Từ vụ đóng cửa trường ở Kiên Giang: Lộ ra chuyện xây trường trên đất lúa?

(Dân trí) - Không có lí do cấp bách trong việc xây dựng trường tiểu học - THCS thị trấn Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), thế nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành xây dựng trường trên đất lúa. Hơn nữa khi ngôi trường này hoàn thành vào 2013, gần 3 năm sau UBND huyện Vĩnh Thuận mới ra quyết định thành lập trường?

Xây trường từ năm 2011…

Từ phản ánh của người dân về việc đầu tư xây dựng trường tiểu học và THCS Vĩnh Thuận có nhiều khuất tất, PV Dân trí có buổi làm việc với ông Huỳnh Minh Tâm - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận cũng là chủ đầu tư xây dựng công trình này.

Theo ông Tâm, khoảng năm 2011, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang đã vận động được 2 công ty xây dựng, đồng ý hỗ trợ 21 tỷ đồng xây trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận. Trên cơ sở này, Ban thường vụ Huyện ủy Vĩnh Thuận có tờ trình xin ý kiến của Thường trực tỉnh ủy Kiên Giang về việc xin chủ trương xây dựng trường học và kinh phí mua 30.000m2 đất san lấp mặt bằng. Đến 20/1/2011, Tỉnh ủy Kiên Giang giao việc này cho UBND tỉnh Kiên Giang xem xét quyết định, nếu có gì khó khăn báo cáo Thường trực Tỉnh ủy quyết định.

Trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận đã hoàn thành từ năm 2013 sau khi UBND huyện Vĩnh Thuận và UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất việc thành lập và đầu tư trường từ năm 2011
Trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận đã hoàn thành từ năm 2013 sau khi UBND huyện Vĩnh Thuận và UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất việc thành lập và đầu tư trường từ năm 2011

Ngày 4/4/2011, Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận có tờ trình gửi UBND huyện Vĩnh Thuận về việc thành lập trường tiểu học và THCS thị trấn và được UBND huyện, Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang thống nhất thành lập trường tiểu học và THCS thị trấn tại ấp Vĩnh Phước II, thị trấn Vĩnh Thuận. Quy mô đào tạo: cấp tiểu học 15 lớp/450 học sinh, cấp THCS 5 lớp/200 học sinh; mở rộng đến lớp 12.

Ngày 28/4/2011, UBND tỉnh Kiên Giang thống nhất chủ trương cho UBND huyện Vĩnh Thuận thành lập trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận (tờ trình của Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận xin lập trường tiểu học và THCS thị trấn). Nhưng về qui mô đào tạo giao cho UBND huyện xem xét quyết định; vốn đầu tư, UBND tỉnh đồng ý cấp 7,5 tỷ đồng tiền mua đất và san lấp mặt bằng; kinh phí xây trường do nhà tài trợ; phần sân, hệ thống điện, nước, tường rào… UBND tỉnh không bố trí nguồn vốn xây dựng.


Sau 2 năm trường tiểu học - THCS thị trấn Vĩnh Thuận bỏ trống, giữa năm học 2015-2016 Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận chuyển toàn bộ học sinh, giáo viên trường THCS Bình Minh về đây và giải thể trường THCS Bình Minh

Sau 2 năm trường tiểu học - THCS thị trấn Vĩnh Thuận bỏ trống, giữa năm học 2015-2016 Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận chuyển toàn bộ học sinh, giáo viên trường THCS Bình Minh về đây và giải thể trường THCS Bình Minh

Tuy nhiên, sau đó Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang chỉ vận động được 5 tỷ đồng từ ngân hàng Công thương Việt Nam để xây dựng trường. Mặc dù kinh phí xây dựng trường từ 21 tỷ đồng còn 5 tỷ nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành mua đất, san lấp, đầu tư xây dựng 8 phòng học và hoàn thành vào khoảng tháng 8/2013.

Theo ông Tâm, ngôi trường mới này hình thành theo chủ trương sắp xếp lại hệ thống trường lớp trên địa bàn, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; đáp ứng nhu cầu học tập của con em thị trấn Vĩnh Thuận, vùng phụ cận và tạo điều kiện cho xã Bình Minh có cơ sở (tận dụng trường THCS Bình Minh) phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học.

