Gia Lai:

Trường có 102 học sinh bỏ học: Nhiều chuyện không giống ai

(Dân trí) - Không chỉ có nhiều “vấn đề” trong quản lý tài chính, yêu cầu học sinh phải nộp nhiều khoản vô lý mà Trường THPT Võ Văn Kiệt (Phú Thiện, Gia Lai) còn xảy ra những chuyện “không giống ai” do hiệu trưởng Trần Văn Thuận điều hành.

Theo phản ánh của giáo viên, cách điều hành nhà trường của ông Trần Văn Thuận không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh mà ông còn trù dập giáo viên, khiến nhiều người bức xúc.

Năm học 2014-2015, đầu năm,  học sinh vẫn được tổ chức chào cờ 1 lần/tuần vào thứ 2 hàng tuần. Nhưng vài tháng sau, ông Thuận tuyên bố chào cờ rất mất thời gian nên chỉ tổ chức chào cờ 1 tháng/lần. Vì vậy, thay vì ra trước cột cờ ở sân trường chào cờ thì giờ chào cờ của ngày thứ 2 đầu tuần, học sinh phải ngồi trong lớp sinh hoạt… cho đỡ mất thời gian.

Năm học vừa qua, Trường THPT Võ Văn Kiệt có 18 lớp, tổng số tiết dạy môn thể dục là 36 tiết/tuần, cộng thêm 2 tiết quản lý thiết bị là 38 tiết. Trong khi đó, trường có 2 giáo viên dạy thể dục, và số tiết quy định mỗi giáo viên phải dạy 17 tiết/tuần. Như vậy còn dư 4 tiết, số tiết này ông Thuận không bố trí cho giáo viên dạy tăng giờ mà cho một nhân viên hợp đồng tạp vụ có bằng cử nhân TDTT dạy. Trong khi đó, nhân viên này chỉ được nhận làm hợp đồng tạp vụ thuộc tổ Văn phòng, sau đó được bố trí dạy 4 tiết thể dục (2 lớp) và số tiết này được tính tăng giờ.

Đặc biệt, những ngày qua, ông Thuận còn tung thông tin với phụ huynh học sinh là sắp đuổi việc thầy H. M. T. (giáo viên trong trường), khiến thầy cảm thấy bị xúc phạm và xấu hổ với học sinh. Thầy T. cho biết, do gia đình ở rất xa Gia Lai, bố thầy T. bị bệnh gan và thận nặng nên sức khỏe nhiều lúc yếu và thất thường, cộng thêm gia đình có công việc nên trước Tết thầy T. đã làm đơn xin tổ Văn và ông Thuận được nghỉ thêm 4 ngày sau Tết để lo công việc gia đình. Trước trình bày của thầy T., tổ Văn đã ký vào giấy đồng ý cho thầy T. được nghỉ phép thêm, nhưng hiệu trưởng lại không đồng ý.

Biên bản kỷ luật thầy T. có nhiều điểm không đúng với nghị định xử lý viên chức.
Biên bản kỷ luật thầy T. có nhiều điểm không đúng với nghị định xử lý viên chức.

Tuy nhiên, do công việc quan trọng của gia đình nên thầy T. đã nghỉ thêm 4 ngày sau Tết: “Nhà tôi ở rất xa, cả năm chỉ về quê được 1-2 lần, trong khi bố tôi bị bệnh nặng, nhà lại có việc quan trọng. Tôi mà bỏ đi thì tôi sẽ trở thành người như thế nào? Bố tôi sẽ buồn và bệnh nặng hơn. Công việc quan trọng, nhưng tôi có thể làm bù sau đó được còn chuyện của gia đình thì chẳng có gì bù đắp được và tôi sẽ hối hận đến suốt cuộc đời” - thầy T. bày tỏ.

Dù biết việc mình nghỉ không có phép là vi phạm, nhưng cách giải quyết của ông Thuận khiến thầy T. rất bất bình. Theo thầy T. và một số giáo viên khác, có vài giáo viên đã nghỉ không phép nhiều hơn thầy T., có người nghỉ đến 2 tuần nhưng không hiểu vì lý do gì ông Thuận đều bỏ qua, riêng thầy T. lại bị ông Thuận thành lập cả một hội đồng để tiến hành kỷ luật lao động đối với thầy T.

