Tự hào, ước mong và trăn trở của nhà giáo trường nghề tiêu biểu

Lệ Thu

(Dân trí) - Các nhà giáo giáo dục tiêu biểu đạt giải và thành tích xuất sắc tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 bày tỏ mong muốn, trăn trở của mình với công tác giáo dục nghề nghiệp.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Dân trí lắng nghe chia sẻ, tâm tư của một số nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu.

Nữ giảng viên xinh đẹp Nguyễn Thu Trang (sinh năm 1991) đang giảng dạy môn Truyền hình tại Trường Cao đẳng Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ: "Thời gian qua, em thấy các cơ quan ban ngành đã rất quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp cũng như là đến bản thân chúng em, những nhà giáo dạy nghề. Hội thi này chính là một trong những dịp cho thấy sự quan tâm đó. Chúng em rất vinh dự khi được tham dự hội thi.

Thời gian tới em rất mong có thêm những cơ hội cống hiến như thế này để có thêm nhiều cơ hội thể hiện, trau dồi. Ngoài ra, mong rằng sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa để bọn em có thể gia tăng, nâng cao khả năng làm nghề và đào tạo của mình; từ đó truyền đạt cho các em HSSV tốt hơn.

Nếu có được những hoạt động đi ra nước ngoài chẳng hạn và những hoạt động mang tầm quốc tế lớn hơn nữa thì bọn em cũng rất sẵn sàng tham gia những hoạt động như vậy. Em chuyên về truyền hình. Khi dạy về truyền hình thì các thiết bị truyền hình rất quan trọng trong công tác dạy nghề. Nếu như không có những cái đó thì các bạn sinh viên cũng không có gì thực hành cả không có kinh nghiệm thực tế.

Hiện trường em cũng đã được quan tâm đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, sự thay đổi của các thiết bị công nghệ rất nhanh, mình thường xuyên phải cập nhật, trong khi điều kiện kinh tế không phải lúc nào cũng đáp ứng được. Rất mong bọn em sẽ được quan tâm để tiếp tục đầu tư hàng năm, cập nhật công nghệ mới đưa vào trong truyền hình và đưa vào cho sinh viên thực hành".

Tự hào, ước mong và  trăn trở của nhà giáo trường nghề tiêu biểu  - 1
Cô Nguyễn Thu Trang.

Trong khi đó, cô giáo Phạm Thị Thu Hương (sinh năm 1973) đến từ Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Chế biến Lâm sản (tỉnh Hà Nam) bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành, lãnh đạo quan tâm đến đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp hơn nữa và có nhiều đổi mới trong phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy.

Về tâm tư cá nhân, chị chia sẻ bản thân chị làm nghề đã được gần 30 năm. Nghề của chị là nghề kỹ thuật điêu khắc gỗ. Với thời đại bây giờ thì nó không được "hot" như ngày xưa nữa. Bây giờ, bọn chị đã phối kết hợp công nghệ 4.0 và thủ công để phát triển nghề nghiệp, chứ nếu chỉ làm thủ công như xưa thì chắc chắn không hoàn thành được nhiệm vụ được giao.

"Bọn chị làm nghề thế này, vài năm nữa mắt sẽ rất kém và rất khó nhìn", chị Hương nói.

Ở tuổi 48 chị trăn trở, nếu qua tuổi 55 sẽ làm nghề rất khó: "Bây giờ mắt cũng đã kém rồi. Ngành của bọn chị là ngành đặc thù cho nên mong muốn được về hưu trong độ tuổi như cũ, vì bây giờ nghề truyền thống của bọn chị là giáo viên cũng già hết rồi, gần như phải đeo kính hết rồi. Nếu như chị phải gần 60 tuổi mới về hưu thì chắc chắn với tình hình "mắt mũi" thế này khó làm tốt được công việc".

Tự hào, ước mong và  trăn trở của nhà giáo trường nghề tiêu biểu  - 2
Cô Phạm Thị Thu Hương.

Cô Chử Thanh Tâm, giáo viên Trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đang dạy nghề nông nghiệp cho bà con nông dân ở tỉnh nhà.

Tự hào, ước mong và  trăn trở của nhà giáo trường nghề tiêu biểu  - 3
Cô Chử Thanh Tâm.

Dịp 20/11 đến, chị càng thêm tự hào về nghề giáo và công việc mình đang theo đuổi. "Mình mong muốn trước tiên góp công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Vì tỉnh của mình là một tỉnh miền núi, mình rất mong có thể mang đến những kiến thức thiết thực cho bà con để từ đó bà con có thể thoát khỏi cuộc sống khó khăn, vất vả hiện tại có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mình cũng mong muốn, có thể trang bị thêm nhiều thiết bị về nghề để có thể giới thiệu đến cho bà con để bà con biết thêm các công nghệ tiên tiến áp dụng vào nghề nghiệp của mình. Bản thân mình tự thấy cũng phải cố gắng hơn rất nhiều nữa, trong công tác đào tạo nghề để hoàn thiện hơn và đóng góp thêm vào sự nghiệp giáo dục nghề", nữ giáo viên Chử Thanh Tâm tâm sự.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Minh Tú, hiện là giảng viên Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) có niềm trăn trở, mong ước làm sao cho giáo viên, học sinh ra trường có được việc làm.

Tự hào, ước mong và  trăn trở của nhà giáo trường nghề tiêu biểu  - 4
Thầy Nguyễn Minh Tú.

"Mình muốn truyền thụ nghề nghiệp của mình làm sao để học sinh tiếp thu được hết. Ra trường học sinh có những trải nghiệm nghề nghiệp và sớm tìm được việc làm tốt.

Trong giảng dạy, mình nghĩ nhiều cơ sở giáo dục có khó khăn phổ biến là trang thiết bị cho học sinh chưa được đầy đủ lắm để học sinh có thể tiếp cận công nghệ mới nhất, mong thực trạng này sẽ được quan tâm cải thiện sớm để giáo viên có thể truyền thụ kiến thức, kỹ năng nghề trọn vẹn đến các học trò thân yêu", thầy Tú chia sẻ.