Trẻ quen với điểm 10, ra ngoài làm gì cũng dễ... nản

(Dân trí) - Quen với điểm 10, thành tích nên ra ngoài cái gì không "toàn diện" là hụt hẫng, chán nản...

Nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến giáo dục, sự phát triển của thế hệ trẻ được bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Trường ngoại khóa TOMATO chia sẻ tại Ngày hội Trẻ em Việt Nam DFC 2019 vừa diễn ở TPHCM. 

Đó không chỉ là chuyện của trẻ em mà còn là bức tranh của mỗi người lớn chúng ta. 

Áp lực làm gì cũng phải đạt điểm 10 

Bà Uyên Phương cho biết, khi một nhóm các em nhỏ thực hiện dự án dự án kêu gọi các hàng quán hạn chế dùng rác thải nhựa, các em tỏ ra rất chán nản, bi quan. 

Trẻ em Việt chủ yếu quan tâm nhiều đến việc học hoặc xem điện thoại, Ipad

Hỏi ra thì hay, các em gửi đi 6 bức thư đến các nơi và "Tụi con nhận được có 2 thư trả lời thôi". Các em buồn chán, thất vọng. Trong khi 2 phản hồi trong 6 lá thư kêu gọi đã là một kết quả quá tốt.

Nhiều dự án khác, các em cũng chung tâm trạng này. Hầu như học sinh Việt đã quá quen với việc làm gì cũng phải đạt điểm 10 nên cái gì không như ý là mất tinh thần, chán nản. 

Các em bị áp lực thành tích và quen với điều đó, làm gì cũng phải đạt được cho bằng hết. Từ đó, thường chạy theo các giải pháp lớn lao, cao xa mà quên rằng chỉ cần đạt được một kết quả nhất định đã là rất tốt. 

"Con thấy lo lắng việc học"

Bà Uyên Phương bộc bạch, đưa tư duy kiến tạo (các bước cảm nhận - tưởng tượng - hành động - chia sẻ) về Việt Nam khó nhất là bước cảm nhận. Bước này thực hiện ở Việt Nam khó và tốn thời gian gấp 3 - 4 lần so với giáo án gốc của thế giới. 

Trẻ quen với điểm 10, ra ngoài làm gì cũng dễ... nản - 1

Trẻ em tham gia ngày hội làm sạch đường phố tại TPHCM 

Trước câu hỏi, con bận tâm, trăn trở đến vấn đề gì của thế giới, có mong muốn gì, trẻ em các nước nói ra vấn đề đó rất tự nhiên. Có thể các em sống trong một cộng đồng có ý thức lớn về các vấn đề xung quanh cuộc sống của mình. 

Nhưng với trẻ em Việt Nam, sự vô cảm đã được nhắc đến nhiều là có thật. Hầu hết các em nói: Con không biết, Con không trăn trở điều gì hết, con thấy lo lắng việc học, học nhiều quá; hay có nhiều em ước... được chơi điện thoại, Ipad thật nhiều. 

Người Việt khó nhất là học lắng nghe 

Bà Uyên Phương kể, tại Hội nghị Trẻ em Thế giới 2018 ở Đài Loan, các em trong đoàn Việt Nam rất lo lắng, tự ti. Các em thể hiện, trình bày dự án của mình rất tốt. Nhưng vừa rời sâu khấu, các em đều bàng hoàng hỏi: Mọi người vỗ tay cho dự án tụi con thật đó hả? Mọi người cười khi tụi con diễn hài kịch thật ư?

Các em không tin, mọi người, lại là người lớn, đang lắng nghe mình. Việc người lớn dành thời gian, tâm trí để lắng nghe các con cực kỳ thiếu ở Việt Nam. 

Trẻ quen với điểm 10, ra ngoài làm gì cũng dễ... nản - 2

Con trẻ thiếu được lắng nghe và học cách lắng nghe (Ảnh phụ huynh cùng con tham gia Ngày hội Trẻ em)

Hội nghị trẻ em ở các nước có thể phải mua vé mới vào được nhưng ở Việt Nam, bà Uyên Phương cho biết đi mời và vận động phụ huynh đưa con đến tham gia rất cực khổ. Phụ huynh hỏi: Con tôi có được làm gì không, có lên sâu khấu không. Còn đến ngồi dưới để nghe người khác là thì thôi, không đi. 

Phụ huynh không có thói quen để trẻ giao lưu, lắng nghe bạn bè chứ chưa nói đến việc người lớn lắng nghe trẻ nhỏ. 

Không được lắng nghe, trở thành điểm yếu của trẻ em Việt khi các em mất đi sự tự tin, không dám bày tỏ suy nghĩ, ý tưởng. 

Muốn người khác "phải", ít chú ý trách nhiệm của mình 

Bà Uyên Phương đưa ra ví dụ, bà từng tổ chức một cuộc họp ở doanh nghiệp, mà khi nhìn kế hoạch toàn là Em đề nghị bộ phận này phải làm thế này, bộ phận kia phải làm thế kia, bộ phận khác phải làm thế nọ... , chứ không phải là bản thân mình sẽ. 

Trong 10 vấn đề tồn tại, ít nhất cũng có 1 - 2 vấn đề do chính bản thân mình. Nhưng chúng ta thường chỉ than vãn, kêu ca và giải pháp thì... chỉ tập trung vào việc muốn người khác phải thế này, muốn họ phải thay đổi.

Trong khi, mình không thể thay đổi lời nói, ý nghĩ, hành động, ý tưởng của người khác nhưng ý tưởng, hành động, ý nghĩa, lời nói... của bản thân lại nằm trong chính khả năng. Trước hết hãy thay đổi từ những điều gì mà ta có thể tác động được. Phải thấy được năng lượng "Tôi có thể" làm được điều gì dù nhỏ bé. 

"Như trong giáo dục, nhiều thứ ngoài tầm kiểm soát của chúng ta,  chúng ta chưa thay đổi được như chương trình, thi cử... Nhưng thầy cô, bố mẹ hoàn toàn có thể khuyến khích trẻ tư duy, sáng tạo, hỗ trợ các dự án; chưa thể thay đổi chương trình nhưng có thể thay đổi cách học thông qua nhiều cách khác nhau", bà Uyên Phương gợi mở. 

Hoài Nam