Tranh cãi đề thi học sinh giỏi là sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua

Lệ Thu

(Dân trí) - 3 học sinh Trường THPT Đông Anh thương vong khi đi trải nghiệm, tranh cãi đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ văn, Toán tại Hà Nội là một số các sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Vùng núi có băng tuyết, hàng trăm nghìn học sinh nghỉ học

Tuần qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nhiều nơi tại tỉnh Sơn La có nhiệt độ rất thấp và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá... 

Cụ thể, trong ngày 11/1, Sở giáo dục và đào tạo Sơn La đã chỉ đạo 401/527 trường mầm non, tiểu học, THCS và 16/44 trường THPT, nội trú nghỉ học.

Các huyện, thành phố cho học sinh nghỉ học, gồm: Bắc Yên, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, thành phố Sơn La, Mộc Châu, Mường La, Phù Yên, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Vân Hồ. Trong đó, huyện Yên Châu, Thuận Châu và Vân Hồ đều cho 100% học sinh nghỉ học để tránh rét.

Tranh cãi đề thi học sinh giỏi là sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua - 1

Báo cáo của cơ quan chức năng về đợt rét đậm, rét hại, băng giá ở Sơn La từ 8-11/1/2021.

Còn tại Thừa Thiên Huế tuần qua nhiệt độ giảm mạnh, trời rất lạnh, vùng đồng bằng chỉ còn 12 độ C, vùng núi dưới 10 độ C vào ngày 11/1.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, học sinh huyện miền núi A Lưới với khoảng 12.000 em ở 3 cấp học đã được nghỉ học để tránh rét do rét đậm vào ngày 11/1. Huyện miền núi Nam Đông cũng đang theo dõi để cho học sinh nghỉ học nếu rét dưới 10 độ C.

Tranh cãi đề thi học sinh giỏi là sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua - 2

Băng giá bao trùm toàn bộ đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn.

Ngoài ra, các tỉnh khác cũng cho học sinh nghỉ học như Yên Bái, Quảng Bình, Lạng Sơn, Lai Châu... vì thời tiết lạnh giá khắc nghiệt.

Bộ GD-ĐT chi gần 11 tỷ đồng khen thưởng các bài báo khoa học quốc tế

Cũng trong tuần qua, Bộ GD&ĐT đã có quyết định khen thưởng 34 đại học, trường đại học có bài báo khoa học trên các tạp chí trong danh mục: ISI, SCI, SCIE năm 2020, với tổng số tiền 10 tỷ 800 triệu đồng.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2020 đã có hơn 3.600 bài báo của 34 đơn vị giáo dục đại học thuộc Bộ GD&ĐT được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Mức thưởng tối thiểu là 2 triệu đồng và cao nhất là gần 1,5 tỷ đồng.

Tranh cãi đề thi học sinh giỏi là sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua - 3
Danh sách 34 đại học được Bộ GD&ĐT khen thưởng năm 2020.

Theo đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có nhiều bài báo được công bố nhất, với 491 bài. Đây cũng là đơn vị nhận được số tiền thưởng lớn nhất lên tới 1,5 tỷ đồng. Tiếp đến là Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng lần lượt nhận số tiền thưởng là: 976 - 960 triệu đồng...

Được biết, năm 2019 mức thưởng của Bộ GD&ĐT cho hơn 2.400 bài báo khoa học trên tạp chí uy tín là 8 tỷ đồng.

Trước đó, theo Cơ sở dữ liệu Elsvier, số bài báo quốc tế trong danh mục Scopus (đã bao gồm ISI) của toàn Việt Nam như sau: năm 2018 là 8.783 bài; năm 2019 là 12.566 bài; năm 2020 (tính đến ngày 10/12/2020) là 17.028 bài.

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của 243 cơ sở đào tạo (gồm 205 trường đại học học, học viện) và 38 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ trên toàn quốc thì năm 2018 có 8.278 bài (chiếm 94,3% của toàn Việt Nam); năm 2019: 11.962 (chiếm 95,2% của toàn Việt Nam); năm 2020 (tính đến ngày 10/12/2020): 16.346 (chiếm 94,3% của toàn Việt Nam).

Tranh cãi quanh đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ văn của Hà Nội

Sau khi đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ văn được đăng tải ngày 13/1, nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng, đề thi chưa hay, thậm chí mắc lỗi. Cụ , đề thi dành cho học sinh giỏi nhưng ở câu hỏi 1, không dạy cho học sinh cách vượt qua nghịch cảnh.

Chưa kể, cách đặt vấn đề "khóc hộ" trong đoạn trích khiến nhiều người chưa thấy được sự sẻ chia mà là sự "thương vay, khóc mướn".

Tranh cãi đề thi học sinh giỏi là sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua - 4

Đề thi Ngữ Văn bị cho chưa hay và có nhiều lỗi.

Trên trang cá nhân, một tiến sĩ văn học cho biết, ông cũng thấy "choáng" bởi đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ Văn của Hà Nội năm nay quá nhiều lỗi.

Thứ nhất, ở tên miền mà người ra đề cho biết đã sử dụng đoạn trích (http://www.vtmonline.vn), khi truy cập thấy không tồn tại hoặc bị khóa.

Ở câu 1: Từ "Khóc giùm" nằm trong trường nghĩa với "khóc mướn", tức chính mình khóc thay người khác, nhưng khác khóc mướn vì đã "giùm" thì miễn phí.

Còn hiểu theo nghĩa "khóc giùm" tức là "giúp bạn ấy khóc" nghĩa là giúp cho người khác khóc vì người ấy không khóc được.

