Trẻ em cả ngày dán mắt vào điện thoại, mơ làm Tiktoker, chuyên gia nói gì?

Nhung Nhung

(Dân trí) - Là nơi ai cũng có thể vụt sáng chỉ bằng các đoạn video ngắn, TikTok hấp dẫn đến nỗi con chị T. còn thủ thỉ với mẹ rằng khao khát làm nghề Tiktoker trong tương lai để nổi tiếng và kiếm nhiều tiền.

Video ngắn, nỗi lo dài

Có con gái 7 tuổi rất thích các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, vợ chồng chị H.T. (Hà Nội) không cấm con dùng điện thoại, tivi.

Ban đầu, thấy con chỉ xem các clip nhảy nhót, hát hò với mục đích giải trí, chị T. khá yên tâm và dần lơ là giám sát.

Sau đó, con được dì nhỏ trong nhà rủ "selfie" (tự sướng) bằng những hiệu ứng ngộ nghĩnh trên TikTok, thi thoảng quay vài clip nhép miệng theo nhạc vui vui. Dần dà, chỉ vô tình nhìn thấy dì, con sẽ ngay lập tức hét lên đòi quay "tóp tóp".

Không chỉ thế, con gái 7 tuổi của chị còn hóng xem video được đăng tải lên mạng có "hot" không, có bao nhiêu lượt thả tim, có ai bình luận gì không.

Trẻ em cả ngày dán mắt vào điện thoại, mơ làm Tiktoker, chuyên gia nói gì? - 1
Nhiều bạn trẻ bị cuốn hút bởi nền tảng mạng xã hội video này (Ảnh: AFP).

Bà mẹ trẻ cũng khẳng định trong thời buổi hiện đại 4.0, rất khó để giữ con như một tờ giấy trắng:

"Tôi không thể can thiệp việc con thuộc hay nhảy theo những bài nhạc người lớn đang hot trên mạng nhưng tôi cảm thấy rất lo lắng khi con có dấu hiệu nghiện TikTok.

Cháu luôn tấm tắc khen TikTok thú vị và có xu hướng ít tham gia các hoạt động thể chất mà tìm lý do để dán mắt vào điện thoại".

Là nơi ai cũng có thể vụt sáng chỉ bằng các đoạn video ngắn, TikTok hấp dẫn đến nỗi con chị T. còn thủ thỉ với mẹ rằng khao khát trở thành TikToker trong tương lai để nổi tiếng và kiếm tiền khủng khiến chị T. cảm thấy bối rối.

Giao tiếp để hiểu và đồng hành cùng con

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc trở thành Tiktoker cũng có rất nhiều hạn chế. Mặc dù sự sáng tạo có thể mang đến thu nhập nhưng thu nhập không chắc chắn, bền vững và chưa chắc đã đáng để đánh đổi với việc học tập.

"Rất nhiều người muốn làm nghề này dẫn đến sự cạnh tranh thu hút sự chú ý của công chúng cực kỳ lớn.

Cùng với đó là những sự chỉ trích trực tuyến, quấy rối, bắt nạt và áp lực phải đáp ứng công chúng cũng có thể gây tổn thương sức khỏe tâm thần cho trẻ, đẩy họ vào lo âu, trầm cảm thậm chí tự làm hại bản thân", ông Nam nhận định.

Trẻ em cả ngày dán mắt vào điện thoại, mơ làm Tiktoker, chuyên gia nói gì? - 2
PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) (Ảnh: NVCC).

Để tránh TikTok nói riêng và các mạng xã hội khác nói chung ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ, theo PGS.TS. Trần Thành Nam, vai trò giáo dục của cha mẹ vô cùng quan trọng khi có thể tận dụng sự quan tâm nghề nghiệp này của các con để trao đổi một cách công bằng về những điểm lợi hại khi trở thành một Tiktoker.

Chuyên gia giáo dục này cũng đưa ra lời khuyên: "Phụ huynh hãy khuyên các em hãy tiếp tục khám phá bản thân xem ngoài việc trở thành Tiktoker thì các em còn có thể phù hợp thêm với những ngành nghề nào khác nữa.

Bởi việc dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội có thể khiến con mất cân bằng cuộc sống và bỏ qua các thiên hướng nghề nghiệp khác mà trẻ cũng có thế mạnh và ham mê.

Trong trường hợp con vẫn muốn mình trở thành một Tiktoker, phụ huynh hãy khuyến khích con đặt ra mục tiêu cụ thể nếu không muốn bị hết hạn sử dụng sớm".

PGS. TS Trần Thành Nam chỉ ra rằng, ngay cả những người sáng tạo nội dung lâu năm cũng phải vật lộn để đa dạng hóa nội dung của họ và đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thuật toán mang tính ngẫu nhiên.

Vì vậy phụ huynh nên đặt bản thân vào cùng mối quan tâm của con và cố gắng định hướng cho con hiểu rằng, nếu muốn các video thu hút sự chú ý lớn của khán giả thì con cần học để phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo.

Muốn nội dung do mình sáng tạo ra tiếp cận được với công chúng nước ngoài thì con cần nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Đồng thời đưa ra giải pháp và thống nhất rằng để con sáng tạo nội dung trở thành một nghề nghiệp bền vững, con phải rèn luyện các kỹ năng như làm việc nhóm, kỷ luật bản thân, quản lý thời gian, tổ chức điều hành công việc và quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực số và sử dụng công nghệ cho truyền thông.

Đặc biệt, ông Nam cho rằng, để trẻ thành công thì phải có nhiều kỹ năng, mà để có điều đó thì phụ huynh phải cho con cân bằng giữa thời gian dành cho cuộc sống thật.

"Phụ huynh nên giới hạn thời gian con lên mạng chỉ 2 giờ/ngày để dành thời gian cho việc học chuyên môn, ngoại ngữ, tư duy sáng tạo, quản trị bản thân và năng lực số.

Những năng lực này sẽ không chỉ giúp con trở thành một người sáng tạo nội dung bền vững mà còn giúp con có thể thành công trong những ngành nghề mới có thể sẽ xuất hiện trong tương lai, trong bối cảnh chuyển đổi số", chuyên gia nhắn nhủ.