Tuy vậy, việc thành lập hội đồng kỷ luật của ông Thuận lại không đúng quy trình và không theo quy định của luật lao động về quy trình xử lý công chức. Theo nghị định 27 năm 2012 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật viên chức, quy định hội đồng kỷ luật chỉ được 5 thành viên nhưng ông Thuận lại thành lập đến 9 người; trong biên bản kỷ luật ông Thuận không có chữ ký của người vi phạm là thầy T.; trong luật viên chức chỉ có hình thức buộc thôi việc chứ không có hình thức sa thải nhưng trong biên bản lại ghi là sa thải….

“Trước khi thành lập hội đồng kỷ luật, ông Thuận phải nắm rõ nghị định xử lý viên chức nhưng chính biên bản lại lộ rõ việc ông Thuận không biết gì về nghị định này hoặc cố tình làm sai. Không chỉ vậy, trong biên bản kỷ luật và giao tiếp ông Thuận liên tục gọi tôi là “đương sự” giống như tôi vi phạm gì đó rất nghiêm trọng làm nhiều người nghĩ tôi phạm tội gì đó ghê gớm lắm. Tôi sai tôi nhận sai, nhưng phải có sự công bằng và xử lý đúng quy định chứ không thể có chuyện ông Thuận là hiệu trưởng rồi có quyền chèn ép, nhục mạ với tôi được”, thầy T. bức xúc.

Thầy T. cho biết thêm, sau khi báo Dân trí đăng bài viết Trường có 102 học sinh bỏ học: Hiệu trưởng bị tố “có nhiều vấn đề”, học sinh trong trường còn gọi điện cho thầy thắc mắc thêm về khoản tiền 20 nghìn đồng mà nhà trường đã thu nói để làm sân cỏ nhân tạo, nhưng sau đó không làm rồi tiền cũng không trả lại cho học sinh, giờ không biết số tiền này đã đi đâu?

Biên bản kỷ luật thầy T. có nhiều điểm không đúng với nghị định xử lý viên chức
Là lãnh đạo nhà trường nhưng trước tình trạng học sinh bỏ học nhiều, ông Trần Văn Thuận chưa có động thái gì quan tâm, trong khi đó lại đưa ra các khoản tiền vô lý để thu.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Từ Sinh - Trưởng phòng THPT Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, môn Hướng nghiệp và hoạt động ngoài giờ là 2 môn học bình thường, bắt buộc. Vì vậy, phải lên lịch trước 2 môn này như các môn khác và bắt buộc 1 tháng phải có 2 tiết vào trong thời khóa biểu trước, chứ không thể dạy thích dạy lúc nào cũng được. Ông Sinh cũng cho biết, số lượng học sinh bỏ học của trường lên đến hơn 10% là quá nhiều.

Trước phản ánh của PV, Phòng THPT cho biết sẽ ghi nhận và báo cáo lên Giám đốc Sở để thành lập đoàn kiểm tra đối với Trường THPT Võ Văn Kiệt về những vấn đề trên.

Ông Phan Thanh Của - Chánh thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, Sở đã nhận được đơn tố cáo của giáo viên Trường THPT Võ Văn Kiệt, tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Phú Thiện đã vào cuộc kiểm tra, vì vậy Sở chưa kiểm tra. Nếu giáo viên không đồng ý với kết quả điều tra của Ủy ban Kiểm tra thì tiếp tục làm đơn lên Sở, Sở sẽ thành lập đoàn xuống kiểm tra Trường THPT Võ Văn Kiệt.

Ông Võ Thanh Lâm - Chánh văn phòng UBND huyện Phú Thiện cho biết, ông Thuận thuộc quản lý của Sở GD&ĐT và chỉ sinh hoạt Đảng viên tại huyện chứ không thuộc quản lý của UBND huyện. Trước đây, ông Thuận đã cho xây khu căng tin của trường ra ngoài khuôn viên trường, vi phạm hành lang an toàn giao thông nên đã bị các ban ngành về xử lý và cho phá dỡ khu căng tin trên.

Thiên Thư