như điều kiện riêng, mỗi trường lựa chọn áp dụng một hoặc đồng thời nhiều hình thức dạy và học trực tuyến.

Có quy mô hơn 50.000 học sinh sinh viên, Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) áp dụng khá đa dạng các hình thức dạy và học trực tuyến để phù hợp với các đối tượng người học, từ độ tuổi bậc tiểu học đến sau đại học.

“Đối với lứa tuổi tiểu học, việc học online được Tổ chức Giáo dục FPT nhanh chóng triển khai qua Google Classroom và VioEdu.” Bà Phạm Thị Khánh Ly (Quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học FPT Cầu Giấy) chia sẻ. Nhờ tiện ích hoàn toàn miễn phí từ Google, thầy cô giáo có thể tạo lớp học “ảo”, đăng tải bài học, bài tập và chấm điểm và trả bài cho học sinh theo tuần, bám sát phân phối chương trình của trường. Học sinh cũng dễ dàng vào lớp học. Còn với VioEdu, học sinh được học tập miễn phí trên hệ thống này từ nay tới hết dịch. Vào khung giờ cố định mỗi ngày, phụ huynh có thể trao đổi trực tiếp với thầy cô chủ nhiệm lớp về tình hình và kết quả học tập của con qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Từ đó, nhà trường và gia đình kịp thời có điều chỉnh để hỗ trợ tốt nhất cho việc học online của các em.

Ứng phó với Corona, trường học áp dụng nhiều hình thức dạy và học online - 1

Hình ảnh phần mềm Shub Classroom hiển thị hoạt động học tập online và kết quả bài kiểm tra của học sinh THPT FPT

Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở FPT Edu dùng sách giáo khoa điện tử và laptop nên việc “online hóa” triển khai khá thuận lợi. Giáo viên chủ nhiệm các lớp chủ động tạo group trên Facebook, Zalo... để trao đổi nhanh với học trò. Bài học thường được đăng tải lên các nền tảng dạy và học trực tuyến như Zoom, Shub Classroom... Học sinh ở độ tuổi trung học có độ “nhạy” cao với công nghệ nhưng đồng thời cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoài bài học trên Internet. Việc ứng dụng các hình thức học online được THPT FPT cân đối với việc kết hợp cùng phụ huynh quản lý quá trình học tập của học sinh.

“Trường đã mua và cung cấp tài khoản riêng cho học sinh, thầy cô để sử dụng được nhiều tiện ích của Zoom hơn so với việc dùng bằng tài khoản miễn phí. Lịch học thường xuyên được cập nhật lên hệ thống nội bộ của trường để học sinh nắm được. Ngoài ra, THPT FPT Cần Thơ cũng đang xây dựng ứng dụng học tập riêng, với những tính năng tiện dụng như theo dõi lịch học, đăng tải bài học, gửi thông tin đến tất cả phụ huynh, phụ huynh kết nối với ban giám hiệu hoặc giáo viên ngay trên ứng dụng mà không cần phải thông qua điện thoại hay mạng xã hội như hiện tại.” - bà Nguyễn Thị Uyên Thúy (Hiệu trưởng THPT FPT Cần Thơ) chia sẻ.

Ứng phó với Corona, trường học áp dụng nhiều hình thức dạy và học online - 2
Học online trở thành hình thức học tập hữu dụng trong bối cảnh học sinh không thể đến trường do dịch bệnh như hiện nay

Một thuận lợi đối với FPT Edu khi tiến hành chuyển sang học online ở bậc đại học để tránh dịch Corona đó là tháng 8/2019, Trường ĐH FPT đã đạt thành thỏa thuận với Coursera - nền tảng học trực tuyến hàng đầu thế giới về việc cung cấp các khóa học cho sinh viên của trường. Theo đó, sinh viên Trường ĐH FPT được truy cập vào hơn 3.700 khóa học từ 150 trường đại học trên khắp thế giới, trong đó có những tên tuổi lớn như Harvard, Standford, Yale… Từ đó đến trước thời điểm dịch Corona khiến sinh viên phải tạm nghỉ học, sinh viên Trường ĐH FPT đã vừa học theo phương pháp truyền thống, vừa học qua Coursera. Cụ thể, hơn 1000 sinh viên đã tham gia 4.400 khóa học tương đương hơn 30.000 giờ học online, thu về 3.370 chứng chỉ.

Dịch Corona khiến việc học tại trường của sinh viên Trường ĐH FPT tạm thời gián đoạn nhưng các giảng viên đã nhanh chóng tăng cường trao đổi bài vở với sinh viên qua email, group lớp hoặc mạng xã hội. Ngoài ra, những môn học trên Coursera vẫn được các bạn hào hứng tham gia và trở thành sự thuận lợi đối với sinh viên trong thời điểm này.

“Thường ngày, ngoài giờ học trên lớp, chúng em vẫn thường xuyên nhận và gửi bài vở, trao đổi với các thầy cô qua email, group Facebook hoặc Zalo… Vì thế, việc học online không còn xa lạ với chúng em. Khi được biết trường tạm thời cho sinh viên nghỉ học để tránh dịch Corona, chúng em đã sẵn sàng học qua Coursera, cũng thuận tiện và hiệu quả không kém học trên lớp.” - Minh Anh (sinh viên năm 2) cho biết.

Ứng phó với Corona, trường học áp dụng nhiều hình thức dạy và học online - 3
Những đơn vị giáo dục như FPT Edu có sẵn các chương trình hợp tác với các nền tảng học trực tuyến lớn trên thế giới có khả năng chủ động hơn trong bối cảnh SV không thể tới trường

Những đơn vị khác thuộc FPT Edu như Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic áp dụng học trực tuyến 100% với các môn Tin học, Chính trị, Pháp luật… dành cho 16.000 sinh viên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Cần Thơ. Nhiều giảng viên và sinh viên Đại học Greenwich (Việt Nam) tạo lập các group trên mạng xã hội để hỗ trợ nhau học tập trong thời điểm này.

Học trực tuyến cũng là biện pháp mà nhiều trường đang áp dụng: Trường Tiểu học Ban Mai sử dụng hệ thống Vio Edu, THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) khuyến khích giáo viên tương tác, trao đổi bài vở với học sinh qua Skype, một số trường đại học như ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đưa bài giảng lên hệ thống và yêu cầu sinh viên dùng LMS (learning management system) để học, làm bài online.

Qua vài ngày cao điểm của mùa dịch, một số kinh nghiệm được các trường rút ra cho việc triển khai học online như tận dụng những nền tảng hỗ trợ học trực tuyến đang có, lắng nghe và trao đổi kịp thời với học sinh, sinh viên; giữ mối liên kết chặt chẽ với gia đình học sinh… để đơn giản và hiệu quả hóa việc học trực tuyến mùa dịch.

Ngọc Trâm