Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM thành lập nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên

(Dân trí) - Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM vừa ra mắt nhóm nghiên cứu mạnh và triển khai chương trình hoạt động của nhóm. Đây là một tín hiệu tốt nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

Trong tháng 1/2020, hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đã có quyết định thành lập nhóm nghiên cứu mạnh gồm 7 thành viên, trong đó 4 thành viên là người của trường bao gồm PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Trưởng nhóm); PGS.TS Nguyễn Xuân Phương (Phó trưởng nhóm); TS. Phạm Văn Việt; TS. Đỗ Hùng Chiến và 3 thành viên khác ngoài trường đặc biệt là PGS.TS Meisam Tabatabaei Pozveh đến từ ĐH Teknologi MARA (Malaysia).

Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM thành lập nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên - 1

PGS.TS Đồng Văn Hướng (áo xanh giữa), Phó HT phụ trách nhà trường trong buổi lễ ra mắt và công bố quyết định thành lập nhóm NC mạnh của trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM

Tại buổi ra mắt, nhóm nghiên cứu mạnh đã đề xuất một số vấn đề cần tập trung nghiên cứu trong thời gian sắp tới như: Nghiên cứu phát triển công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải; Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trong giao thông đồng thời phát động phong trào nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên trong toàn trường.

Mục tiêu cốt lõi của trường khi thành lập nhóm nghiên cứu mạnh là để tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học công nghệ (KHCN) ứng dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải, giảm thiểu ô nhiễm trong giao thông vận tải, nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và các tổ chức. Bên cạnh đó, nhóm cũng có trách nhiệm định hướng nghiên cứu và giúp đỡ các nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên tổ chức công tác nghiên cứu một cách hiệu quả về các vấn đề khoa học mang tính thực tiễn.

Việc triển khai xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ giúp hình thành nên những tập thể khoa học mạnh, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu lớn, mang tính dài hạn. Điều này không chỉ giúp nâng cao số lượng các công trình công bố quốc tế, giải pháp hữu ích, mà còn tăng cường khả năng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đào tạo sau đại học và xếp hạng đại học theo các tiêu chuẩn quốc tế của nhà trường.

Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM thành lập nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên - 2

Nhóm NC mạnh đề xuất các nội dung thực hiện với lãnh đạo nhà trường

Chia sẻ về những định hướng phát triển KHCN của trường trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Xuân Phương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước các vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt là ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn... mà Việt Nam đang đối mặt, được sự quan tâm và khuyến khích của Bộ Giao thông Vận tải vào mục tiêu phát triển lĩnh vực KHCN, chúng tôi quyết tâm đóng góp những nghiên cứu của mình, chung tay với cộng đồng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu”.

Cũng theo ông Phương, bằng nguồn lực hiện có, nhà trường quyết tâm phát triển và xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đối với học viên và sinh viên các hệ. Do đó, nhà trường luôn khuyến khích và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng xây dựng chiến lược hợp tác với các nhóm nghiên cứu trên thế giới nhằm phát triển đội ngũ của nhà trường.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Trưởng Phòng KHCN&NCPT, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cũng chia sẻ thêm về hướng mà nhóm sẽ tập trung trong thời gian tới. Theo PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, số lượng phương tiện giao thông vận tải hiện nay là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn tại Việt Nam. Vì vậy trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu mạnh tập trung vào phát triển và ứng dụng các loại nhiên liệu sinh học và phụ gia nhiên liệu cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải độc hại do phương tiện giao thông gây ra.

Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM thành lập nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên - 3

 Các thành viên trong nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên của trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, trong đó có một PGS đến từ trường ĐH ở Malaysia.

Là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, ông Tuấn chia sẻ: “Trách nhiệm và vai trò của một nhóm nghiên cứu mạnh trong một trường đại học hết sức nặng nề và chịu nhiều áp lực, đặc biệt đây là nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên của trường. Vì vậy, việc đặt ra mục tiêu và kế hoạch họat động của nhóm trong thời gian tới cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng và hợp lý, sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước mắt, chúng tôi dự định là mỗi năm sẽ công bố ít nhất 10 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín nằm trong danh mục ISI/Scopus, trong đó có ít nhất 3 công trình ISI hạng Q1. Dựa vào tình hình thực tế, chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh cho các năm tiếp theo”.

Có mặt tại buổi ra mắt, PGS.TS. Meisam Tabatabaei cho biết rất vinh hạnh khi lần đầu được mời tham gia vào nhóm nghiên cứu mạnh tại Việt Nam. Theo PGS.TS. Meisam Tabatabaei, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong vấn đề biến đổi khí hậu và hậu quả bất lợi của nó.

“Trước điều đó, tôi và nhóm nghiên cứu bắt tay nghiên cứu phát triển và hoàn thiện một số giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải cacbon từ các phương tiện giao thông góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chúng tôi đã nghiên cứu về các hệ thống vận chuyển cacbon thấp dẫn đến phát thải khí nhà kính ít hơn, đây là nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Chi tiết của công trình này đã nằm trong báo cáo “LANCET COUNTDOWN” 2019 (IF = 59.102) của nhóm”, PGS Meisam Tabatabaei chia sẻ.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh, hiện nay là Phó Tổng Biên tập và Thành viên Ban biên tập của một số tạp chí nằm trong danh mục ISI/Scopus. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn có chỉ số trích dẫn khoa học trên Scopus là H-index = 17; kể từ thời điểm công trình đầu tiên được xuất bản vào tháng 12/2017, đến nay ông Tuấn đã công bố hơn 40 công trình khoa học nằm trong danh mục ISI/Scopus, đồng thời là phản biện thường xuyên của các tạp chí uy tín trên thế giới như:  Progress in Energy and Combustion Science, Renewable & Sustainable Energy Reviews, Energy Source Part A, Fuel, Energy Conversion and Management… và nhiều tạp chí uy tín khác.  

PGS.TS Meisam Tabatabaei - ĐH Teknologi MARA (Malaysia), hiện cũng là Tổng biên tập, Phó Tổng Biên tập và Thành viên Ban biên tập của một số tạp chí nằm trong danh mục ISI/Scopus. Từ năm 2016, ông là cộng tác viên chính của Ủy ban Sức khỏe Cộng đồng và Biến đổi Khí hậu (UCL, vương quốc Anh) và đã xuất bản hơn 250 công trình khoa học. PGS.TS Meisam Tabatabaei là một trong các nhà nghiên cứu được trích dẫn cao (1% nhà khoa học hàng đầu thế giới) trong Danh mục Kỹ thuật từ năm 2017.

Lê Phương