Quảng Ngãi:

“Trường điểm” vẫn phải học nhờ địa điểm

(Dân trí) - Đến dịp tuyển sinh, nhiều phụ huynh ở thành phố Quảng Ngãi tìm mọi cách đưa con vào học 2 trường điểm là Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm và Trường Mầm non 2/9. Tuy vậy, hiện nay 2 trường này đang chịu cảnh mượn địa điểm học nhờ ở nơi khác.

Trường điểm chưa đạt chuẩn 

Bắt đầu từ năm học 2013-2014, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm di chuyển sang địa điểm mới tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng cũ (114 Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi), với tổng diện tích gần 12.000m2. Khi tiếp nhận, nhiều dãy nhà tại đây bị xuống cấp trầm trọng, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến tính mạng học sinh (HS).

“Trường điểm” vẫn phải học nhờ địa điểm
Phía sau như đống đổ nát, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm xây tường rào tránh để học sinh bước vào khu vực nguy hiểm.
 
“Trường điểm” vẫn phải học nhờ địa điểm
Cơ sở 2 chỉ có phòng học, không có nhà để xe và sân chơi cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm.

Thầy Võ Văn Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm cho biết: “Khi tiếp nhận địa điểm mới, một số dãy phòng học bị đổ vỡ, rất nguy hiểm khi để HS hoạt động nơi đây. Qua kiểm tra, chúng tôi buộc rào lại phần nguy hiểm đê chờ kinh phí xây dựng mới, còn lại chỉ vận dụng được 7 phòng học”.

Với 7 phòng học này, vận dụng và cân đối thời gian, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm chỉ đảm bảo dạy học cho khối lớp 1 (8 lớp) và 2 lớp khối lớp 2, tương đương 540 HS. Trong khi năm học 2013-2014, nhà trường có 1.870 HS với 40 lớp. Để đáp ứng dạy học đảm bảo, UBND TP.Quảng Ngãi bố trí thêm cơ sở 2 cho nhà trường tại khoa Kinh tế Trường ĐH Phạm Văn Đồng. Gọi là cơ sở 2 nhưng ở đây được sắp xếp cho 1.330 HS theo học.

Một điều lạ là Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm được xếp trong nhóm “trường điểm” cấp tiểu học, đồng thời vinh dự đón nhận danh hiệu Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2004-2005 nhưng ngôi trường này chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Nhắc đến đây, thầy Võ Văn Mạnh lý giải: “Chuẩn làm sao được đây, khi ngôi trường luôn trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Cụ thể, trước năm 2008, nhiều phòng học xuống cấp trầm trọng vì quá tuổi, đến năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt chủ trương xây dựng trường mới tại địa điểm lúc bây giờ. Từ đó đến năm 2013, Trường ĐH Phạm Văn Đồng (cũ) mới bàn giao mặt bằng. Đến khi bàn giao mới đây, tỉnh lại không bố trí vốn xây dựng nên khó xây dựng cơ sở vật chất để đạt chuẩn. Về chất lượng giáo dục, đào tạo thì chúng tôi rất tự tin, nếu chỉ dựa điều này thì cũng chưa đủ tiêu chí đạt chuẩn quốc gia”.

“Trường điểm” vẫn phải học nhờ địa điểm
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm tập đội trống ngay sát mặt đường giao thông, đây là nơi duy nhất tránh gây ồn ào đến học sinh ngồi trong lớp.

Vừa dạy học tá túc cơ sở 2, vừa chưa đạt chuẩn và vừa chưa có vốn đầu tư, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm đang đối mặt với muôn vàn khó khăn hiện tại. Với diện tích hạn chế trong năm học 2013-2014, nhà trường không có sân tập thể thục, buộc giảm giờ sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động đội - nhạc thiếu nơi luyện tập và chất lượng chuyên môn bị ảnh hưởng. “Nhiều cái khó như vậy, nhà sợ không giữ vững là ngôi trường tiên phong của địa phương, nguy cơ “thụt lùi” có thể xảy ra”, hiệu trưởng Võ Văn Mạnh bày tỏ nỗi lòng.

Trường điểm phải học nhờ 3 nơi

Cũng mang tiếng là “trường điểm”, Trường Mầm non 2/9 (P.Trần Phú, TP.Quảng Ngãi) phải mượn 3 điểm Nhà sinh hoạt văn hóa (cơ sở 2) và 1 điểm ở Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh (cơ sở 3) để dạy học cho trẻ em mầm non.

“Trường điểm” vẫn phải học nhờ địa điểm
Phòng học ẩm thấp, nền nhà chỉ tráng lớp xi măng, tường bị hoen úa và không đảm bảo vệ sinh tại điểm lẻ Trường Mầm non 2-9.
 
