Tự chủ đại học: Những con số biết nói

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Năm học 2019-2020, giáo dục đại học Việt Nam  đã có sự chuyển mình trong nỗ lực vươn cao với tinh thần tự chủ và trách nhiệm xã hội với nhiều con số ấn tượng.

Bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu

Hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam hiện có 240 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 31 trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) và 2 trường trung cấp sư phạm.

Thời gian qua, mô hình quản trị đại học đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH trong mọi hoạt động.

Khởi đầu từ việc Chính phủ trao quyền tự chủ cao cho hai ĐH Quốc gia, từ năm 2014, 23 cơ sở GDĐH bắt đầu tiến hành thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ.

Đến nay, hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam.

Đến nay, 172 cơ sở GDĐH đã thành lập Hội đồng trường. Nhiều cơ sở GDĐH đã chủ động dừng đào tạo, tuyển sinh các ngành nghề không còn phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, thị trường và người học. Đồng thời mở thêm nhiều ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; chủ động hơn trong nghiên cứu và phối hợp doanh nghiệp để triển khai các đề tài, nhiệm vụ khoa học.

Số lượng bằng sáng chế, đề tài các cấp từ các cơ sở đào tạo GDĐH đã tăng đáng kể so với thời điểm trước khi tự chủ; số lượng các công trình, bài viết được công bố cũng tăng lên.

Nếu như năm 2015, số lượng các công trình công bố quốc trên hệ thống SCOPUS/ISI chỉ có 4.159 bài báo khoa học thì đến năm 2019, tổng số công bố trên các hệ thống này đạt 12.307 bài.

Đáng chú ý, năm 2020, lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới.

Năm học 2019-2020, việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hơn nữa quyền tự chủ cho các trường trong đào tạo, nhân sự và tài chính...

Trong tự chủ đại học, đổi mới quản trị, kiểm định là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, lành mạnh hóa hệ thống GDĐH. Ý thức điều này, nhiều trường ĐH đã nỗ lực nâng cao năng lực quản trị, chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu về kiểm định trong và đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GDĐT ban hành.

Tự chủ đại học: Những con số biết nói - 1

Trên 160 cơ sở giáo dục đại học được kiểm định

Tính đến hết tháng 5/2020, gần 160 cơ sở GDĐH Việt Nam và 295 chương trình đào tạo (CTĐT) đã được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định uy tín trong nước, khu vực và quốc tế.

Tự chủ luôn phải đi liền với trách nhiệm pháp lý. Bộ GDĐT cho biết đã và sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các điều kiện đảm bảo chất lượng GDĐH; xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo vi phạm.

Trong nỗ lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, năm học qua, Bộ GDĐT đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách, giải pháp, trong đó có những chính sách và giải pháp mang tính đột phá, có tác động lớn và tính lan tỏa cao.

Trong đó, xây dựng các trường đại học xuất sắc, các chương trình tiên tiến đạt trình độ quốc tế, thực hiện các đề án đào tạo nhân lực tại nước ngoài; thực hiện tự chủ đại học để phát huy nội lực của toàn hệ thống; các giải pháp triển khai Khung trình độ quốc gia, phát triển chương trình đào tạo đại học theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Những chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy quá trình tự chủ đại học và chủ động nâng cao chất lượng của GDĐH hơn nữa.

Liên tiếp lọt vào bảng xếp hạng uy tín thế giới

Không chỉ kiểm định trong và đánh giá ngoài theo các bộ tiêu chuẩn, các cơ sở GDĐH Việt Nam đã không ngừng vươn cao khi liên tiếp tham gia các Bảng xếp hạng uy tín của thế giới, đạt những vị thế đáng tự hào.

Tháng 6/2019, trong hội thảo chuyên đề tại Việt Nam, ông Justin Tay, Giám đốc khu vực và Tổng Giám đốc châu Á của Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education - THE) dự đoán trong một vài năm tới, các đại học của Việt Nam sẽ có mặt trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới của THE.

Thực tế năm vừa qua, không chỉ trong bảng xếp hạng của THE, cơ sở GDĐH Việt Nam đã liên tiếp lọt vào các bảng xếp hạng đại học uy tín hàng đầu thế giới.

Lần đầu tiên có 4 cơ sở GDĐH từng lọt vào tốp 1.000 đại học tốt nhất thế giới là: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Tự chủ đại học: Những con số biết nói - 2

Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào bảng xếp hạng xuất sắc của thế giới

Năm 2020, hai ĐH Quốc gia lọt tốp 101-150 Bảng xếp hạng thế giới các trường đại học trẻ tuổi (thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới của Tổ chức xếp hạng đại học QS (Quacquarelli Symonds, Anh).

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng lần đầu tiên và là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong tốp 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong “độ tuổi vàng”.

Theo bảng xếp hạng Webometrics (phiên bản lần thứ nhất năm 2020) của Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (CSIC - Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) công bố tháng 01/2020, Việt Nam có 172 cơ sở GDĐH Việt Nam (tăng 38 cơ sở so với năm 2019).

Trước đó, năm 2019, 7 cơ sở GDĐH có mặt trong bảng xếp hạng 505 Đại học tốt nhất châu Á (QS Asia 2019) do QS công bố, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội (124), ĐH Quốc gia TP HCM (144), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (261-270), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (291-300), Trường ĐH Cần Thơ (351-400), ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng (451-500). So với năm 2018, ĐH Quốc gia Hà Nội tăng 15 bậc, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vươn lên 30 bậc.

Mới đây, ngày 28/10, 3 cơ sở GDĐH lọt tốp 1000 trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới theo ngành, nhóm ngành đào tạo thuộc 11 lĩnh vực năm 2021 (THE WUR by Subject): ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo công bố của THE, ĐH Quốc gia Hà Nội đứng đầu Việt Nam trong 3 lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học máy tính và Khoa học vật lý. Riêng Khoa học máy tính có thứ hạng số 1 Việt Nam (nhóm 501-600 thế giới) ngay lần đầu tiên được THE đánh giá.

Trước đó, trong xếp hạng các đại học năm 2020 của Tổ chức xếp hạng đại học thế giới theo thành tựu học thuật, Việt Nam có 11 nhóm ngành thuộc tốp 1.000 thế giới; nhiều ngành/nhóm ngành lọt vào tốp 500 thế giới. Đứng vị trí cao nhất của các trường đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng này là ngành Kỹ thuật xây dựng, thứ 373 thế giới.