Từ vụ NSƯT Đức Hải: Giáo viên phát ngôn như thế nào trên Facebook cho đúng?

Phương Thảo Kiều Phương

(Dân trí) - Là một giáo viên, trước hết phải gương mẫu. Mỗi nhà giáo, khi đưa thông tin lên Zalo, Facebook… cần phải mang màu sắc của giáo dục, hướng người đọc đến "chân, thiện, mỹ".

Từ vụ NSƯT Đức Hải: Giáo viên phát ngôn như thế nào trên Facebook cho đúng? - 1

NSƯT Đức Hải, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn bị phản ứng vì nghi vấn phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Hiện vẫn chưa xác minh được Nghệ sĩ ưu tú Đức Hải, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn thực sự có những phát ngôn tục tĩu trên trang cá nhân Facebook hay tài khoản của ông bị hack.

Tuy nhiên, vấn đề này đã đặt ra một câu hỏi: Giáo viên cần phát ngôn như thế nào trên Facebook cho đúng với tư cách của một nhà giáo?

"Dè chừng" khi sử dụng mạng xã hội

Giảng dạy tại một trường THPT ở Nam Định, thầy Phạm Quang Trí chia sẻ: "Tôi thường dùng mạng xã hội như một công cụ để phục vụ mục đích giảng dạy. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh không thể tới trường, tôi đã sử dụng Facebook, Zalo… để tạo nhóm nhằm tương tác, thông tin, hướng dẫn tổ chức dạy học cho phụ huynh, học sinh".

Thường xuyên truy cập Facebook, giáo viên Trần Ngọc Oanh (Hải Phòng) cho rằng, việc sử dụng mạng xã hội đối với giáo viên là điều cần thiết trong bối cảnh thời đại số như hiện nay. Không chỉ sử dụng mạng xã hội để phục vụ công tác dạy học, cô Oanh còn coi đây là phương tiện giúp kết nối, giao lưu bạn bè hay chia sẻ những cảm xúc, năng lượng tích cực.

Khẳng định những lợi ích mà mạng xã hội đem lại, song nhà giáo này phải thừa nhận, đây cũng như "con dao hai lưỡi"; bởi nếu không sử dụng đúng cách, hậu quả gây ra sẽ rất khó lường.

"Với sức lan tỏa mạnh mẽ, mạng xã hội cho phép người dùng dễ dàng chia sẻ, trao đổi thông tin với những người khác trên không gian mạng một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc, nếu xuất hiện những thông tin xấu, chúng cũng sẽ bị lan truyền rất nhanh", cô Oanh phân tích.

Tương tự, cô Hoàng Thị Tình (giáo viên trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Là kênh thu nhận thông tin, tuy nhiên, những tin tức xuất hiện trên mạng xã hội còn thiếu kiểm chứng, dẫn đến những thông tin không chính xác, sai nội dung hoặc những thông tin "đùa", "câu like", "giật tít" khiến người dùng thường xuyên rơi vào cảm giác căng thẳng, lo lắng".

Cô Tình nhấn mạnh, bên cạnh một số lợi ích, thì mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng khiến cô phải "dè chừng" khi sử dụng.

"Một người thầy không tốt sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ"

Trao đổi với Dân Trí, thầy giáo Phạm Quang Trí cho biết, hầu hết các giáo viên trẻ như anh đều sử dụng mạng xã hội để phục vụ việc kết nối cá nhân và hỗ trợ công việc giảng dạy. Tuy nhiên, nhà giáo này cũng chỉ ra một sự thật đáng buồn: "Bên cạnh những giáo viên sử dụng Facebook, Zalo… vào mục đích chính đáng, thì còn đó khi nhiều người, dưới cái mác là người làm giáo dục, đã lợi dụng mạng xã hội như một phương tiện để miệt thị, chửi bới người khác hoặc đưa ra những cái nhìn tiêu cực".

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) cho biết, hiện tượng nhiều giáo viên đăng tải nội dung sai trái hay có những phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội là điều đáng lên án.

"Tôi tin rằng mỗi giáo viên đều là một con người, đều có nhu cầu sử dụng các công cụ mạng xã hội để đăng tải chia sẻ những thông tin cảm xúc, có nhu cầu tìm kiếm sự chú ý hay mong muốn ảnh hưởng đến người khác.