Tuy nhiên, khi trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận hoàn thành, trường bỏ trống 2 năm. Đến giữa năm học 2015-2016, Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận chuyển toàn bộ 192 học sinh, giáo viên, nhân viên trường THCS Bình Minh (xã Bình Minh) về trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận.

Đây cũng là một trong những lí do bà Nguyễn Thị Măng (người hiến hơn 4.000m2 đất xây dựng trường THCS Bình Minh) nhiều lần đóng cửa điểm trường Ngã Sáu (cơ sở của trường THCS Bình Minh trước đây), khiến cả 100 học sinh phải nghỉ học để phản đối việc có nhiều phòng học bỏ trống, gây lãng phí. Ngay sau đó, lãnh đạo huyện và Phòng Giáo dục đến vận động bà Măng mở cổng trường và vận động 2 lớp (lớp 1, 2) từ trường tiểu học Tân Thuận sang học, tuy nhiên hiện nay mỗi lớp chỉ từ 8-12 học sinh/lớp.

…3 năm sau tiếp tục xin lập trường?

Khi trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận hoàn thành và hoạt động gần 3 năm qua, cứ tưởng các thủ tục thành lập trường đã hoàn tất. Tuy nhiên, khi làm việc với Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận, ông Huỳnh Minh Tâm, PV Dân trí bất ngờ khi đơn vị này đang làm sổ đỏ cho trường. Như vậy, toàn bộ công trình (16 phòng học, căn tin, sân nền…) đang tồn tại trên diện tích gần 30.000m2 của ngôi trường này đều được chủ đầu tư xây dựng trên đất lúa?

Nhưng đến nửa năm 2016, các ngành chức năng huyện Vĩnh Thuận tiếp tục có hồ sơ thành lập trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận
Nhưng đến nửa năm 2016, các ngành chức năng huyện Vĩnh Thuận tiếp tục có hồ sơ thành lập trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận

Theo hồ sơ ông Tâm cung cấp cho PV Dân trí về việc đầu tư xây dựng trường, ngày 6/5/2016 UBND thị trấn Vĩnh Thuận gửi tờ trình và đề án thành lập trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận đến UBND huyện Vĩnh Thuận. Ngày 20/5/2016, Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận tiếp tục có tờ trình xin lập trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận đến UBND huyện Vĩnh Thuận. Lí do thành lập trường là phục vụ nhu cầu học tập bậc tiểu học và THCS cho con em nhân dân thị trấn Vĩnh Thuận và vùng phụ cận. Về qui mô đào tạo: 13 lớp/455 học sinh.

Đến 7/6/2016, UBND huyện Vĩnh Thuận có Quyết định số 746 về việc thành lập trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận. Tổng thời gian ngành chức năng huyện Vĩnh Thuận thành lập ngôi trường này là 1 tháng 1 ngày. Nhưng trước đó, các ngành chức năng huyện Vĩnh Thuận và UBND tỉnh Kiên Giang đã thống nhất chủ trương thành lập trường vào 2011 và ngôi trường này đã hoàn thành vào năm 2013. Tại thời điểm này, ông Tâm cho biết không có đề án thành lập trường; không có bảng vẽ qui hoạch mặt bằng tổng thể, đất xây trường vẫn còn đất lúa…

Thêm điều khó hiểu nữa là vào ngày 3/9/2015, UBND huyện Vĩnh Thuận đã có quyết định phê duyệt tổng mặt bằng công trình trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận, tỷ lệ 1/500. Nhưng khi làm việc với PV Dân trí, ông Huỳnh Minh Tâm - Trưởng Phòng giáo dục huyện Vĩnh Thuận cho biết, đơn vị đang làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận?

Trong khi dư luận cho rằng việc đầu tư xây dựng trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận chưa thật sự cần thiết và có nhiều khuất tất thì hiện nay người dân huyện Vĩnh Thuận đang bàn tán về căn nhà to đùng của ông Trưởng Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận Huỳnh Minh Tâm “mọc lên” trước cổng ngôi trường này. Phải chăng đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Nguyễn Hành