Góp ý về đổi mới thi tốt nghiệp THPT:

“Tự chọn”: Tạo điều kiện cho học sinh quay lưng lại với môn xã hội

(Dân trí) - Áp dụng việc tự chọn này đồng nghĩa với việc bỏ thi các môn xã hội, đa số học sinh mừng vì được bỏ đi các môn “nặng nợ” không thích, tạo điều kiện cho học sinh quay lưng lại với các môn xã hội.

Đó là ý kiến góp ý của Thạc sĩ Vũ Quốc Lịch, giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amterdam.

Đề án cải đổi mới thi tốt nghiệp THPT số môn thi được giảm. Cụ thể, trước đây 6 môn thi trong đó có 3 môn bắt buộc và 3 môn được công bố vào cuối tháng 3 thì nay chỉ còn 4 môn. Trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn,  2 môn còn lại do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Thạc sĩ Vũ Quốc Lịch cho biết: “Sự thay đổi này đương nhiên sẽ giảm áp lực đối với kì thi tốt nghiệp THPH không chỉ đối với học sinh mà đối với cả giáo viên và nhận được sự đồng thuận lớn từ dư luận xã hội. Tuy nhiên,  nhiều giáo viên lại băn khoăn về 2 môn “tự chọn”, bởi nếu thực hiện thì chắc đến hơn 90% thí sinh sẽ chọn lý, hóa, hoặc sinh là môn thi của mình để thuận lợi cho việc ôn tập kì thi vào đại học sau đó. Việc cho học sinh được “tự chọn” thoạt nghe có vẻ hay, và chắc chắn cũng nhận được sự đồng thuận của đa số học sinh và phụ huynh, song suy xét kĩ thì liệu đây có phải là giải pháp tốt vì thực tế ở trường phổ thông hiện tượng học tủ, học lệch đã diễn ra từ lâu”.
 
Giảm bớt môn thi tốt nghiệp, thí sinh mừng, nhà giáo lo
Giảm bớt môn thi tốt nghiệp, thí sinh mừng, nhà giáo lo.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về mặt hạn chế của việc cho học sinh chọn môn thi?

Trong năm học, học sinh thường chỉ chú tâm đến các môn tự nhiên, ít chú trọng đến các môn xã hội. Khi các môn thi tốt nghiệp được công bố, học sinh sẽ lơi là các môn không thi ngay, thậm chí là chẳng học gì. Thi cử hóa ra lại là động lực cho học sinh học tập.

Áp dụng việc tự chọn này đồng nghĩa với việc bỏ thi các môn xã hội, đa số học sinh mừng vì được bỏ đi các môn “nặng nợ” không thích; giáo viên xã hội tuy có buồn song cũng mừng vì không thi nữa thì cũng khỏi phải chịu búa rìu dư luận kiểu như “dạy dỗ thế nào mà học sinh chẳng nhớ một sự kiện lịch sử gì cả”, nhưng xin lưu ý rằng việc tạo điều kiện cho học sinh quay lưng lại với các môn xã hội thì các vấn đề về lịch sử dân tộc, truyền thống chống giặc ngoại xâm, giữ nước và dựng nước của cha ông sẽ khó “thấm” được vào các thế hệ học sinh.

Chúng ta chưa thực hiện lớp học phân ban nên việc áp dụng tự chọn còn gây khó khăn cho cả việc dạy và quản lý học sinh. Một lớp học mà em thì đăng kí thi môn này, em đăng kí môn kia, khi lên lớp học sinh đã bị phân tâm rồi còn người dạy thì phải tổ chức dạy ra sao cho phù hợp với đối tượng, với mục tiêu (học cho qua môn hay học để thi) của học trò.

Và việc tự chọn có lẽ cũng gây khó khăn cho cả khâu tổ chức thi và chấm thi bởi mỗi thí sinh chỉ thi 4 môn nhưng số môn thi trong kì thi tốt nghiệp khi đó sẽ là 7 môn, nếu môn ngoại ngữ được thi khuyến khích thì lên tới 8 môn thi.

Là giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm, ông có giải pháp nào cho việc đổi mới thi này?  

Nếu thực hiện thi 4 môn thì theo chúng tôi ngoài 2 môn Toán và Văn thì 2 môn còn lại Bộ nên giữ vai trò quyết định và thời gian công bố cũng nên như mọi năm, tức là khoảng sau ngày 26/3. Như trước đây thí sinh phải thi 6 môn, và chỉ có 3 môn được xác định trước, khi Bộ công bố thì học sinh mới biết 3 môn còn lại.

Nay chỉ còn phải thi 4 môn và các em chỉ còn phải đợi công bố của Bộ để biết 2 môn còn lại thôi, như thế là giảm áp lực cho học sinh rồi.

Không hợp lý quy định miễn thi tốt nghiệp 20%

Theo dự kiến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ngoài diện học sinh được miễn thi theo quy chế thi hiện hành, Bộ còn dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt với tỷ lệ miễn thi chung tối đa là 20%; trong các năm sau, có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ này? Ông nghĩ sao về việc điều chỉnh này?

Đây là một điểm mới có tác dụng động viên, khuyến khích. Nhưng dư luận lại băn khoăn, không phải là tỉ lệ % học sinh được miễn thi là bao nhiêu mà là tiêu chí để xác định học sinh được miễn thi là thế nào.

Điều kiện dạy học và chất lượng dạy học ở các trường, các địa phương rất khác nhau nên việc cào bằng tỉ lệ miễn thi 20% cho các nơi là không hợp lí. Việc miễn thi dựa kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT cũng chưa hẳn đã khách quan. Chưa nói đến sự tác động xấu của thị trường, mà về tình cảm nếu một giáo viên trong trường có con, cháu muốn được miễn thi có thể nhờ đồng nghiệp “nương nhẹ” nâng đỡ trong đánh giá và chắc chắn sẽ có hồ sơ kết quả tốt.

Thực tế ngay ở các trường THCS có tiếng là tốt ở các thành phố, khi xét tuyển học sinh vào lớp 6 rất nhiều học sinh có học bạ rất đẹp, giỏi mĩ mãn nhưng thực tế khi vào học mới lộ rõ khả năng thật sự của mình. Và để sắp lớp bao giờ các trường THCS cũng phải tổ chức kiểm tra khảo sát lại chứ không thể căn cứ vào hồ sơ được.

Do đó Bộ cần đưa ra tiêu chí để xét miễn thi rõ ràng, ví dụ như học sinh đã dự thi văn hóa, văn nghệ, thể thao và đạt giải cấp tỉnh trở lên, các học sinh có thành tích đặc biệtnhận được giấy khen, bằng khen của tỉnh đoàn, thành đoàn, Sở GD& ĐT… Đề ra tiêu chí rõ ràng sẽ tránh được các tiêu cực và góp phần qua trọng để tạo kết quả minh bạch, khách quan, công bằng của kì thi và xét tốt nghiệp THPT.

Trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Góp ý đổi mới thi