Trường ĐH Sư phạm TPHCM kiến nghị mở trường phổ thông liên cấp

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trường ĐH Sư phạm TPHCM kiến nghị mở trường phổ thông liên cấp, trường mầm non thực hành sư phạm.

Thông tin trên được trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ với đoàn làm việc của Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu, làm việc với nhà trường trong sáng 26/4.

Tại buổi làm việc, trường ĐH Sư phạm TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện để mở rộng cơ sở theo định hướng chiến lược phát triển của trường, nhất là phát triển giáo dục phổ thông (Trường Thực hành sư phạm và Trường phổ thông liên cấp, Trường Mầm non thực hành sư phạm) và phát triển công tác đào tạo và bồi dưỡng nói chung. 

Trường ĐH Sư phạm TPHCM kiến nghị mở trường phổ thông liên cấp - 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm việc tại Trường ĐH Văn Lang (Ảnh: NM).

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM bày tỏ, nhiều năm qua, trường thực hành luôn nằm nhóm 5 của các trường ở TPHCM có chất lượng tuyển sinh đầu vào và chất lượng dạy học, đáp ứng thực nghiệm, đổi mới và đáp ứng chỗ học cho nhu cầu của địa phương. 

Thời gian tới, đổi mới trường trung học thực hành là nhiệm vụ trọng tâm của trường. Trường muốn phát triển mô hình trường tiên tiến chất lượng cao theo quy định của TPHCM và vẫn đảm bảo đầy đủ vai trò của trường thực hành.

Bên cạnh phổ thông, trường còn có khoa giáo dục mầm non, tiểu học. Ở tất cả các bậc học, trường mong muốn đều có cơ sở thực hành, là nơi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và để học sinh được thụ  hưởng những sản phẩm đầu ra của trường. 

Tuy nhiên, để làm được những điều này, đại diện nhà trường cho biết họ cần giải quyết các vấn đề về quỹ đất, đầu tư nguồn lực, trang thiết bị...

Ngoài ra, trường ĐH Sư phạm TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện cho trường cùng với các trường Sư phạm cả nước thực hiện Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RQTEP) để đảm bảo lộ trình phát triển trường, duy trì và tiếp tục phát huy các kết quả đạt được của dự án để đảm bảo các trường đại học thuộc nhóm đã tham gia dự án này trở thành các trường ĐH sư phạm trọng điểm quốc gia vững vàng và phát triển ở mức cao hơn.

Về vấn đề mở rộng trường phổ thông trong trường đại học, ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Bộ GD-ĐT, lưu ý theo quy định hiện nay chỉ có các trường sư phạm mới  được mở các trường thực hành. Khi mở, phải hoạt động theo cơ chế tự chủ nên trường cần tính toán kỹ nguồn lực, điều kiện tại địa phương cũng như nguồn lực giáo viên để có kế hoạch phù hợp.

Trước đó, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trường ĐH Văn Lang cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi một số ngành đặc thù, trong đó có ngành thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp bằng kiến trúc (20 sinh viên/giảng viên).

Trường mong muốn được thí điểm điều chỉnh tỷ lệ sinh viên/giảng viên cho một số ngành học mà nhu cầu xã hội đang rất cao, tương đương 1,2 đến 1,5 lần.

Trường cũng kiến nghị Nhà nước có các chính sách hỗ trợ cho các ĐH tư thục tiếp cận đất đai, nguồn vốn phát triển (như ODA), các gói tín dụng ưu đãi, cũng như chính sách thuế doanh nghiệp thấp hơn.

Trường ĐH Văn Lang kiến nghị Bộ GD-ĐT ủng hộ việc chuyển đổi và thành lập Đại học AIT Việt Nam. Đây là trường ĐH quốc tế trên cơ sở hợp tác giữa Văn Lang với Viện Công nghệ Châu Á.