Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột hợp tác nghiên cứu nuôi trồng tảo Spirulina

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, Viện Nghiên cứu cơ bản Hàn Quốc và Công ty Cổ phần Suhwoo MS - Hàn Quốc, hợp tác phát triển nghiên cứu nuôi trồng vi tảo Spirulina quy mô lớn và ứng dụng trong lĩnh vực y dược tại Việt Nam.

Đại diện trường Đại học (ĐH) Y Dược Buôn Ma Thuột cho biết, nhà trường và Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản Hàn Quốc (KBSI) đã thống nhất về việc hợp tác phát triển nghiên cứu nuôi trồng tảo Spirulina ở quy mô lớn và nghiên cứu bào chế dược phẩm từ loài vi tảo này.

Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột hợp tác nghiên cứu nuôi trồng tảo Spirulina - 1
Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột, Viện Nghiên cứu cơ bản Hàn Quốc và Công ty Cổ phần Suhwoo MS đã hợp tác phát triển nghiên cứu nuôi trồng vi tảo Spirulina (Ảnh: Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột).

Cùng với đó, Công ty Suhwoo MS (đơn vị nhận chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng tảo Spirulina từ Viện KBSI và hiện đang tiến hành thương mại hóa) sẽ tham gia đảm nhận vai trò xây dựng và chuyển giao công nghệ trong thời gian sắp tới.

Các bên đã thống nhất lộ trình hợp tác và tiến hành khảo sát điều kiện cũng như trồng thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu Y sinh ứng dụng (Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột).

Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột hợp tác nghiên cứu nuôi trồng tảo Spirulina - 2
GS.TS Đặng Tuấn Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột trao đổi tại buổi làm việc (Ảnh: Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột).

Đại diện nhà trường cho biết, Việt Nam có điều kiện thời tiết, nhiệt độ thích hợp cho việc nuôi trồng tảo Spirulina ở quy mô lớn. Do đó, sự hợp tác giữa Trung tâm nghiên cứu Jeonju thuộc Viện KBSI (đơn vị đang sở hữu công nghệ nguồn và bằng sáng chế tại Hàn Quốc về nuôi cấy tảo Spirulina theo quy trình mở), Công ty Suhwoo Ms và trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (đơn vị có kỹ thuật, kinh nghiệm nghiên cứu lĩnh vực y sinh) được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả to lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp giá trị cao này tại Việt Nam.

Tảo xoắn Spirulina là một loại vi khuẩn lam dạng sợi và siêu nhỏ có lịch sử sử dụng lâu dài như một loại thực phẩm chức năng. Loài tảo này được sản xuất thương mại trong các ao lớn ngoài trời với điều kiện được kiểm soát.

Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột hợp tác nghiên cứu nuôi trồng tảo Spirulina - 3
Sự kiện hợp tác được kỳ vọng sẽ phát triển ngành nuôi trồng tảo Spirulina tại Việt Nam (Ảnh: Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột).

Lợi ích sức khỏe tiềm năng của tảo Spirulina chủ yếu là do thành phần hóa học có trong loài tảo này, bao gồm protein, carbohydrate, axit amin, khoáng chất (nhất là sắt), axit béo, vitamin và sắc tố.

Cùng với đó, ba thành phần hoạt tính sinh học chính của Spirulina gồm protein phycocyanin, polysacarit sunfat và axit γ-linolenic, có vai trò quan trọng trong việc cải thiện chức năng cơ thể con người, có thể hỗ trợ điều hòa miễn dịch và kháng virus.

Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột hợp tác nghiên cứu nuôi trồng tảo Spirulina - 4
Mô hình nhân nuôi tảo xoắn tại phòng thí nghiệm (Ảnh: Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột).

Hiện nay, các sắc tố như Phycoerythrin, Phycobilin, Lutein, Astaxantin, β-carotein có trong tảo Spirulina được sử dụng làm nguyên liệu cho mỹ phẩm, dược phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, và có thể sản xuất ra các axit béo không no như Omega-3, DHA, EPA tinh khiết có giá trị cao.