Điểm lẻ học tại điểm sinh hoạt tổ 12 dưới mái nhà lụp xụp của Trường Mầm non 2-9.
Điểm lẻ học tại điểm sinh hoạt tổ 12 dưới mái nhà lụp xụp của Trường Mầm non 2-9.

Khi PV Dân trí đặt câu hỏi vì sao nhà trường không có đủ phòng học lại nhận nhiều học sinh, rồi phải học nhờ nơi khác như vậy, bà Đặng Thị Ngọc Lý - Hiệu trường Trường Mầm non 2/9 lý giải: “Sự vụ bắt đầu từ tháng 6/2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chuyển đổi các trường bán công sang công lập, do đó xác nhập 2 trường Mẫu giáo năng khiếu bán công (thuộc Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh) và trường Mẫu giáo bán công phường Trần Phú vào Trường Mầm non 2/9, với tổng số là 670 cháu”.

Khi xác nhập, địa phương bố trí xây dựng trường ở địa điểm mới (trước là Trường THCS Trần Phú, tại số 332 Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi). Cho đến nay, địa điểm mới còn vướn tranh chấp đất đai với Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi nên hàng trăm trẻ em đành đi học nhờ ở các điểm sinh hoạt cộng đồng.

Theo báo cáo của Trường Mầm non 2/9, năm học 2013-2014, nhà trường có 662 cháu thuộc 18 lớp (35 cháu/lớp), trong đó cơ sở 1 (điểm trường chính) có 400 cháu, cơ sở 3 (học nhờ ở Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh) có 170 cháu (5 lớp), còn lại học ở cơ sở 2 chia thành 3 địa điểm (tại tổ 8, 10 và 12 thuộc P.Trần Phú). Như vậy, hiện nay Trường Mầm non 2/9 có 5 vị trí dạy học nằm nhiều nơi.

Tại điểm lẻ thuộc cở sở 2 (thuộc tổ 10), 35 trẻ em phải học trong căn phòng ẩm thấp, thiếu ánh sáng, thiếu cơ sở vật chất vui chơi trầm trọng so với danh tiếng “trường điểm”. Cô giáo Bùi Thị Thu Uyên chia sẻ: “Nơi đây thiếu đủ thứ như ánh sáng, đồ dùng học tập, khu vui chơi và mất an toàn vệ sinh. Thỉnh thoảng mỗi buổi tối, điểm trường này trở thành buổi sinh hoạt văn hóa hoặc tổ chức tiệc của khu dân cư. Buổi sáng đến lớp, 2 cô nuôi trẻ phải dọn dẹp rác rơi khắp nơi, lau chùi sạch sẽ, bố trí lại bàn ghế, trang trí phòng học để đón cháu đến lớp. Nói chung, cảnh tá túc như thế này thật khó để nuôi dạy trẻ tốt và những hiểm nguy đằng sau đó không hề nhỏ”.

Qua khảo sát của PV Dân trí, các điểm lẻ dạy học trong nhà sinh hoạt văn hóa đều xuống cấp trầm trọng, diện tích nhỏ hẹp (chưa đầy 100m2) thuộc thiết kế nhà văn hóa cũ, nền lớp học tráng bằng lớp xi măng mỏng, phần mái lớp học lợp bằng ngói đã quá cũ và có thể đổ sập bất kể lúc nào, đặc biệt là mùa mưa bão sắp đến.

Nỗi khổ của Trường Mầm non 2/9 vẫn chưa dừng ở đó, mỗi ngày, nhà trường thuê riêng 3 lao động vận chuyển thức ăn, đồ uống bằng xe máy đến 4 điểm lẻ. Chi phí thuê mỗi lao động 600.000 đồng/tháng (kể cả tiền xăng xe). “Năm nay, 3 người vận chuyển đồ ăn đòi tăng lương trên 1 triệu đồng, với mức này thì nhà trường không có kinh phí thuê người. Đối với việc vận chuyển đồ ăn dưới nắng và mưa, khả năng bị ảnh hưởng làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm là điều khó tránh khỏi. Nếu như thế này mãi, cô và trò đành sống chung với lũ vậy”, bà Đặng Thị Ngọc Lý chia sẻ.

Trước tình trạng của 2 trường điểm trên, ông Nguyễn Tiến Dũng - phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi bày tỏ quan điểm: “Vấn đề của Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm là ghi vốn đầu tư xây dựng trường mới, còn Trường Mầm non 2/9 thì cần giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất đai. Chỉ cần giải quyết 2 nút thắt này, UBND TP Quảng Ngãi nhanh chóng tiến hành xây dựng trường lớp, sớm đưa các cháu vào nơi học tập tốt hơn. Hiện nay, chúng tôi cũng đang “chờ” phản hồi của tỉnh thôi”. 

Hồng Long

Dòng sự kiện: Năm học mới 2013 - 2014