Tuy nhiên, việc một cá nhân lựa chọn để trở thành nhà giáo thì hành vi ứng xử của người đó bắt buộc phải tuân thủ theo những quy chuẩn nghề nghiệp. Và vì nhà giáo là người giáo dục học sinh bằng chính nhân cách của mình nên yêu cầu đối với chuẩn mực hành vi ứng xử càng cao" - PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.

Từ xưa đến nay, thầy cô giáo luôn được xã hội tôn vinh; mọi phát ngôn của thầy cô luôn được xem là chuẩn mực, được phụ huynh và học sinh tin theo. Do đó, việc nhà giáo có những phát ngôn, lời lẽ thô tục trên mạng xã hội sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Với vai trò là một nhà giáo, cô Trần Ngọc Oanh chia sẻ: "Có câu "bác sĩ không tốt có thể gây chết một người", tuy nhiên, một người thầy không tốt có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Ngày nay, khi thầy cô giáo dùng các mạng xã hội thì đối tượng kết bạn nhiều nhất chính là học sinh và phụ huynh. Do đó, khi người thầy đăng tải hay chia sẻ những thông tin sai không đúng, dùng lời lẽ thiếu văn hóa thì đối tượng chịu hậu quả lớn nhất chính là học trò của mình. Các em có thể học theo những điều "không hay". Đồng thời, nhà giáo cũng sẽ gây mất niềm tin ở các bậc phụ huynh".

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực xây cái đẹp để dẹp cái xấu thì những nội dung, phát ngôn lệch chuẩn, thông điệp mang tính kỳ thị thù ghét là những loại "rác mạng" cần phải loại bỏ. Những người đưa lên các thông điệp dạng này sẽ bị xử phạt với các trách nhiệm từ hành chính đến hình sự tùy theo sự việc.

"Đối với người nổi tiếng, hoặc những người làm giáo dục sẽ phải chịu đựng cái nhìn khắt khe hơn của cộng đồng. Đơn giản vì hành động của một cá nhân không chỉ đại diện cho riêng họ mà nó còn có thể đại diện cho một nghề.

Cộng đồng và người học hiện nay cũng sẽ chỉ sử dụng các sản phẩm dựa trên giá trị tích cực và phẩm chất đạo đức. Do đó, nếu bất cứ một giáo viên nào dính bê bối sẽ bị cộng đồng tẩy chay, nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai" - PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Kiểm soát cảm xúc để trở thành người dùng mạng xã hội văn minh

Là một nhà giáo, cô Hoàng Thị Tình cho rằng, bản thân dùng mạng xã hội phải cẩn trọng "gấp 10 lần so với những người khác".

"Tài khoản mạng xã hội, hay nói chung hơn là Facebook, không đơn giản chỉ là cá nhân vì nếu đăng tải ở chế độ công khai, nó sẽ mang tính cộng đồng. Do đó, bản thân người viết, đặc biệt là nhà giáo, khi viết hay chia sẻ công khai những thông tin gì thì phải chịu trách nhiệm trước phát ngôn đó" - cô Tình nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến trên, thầy Phạm Quang Trí khẳng định, là một giáo viên, trước hết phải gương mẫu. Theo nhà giáo này, mỗi nhà giáo, khi đưa thông tin lên Zalo, Facebook… cần phải mang màu sắc của giáo dục, hướng người đọc đến "chân, thiện, mỹ".

Dưới góc độ tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam nhìn nhận, đôi khi, hành vi ứng xử của giáo viên trên mạng xuất phát từ những ấm ức, căng thẳng, bị xử tệ bởi học sinh hay phụ huynh… nhưng họ lại không thể "bùng nổ" trong cuộc sống thực. Vì vậy, nhiều người thầy đã vô ý xả bớt những tức giận lên mạng xã hội - nơi vốn được tin là ít gây hại và có thể "chữa cháy" bằng cách này hay cách khác.

"Để hạn chế vấn đề tiêu cực này, nhà giáo cần trui rèn hơn nữa kỹ năng chuyển hóa và kiểm soát cảm xúc. Hãy bộc lộ những cảm xúc tức giận của mình bằng những hành vi, lời nói tôn trọng, phù hợp trong cuộc sống thực" - PGS.TS Trần Thành Nam nhắn nhủ.