Trao bằng tiến sĩ danh dự tới 2 giáo sư Vật lý Ba Lan

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Hai giáo sư vật lý đến từ Ba Lan vinh dự được một trường đại học ở Việt Nam trao bằng tiến sĩ danh dự.

Tối 26/9, Trường Đại học Vinh, Nghệ An tổ chức lễ trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự cho Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Ryszard Buczyński và Marek Trippenbach đến từ Trường Đại học tổng hợp Warszawa (Ba Lan).

GS.TS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chia sẻ và khẳng định, những đóng góp của GS.TS Ryszard Buczyński và Marek Trippenbach có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của trường trong những năm qua.

Trao bằng tiến sĩ danh dự tới 2 giáo sư Vật lý Ba Lan - 1

Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh GS.TS Nguyễn Huy Bằng (phải ảnh) trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự cho GS.TS Marek Trippenbach (Ảnh: N.D).

Việc phong danh hiệu Tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Vinh không chỉ mang tính biểu tượng mà còn có tác dụng lớn trong tương lai gần đến nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quang tử cho nhà trường.

"Đây là hai giáo sư Vật lý có nhiều đóng góp cho hoạt động của Trường Đại học Vinh và ngành giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua.

Dưới sự hỗ trợ của GS.TS Ryszard Buczyński, nhóm nghiên cứu quốc tế Ba Lan - Việt Nam với các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Vinh đã công bố gần 20 công trình trên tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao, trong đó có 3 bài báo đã được xuất bản vào năm 2019, gửi đăng 6 bài trong năm 2020", GS.TS Nguyễn Huy Bằng chia sẻ.

Trao bằng tiến sĩ danh dự tới 2 giáo sư Vật lý Ba Lan - 2

GS.TS Ryszard Buczyński phát biểu (Ảnh: N.D).

Trong quá trình triển khai, hai giáo sư này đã có nhiều đóng góp cho Trường Đại học Vinh. Trong đó phải kể đến, GS.TS Marek Trippenbach là nhà khoa học xuất sắc, từng nhận được giải thưởng của Hội vật lý Ba Lan 2006; giải thưởng Fulbright Senior Fellowship 2001-2002. Ông cũng tham gia tổ chức hơn 100 hội nghị quốc tế và có 50 báo cáo được mời, hợp tác với các đơn vị nghiên cứu quốc tế có tên tuổi.

Bên cạnh đó, GS.TS Marek Trippenbach còn là tác giả và đồng tác giả của 147 công trình đăng trong các tạp chí quốc tế có giá trị như: Nature, Review of Modern Physics, Proceedings of the Royal Society, 9 Physical Review Letters, etc... Trong số này có trên 20 công trình hợp tác với các nhà vật lý đến từ Trường Đại học Vinh.

Trao bằng tiến sĩ danh dự tới 2 giáo sư Vật lý Ba Lan - 3

GS.TS Marek Trippenbach phát biểu (Ảnh: N.D).

GS.TS Marek Trippenbach cũng đã hướng dẫn hai luận văn Tiến sĩ cho hai nghiên cứu sinh của nhà trường.

Trong khi đó, giáo sư Ryszard Buczyński đã giúp cho Trường Đại học Vinh phát triển chương trình nghiên cứu về việc sử dụng chất lỏng làm phương tiện phi tuyến mạnh để tạo ra cái gọi là phổ siêu liên tục với nhiều ứng dụng tiềm tàng.

Việc sử dụng các chất lỏng này làm lõi trong sợi quang tử có thể thu được môi trường có ánh sáng được tập trung mạnh trong những khoảng cách xa do môi trường có độ phi tuyến cao.

Trao bằng tiến sĩ danh dự tới 2 giáo sư Vật lý Ba Lan - 4

Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự cho GS.TS Ryszard Buczyński (Ảnh: N.D).

Kể từ năm 2016, nhóm nghiên cứu quốc tế Ba Lan - Việt Nam với các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Vinh đã công bố gần 20 công trình trên tạp chí có chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) cao.

Giáo sư R. Buczyński là linh hồn trong việc nghiên cứu các vấn đề lý thuyết về sự lan truyền của các xung ngắn trong các môi trường phi tuyến, phân tích các kết quả thực nghiệm kiểm chứng nhằm giải thích các hiện tượng xảy ra trong lĩnh vực này.

Trao bằng tiến sĩ danh dự tới 2 giáo sư Vật lý Ba Lan - 5

Ban giám hiệu Trường Đại học Vinh chụp ảnh lưu niệm với GS.TS Ryszard Buczyński và Marek Trippenbach (Ảnh: N.D).

Nhờ những nỗ lực của GS R. Buczyński, ở Việt Nam các nghiên cứu không chỉ giới hạn trong việc mô hình hóa lý thuyết và mô phỏng máy tính các hiện tượng phi tuyến, mà một phòng thí nghiệm sợi quang hiện đại cũng đã được xây dựng tại Trường Đại học Vinh.

Phòng thí nghiệm này đã có thể thực hiện những nghiên cứu trong lĩnh vực quang học phi tuyến, các hệ thống quang tử sợi và cảm biến sợi quang. Ông đang dự kiến chuyển giao công nghệ sản xuất sợi quang tử từ Ba Lan về Trường Đại học Vinh trong thời gian tới.