Theo tiến sĩ này, ở cả hai cách hiểu trên đều rất vô nghĩa…

Ở câu 2: Đề tài, chủ đề có thể xem như "chủ ngữ", còn phương diện chủ quan của nội dung là "vị ngữ"

Chuyên gia này cho rằng, chủ ngữ, vị ngữ là sự phân tích thành phần câu theo ngữ pháp cấu trúc.

Họ chỉ mượn khái niệm "chủ ngữ", "vị ngữ" để nói đến quan hệ giữa nhân vật và sự kiện như một thứ cú pháp của truyện kể.

Không ai nói "chủ ngữ" là đề tài, chủ đề, "vị ngữ" giống quan hệ chủ ngữ/vị ngữ của cấu trúc câu bao giờ.

"Phân tích quan hệ giữa đề tài, chủ đề với nội dung tác phẩm mà giống như phân tích ngữ pháp câu sao"? chuyên gia này đặt câu hỏi...

Gần 500 Trung tâm Ngoại ngữ tại TPHCM chưa có phép, hết hạn

Ngày 12/1, Sở GD&ĐT TPHCM công bố danh sách gần 500 trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố chưa được cấp phép hoạt động và hết hạn hoạt động.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, sau khi rà soát danh sách các Trung tâm Ngoại ngữ, tin học đã được cấp phép thành lập và hoạt động giáo dục, Sở yêu cầu các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được cấp phép thành lập mà chưa đăng ký hoạt động giáo dục phải khẩn trương đăng ký hoạt động theo quy định của chính phủ.

Đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được cấp phép thành lập và hoạt động giáo dục nhưng hết hạn cho phép hoạt động giáo dục, Sở yêu cầu các đơn vị thực hiện việc gia hạn hoạt động giáo dục theo quy định của Chính phủ.

Tranh cãi đề thi học sinh giỏi là sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua - 5

Một trong những cơ sở của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng tại TPHCM đã trả mặt bằng.

Với các chi nhánh của các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được cấp phép hoạt động, Sở thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT không cấp phép hoạt động chi nhánh trung tâm ngoại ngữ, tin học. Vì vậy, những đơn vị này phải thực hiện việc đăng ký thành lập và hoạt động giáo dục cho chi nhánh theo quy định.

Tất cả các yêu cầu này cần được thực hiện trước thời hạn 1/3/2021. Quá thời hạn, các trung tâm ngoại ngữ chưa thực hiện đăng ký hoạt động giáo dục sẽ bị xử lý theo quy định.

3 học sinh Trường THPT Đông Anh thương vong khi đi trải nghiệm tham quan

Tuần qua, sự cố nghiêm trọng trên đã xảy ra với học sinh khi tham gia hoạt động trải nghiệm ngày 14/1.

Ngay sau  đó, UBND huyện Thanh Thủy đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với khu du lịch Đảo Ngọc Xanh.

Theo đó, trường THPT Đông Anh tổ chức hoạt động tham quan, ngoại khóa giáo dục truyền thống cho 899 học sinh (HS) lớp 10 và 11.

Sau bữa ăn trưa, một nhóm học sinh lớp 11A2 tham gia trò chơi tàu lượn siêu tốc nhưng không may, 2 toa tàu bị văng ra khỏi đường ray.

Tai nạn khiến cho 3 học sinh thương vong. Riêng em L.T.A bị hôn mê sâu và được bác sĩ tại Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy yêu cầu ở lại để cấp cứu nhưng đã tử vong.

Ngày 15/1/2021, đại diện các đoàn thể nhà trường đã đến viếng, chia buồn và tiễn đưa HS L.T.A. về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ngoài thăm hỏi, động viên, các học sinh bị nạn được hỗ trợ chi phí bệnh viện và đang được làm thủ tục chi trả bảo hiểm.

Sự việc đang được các cơ quan chức năng điều tra. Sau vụ 3 học sinh Trường THPT Đông Anh đi trải nghiệm tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh không may bị nạn, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường rà soát công tác tổ chức hoạt động tham quan trải nghiệm; đảm bảo sao cho an toàn, tránh các trò chơi mạo hiểm, tránh trường hợp tương tự.

Tranh cãi đề thi học sinh giỏi là sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua - 6

Tàu lượn siêu tốc tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: Khu du lịch đảo Ngọc Xanh).

ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2021

Tuần qua, ĐH Quốc gia TPHCM đã công bố thông tin mới nhất về kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) sẽ tổ chức trong năm 2021-kỳ thi được sử dụng để xét tuyển vào đại học năm nay.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM cho biết, năm 2021 đại học này sẽ tổ chức 2 đợt thi ĐGNL trước và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT ở 7 địa phương.

Tranh cãi đề thi học sinh giỏi là sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua - 7

Thí sinh dự thi Đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức trong năm 2020.

Theo đó, thí sinh sẽ đăng ký dự thi đợt 1 từ ngày 15/1-5/3. ĐHQG TPHCM sẽ tổ chức thi ĐGNL đợt 1 vào ngày 28/3 tại TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng và 2 điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột. Kết quả thi đợt 1 được dự kiến công bố đúng 1 tuần sau khi thi, tức ngày 5/4.

Ở đợt 2, ĐHQG TPHCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4/5-4/6 và tổ chức thi vào ngày 4/7 tại 4 địa phương TP.HCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 12/7. Thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng sẽ kéo dài trong 1 tháng, từ ngày 4/5-4/6.

Đặc biệt, chỉ tiêu tuyển sinh bằng ĐGNL năm 2021 của các trường thành viên ĐHQG-HCM đều tăng lên. Trong đó, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) với mức chỉ tiêu tối đa 50%, Trường ĐH Bách Khoa TPHCM dành tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức này…