Tự tử ở trẻ vị thành niên đang tăng cao

(Dân trí) - Trước sự gia tăng tự tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề này, ngày 25/10, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế lần 5 về Sức khỏe tâm thần trẻ em.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục), trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.

Nạn nhân của điện thoại thông minh và áp lực học tập

Những năm gần đây, việc tự sát của giới trẻ có xu hướng gia tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội và game online nên ít có thời gian dành cho bạn bè, người thân và các mối quan hệ có ý nghĩa.

Thanh thiếu niên ít thời gian ngủ, ít có điều kiện để thực hành các kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc trong đời sống thực.

Do đó, các em không thể huy động các nguồn trợ giúp khi bế tắc. Bên cạnh đó, nhiều em chịu bạo lực, bắt nạt trên mạng hay học các cách tự hại bản thân, tự sát từ các trang web hướng dẫn tự sát.

Tự tử ở trẻ vị thành niên đang tăng cao - 1

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội).

Sự biến đổi về tâm sinh lý giai đoạn vị thành niên cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới giới trẻ. Giai đoạn này, sợi dây ràng buộc với gia đình các em trở nên giãn ra. Nhận thức về các vấn đề xã hội cũng sâu sắc hơn nên trẻ thích tranh cãi, phản kháng người lớn. Khi phát hiện ra những khiếm khuyết của cha mẹ, các em dễ trở nên thất vọng, chán chường.

Sự nhạy cảm quá mức với cái được gọi là “thể diện” cũng khiến các em sẵn sàng hy sinh cuộc sống, không chịu chấp nhận sự chối bỏ và sự chê bai. Chính vì vậy, một học sinh được gắn nhãn “học giỏi”, sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn những học sinh khác khi gặp thất bại học đường.

Những áp lực xã hội, đặc biệt là áp lực học tập cũng thường được đề cập như một nguy cơ dẫn đến tự sát. Có những học sinh sau khi được cứu đã tâm sự rằng, tự tử là con đường cuối cùng để em phản kháng lại những áp lực kỳ vọng của cha mẹ vào thành tích học tập cũng như lịch học chính, học thêm dày đặc mà cha mẹ dành cho em.

Về khía cạnh tâm lý, những học sinh tự sát thường có niềm tin sai lệch, thúc đẩy những hành động tiêu cực. Đối với một số em, thế giới được nhìn nhận hoặc là toàn màu đen, hoặc là toàn mầu hồng.

Sự kiện dù tốt đến mấy nhưng bị các em phát hiện ra dù chỉ một khiếm khuyết, sẽ trở thành sự kiện xấu xa, tồi tệ. Lúc này, niềm tin của các em sụp đổ, hoang mang, không biết nên tin vào gì.

Một số em khác lại có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề, xem một lỗi nhỏ như một tai họa lớn: Chỉ vì bị một điểm 5 môn Toán và cho rằng mình không có khả năng học toán; chỉ vì một câu mắng của bố mẹ mà kết luận rằng bố mẹ chẳng yêu thương gì mình… Tất cả những thời điểm này, đều dễ xảy ra hành vi dại dột.

Tự tử cũng thường xảy ra khi đứa trẻ không tìm được ý nghĩa của cuộc sống, cảm thấy bản thân vô tích sự, vô giá trị. Nhiều em dùng cái chết để chạy trốn hoặc để trừng phạt mình.

Tự tử ở trẻ vị thành niên đang tăng cao - 2

Những áp lực xã hội, đặc biệt là áp lực học tập cũng thường được đề cập như một nguy cơ dẫn đến tự sát. (Ảnh: Minh hoạ). 

Làm thế nào để giảm thiểu tỉ lệ trẻ tự tử?

Mặc dù tỉ lệ trẻ tự tử cao, nguyên nhân đa dạng nhưng vẫn có thể đề phòng nếu theo dõi, quan sát. Tốt nhất, có thể dựa vào trường học với đội công tác gồm các giáo viên, nhà tâm lý phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng.

Đầu tiên, cần khai thác tiền sử tâm lý và rối loạn tâm thần của các em. Nhà tâm lý trường học cần giúp các em hiểu rõ những khó khăn và chấp nhận các biện pháp điều trị, tạo ra một môi trường an toàn.

Giúp các em giảm nỗi đau buồn về tâm lý bằng cách thay đổi môi trường stress, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân trong gia đình và bạn học.

Giúp các em hiểu rằng, mỗi người có thể có một nỗi buồn chính đáng, mọi người xung quanh cũng có những nỗi buồn riêng nhưng đều có cách cách giải quyết.

Hội thảo “Hiểu biết về sức khỏe và tâm thần ở trường học và cộng đồng” sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng tổn thương sức khỏe tâm thần, thực trạng nhận thức của cộng đồng về các rối loạn tâm thần trong đó có trầm cảm và tự sát. Từ đó, có thể đưa ra các chương trình nâng cao hiểu biết về các rối loạn tâm thần có thể áp dụng cho Việt Nam”.

PGS. TS Trần Thành Nam

Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội).

Với những trẻ đã từng có ý định tự sát, nhà tâm lý phối hợp với gia đình theo dõi và đánh giá được khả năng tái phát. Các số liệu cho thấy tỉ lệ tái phát tự tử thường khá cao, từ 30% đến 50% trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng sau lần tự sát đầu tiên không thành công.

Ngoài ra, cần có các chương trình nâng cao kiến thức cho học sinh ứng phó với suy nghĩ tự tử. Khi có suy nghĩ tự tử, học sinh cần có kỹ năng chia sẻ và ứng phó.

Đứng trước một ý nghĩ hay một mưu toan tự tử của trẻ, chúng ta không thể coi thường mà ngược lại phải cho thiếu niên biết, mình rất quan tâm đến vấn đề này, và sẵn sàng để giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, tin tưởng hơn nữa vào cuộc sống.

PGS. TS Trần Thành Nam

Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội)