Tranh cãi chuyện phát âm tiếng Anh của người Việt từ clip gây “bão mạng”

(Dân trí) - Sức nóng của clip “Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt” do Dan Hauer - một giáo viên 8X người Mỹ thực hiện dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau 1 tuần lên sóng. Nó kéo theo chuỗi dài các tranh luận về cách người Việt học ngoại ngữ nói chung và phát âm tiếng Anh nói riêng.

Người Mỹ bối rối khi nghe giáo viên Việt dạy phát âm tiếng Anh

Cách đây 1 tuần, Dan Hauer, một thầy giáo dạy tiếng Anh người Mỹ tại Hà Nội đã làm clip dài 15 phút nhận được rất nhiều sự chú ý. Dan mời hai người Mỹ, cụ thể là bố mẹ của anh làm khách mời. Cả ba cùng nhau xem qua những đoạn video của các giáo viên người Việt nói tiếng Anh và thử đoán xem họ đang nói gì. Kết quả, bố mẹ Dan hầu như gặp khó khăn trong việc nghe hiểu chính xác các giáo viên tiếng Anh online người Việt nói gì.

Trước cơn bão bị "bóc mẽ" phát âm sai, một trung tâm dạy tiếng Anh tại Hà Nội - nơi có 2 giáo viên được nhắc đến trong clip sau đó đã “đăng đàn” xin lỗi các học viên. Người sáng lập trung tâm này bật khóc khi nói lời xin lỗi vì đã không hoàn hảo như kỳ vọng của học viên và hứa sẽ hoàn thiện bản thân.

Nói về nội dung video, thầy giáo Mỹ Dan Hauer thông tin: "Nghe - hiểu là một bài kiểm tra công bằng và đơn giản về cách phát âm của một ai đó. Nếu trượt, điều này không có nghĩa họ ngu ngốc mà chỉ đơn giản là đã thất bại trong việc học tiếng Anh. Nhiều người cho rằng mục đích chính của tôi khi làm video này là để kiếm tiền nhưng không phải. Nếu video này của tôi không đáng một đồng, tôi vẫn sẽ làm".

“Giám khảo thẩm định” tiếng Anh là bố mẹ của thầy giáo người Mỹ Dan Hauer - người thực hiện clip.
“Giám khảo thẩm định” tiếng Anh là bố mẹ của thầy giáo người Mỹ Dan Hauer - người thực hiện clip.

Có nhất thiết phải phát âm tiếng Anh chuẩn?

Dù trở thành đề tài tranh cãi rôm rả mấy ngày qua nhưng clip vẫn chưa hạ nhiệt. Ngoài câu chuyện ai đúng - ai sai thì clip đã đã phần nào phản ánh thực trạng phát âm tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay. Nhiều người Việt nói tiếng Anh có vẻ trôi chảy nhưng người nước ngoài nghe lại rất khó hiểu đó là một thực tế. Một câu hỏi đặt ra là người Việt nói riêng và người ngoại quốc nói chung có cần phải nói tiếng Anh chuẩn?

Bạn Linh Ngọc bình luận: “Cô của mình sinh ra, lớn lên và làm việc ở London đã nhận xét là giáo viên Việt Nam dạy tiếng Anh (cả giáo viên Trường Đại học chuyên Ngữ) đều phát âm sai. Người đạt điểm IELTS 9.0 sang nhà cô nói chuyện mà mọi người không hiểu gì cả”.

Một luồng ý kiến lại cho rằng không hẳn lỗi ở trình độ giáo viên mà sai sót về ngữ âm của người Việt xuất phát từ đặc trưng ngôn ngữ và địa lý. Một luồng ý kiến khác bảo vệ quan điểm “Tiếng Anh chỉ là công cụ mà thôi. Vì vậy không cần phải nói giọng chuẩn Anh-Anh Anh-Mỹ”.

Nói về vấn đề này, trao đổi với PV Dân trí, anh Vương Gia Hiếu (tư vấn chiến lược tại công ty PricewaterhouseCoopers - PwC, Anh quốc) nhận xét: “Với hơn 10 năm sinh sống, học tập, và làm việc tại những nước với tiếng Anh là ngôn ngữ quốc gia, mình thấy góc nhìn của mình trên phương diện này không khác 3 người Mỹ trong clip là mấy. Kết quả là mình hiểu được khoảng 50% câu nói của các bạn Việt”.

Anh Hiếu cũng cho rằng, người Việt không nên biện hộ do giọng điệu tiếng mẹ đẻ (accent) đặc trưng nên khó giao tiếp Anh một cách hiệu quả. “Nếu xem “tiếng Anh chỉ là công cụ” thì ít nhất cái đích cuối cùng phải là bạn nói và người quốc tế nghe hiểu. Ngoài giọng điệu ra, trong tiếng Anh còn rất nhiều những yếu tố khác có thể giúp bạn truyền tải thông điệp hiệu quả.

Mình đồng ý với cách nhìn nhận “Tiếng Anh chỉ là công cụ mà thôi”. Bản chất nó là phương tiện để bạn đạt được những mục tiêu lớn lao hơn (ví dụ sinh sống, quan hệ, kinh doanh v.v.) nhưng các bạn giáo viên đấy đã sử dụng công cụ này một cách hiệu quả đâu?!”, Gia Hiếu chia sẻ.

Vương Gia Hiếu - tư vấn chiến lược tại PwC, Anh quốc.
Vương Gia Hiếu - tư vấn chiến lược tại PwC, Anh quốc.

“Nhiều bạn lấy tiếng Anh Ấn Độ, tiếng Anh Singapore, tiếng Anh Úc ra để biện hộ cho Viet-glish và việc không cần thiết phải học theo Anh-Anh, Anh-Mỹ. Mình xin thưa họ nói với giọng điệu khác Anh-Anh, Anh-Mỹ đến mấy thì những yếu tố như ngữ điệu (intonation), kiểm soát trọng âm (stress), độ nhấn trong câu nói (emphasis) và kiểm soát ngắt quãng (pause) của họ vẫn đúng và rõ rệt. Cá nhân mình thấy các bạn nước ngoài đến từ Ấn Độ, Singapore, Úc điển hình vẫn giao tiếp rõ ràng và dễ hiểu hơn các giáo viên Việt được trích dẫn trong video của Dan. Bạn có thể có giọng điệu Viet-glish (Vietnamese accent) - nói thật là nếu không tiếp xúc với môi trường nước ngoài từ bé thì khó mà có thể không có ngữ điệu này - nhưng bạn phải nắm chắc và kiểm soát tốt những yếu tố kia thì mới thành công trong việc giao tiếp bằng tiếng Anh nhé!”, anh Hiếu nêu quan điểm.

Gia Hiếu cho rằng, khi học tiếng Anh chúng ta nên phấn đấu để đạt chuẩn mực: “Ngoài ra, bạn có bao giờ nghe người ta lấy tiếng Anh Ấn Độ hoặc Singlish làm chuẩn mực không? Mình tin khái niệm “chuẩn mực” được hình thành bởi nhiều yếu tố như giọng điệu, lịch sử, độ phổ biến, truyền thông v.v. nhưng không cần luận văn tiến sĩ để giúp chúng ta kết luận giọng tiếng Anh chuẩn mực trên thế giới là giọng Anh-Anh và Anh-Mỹ. Chúng ta nên phấn đấu để đạt được chuẩn mực. Tiếng Anh có câu “Aim for the moon. Even if you miss, you’ll land among the stars” - dịch ra nôm na là ‘Hãy đặt mục tiêu thật xa, dù không đạt được nó thì bản thân quá trình cố gắng của bạn cũng là thành quả xứng đáng”. Một khi cách suy nghĩ và tâm lý (mentality) của bạn chỉ là “làm nửa chừng nửa vời”’ mà bạn chẳng may không đạt được hoặc thất bại hoàn toàn thì bạn sẽ khó có được vị trí cạnh tranh tốt trong xã hội ngày nay. Các bạn mà không có đủ điều kiện để chi trả cho việc học tập ở những trung tâm giảng dạy với giọng Anh-Anh, Anh-Mỹ thì đấy là một chuyện khác. Còn cái cốt lõi của vấn đề là định hướng suy nghĩ của bạn và cách bạn đối diện với việc học tiếng Anh”.

Anh Hiếu nhấn mạnh thêm: “Cá nhân mình đã từng là giáo viên dạy giao tiếp và thuyết trình bằng tiếng Anh và cũng đã, đang, và mãi là học trò của ngôn ngữ này. Mình tin bạn không điều chỉnh suy nghĩ và thái độ đối với việc học tiếng Anh thì kết quả bạn gặt hái cũng chả là bao. Điều này không chỉ áp dụng cho mỗi việc học tiếng Anh, mà còn áp dụng cho việc học tập nói chung, và hơn thế nữa là cho mọi công việc trong cuộc sống”.

“Giáo sư Harvard cũng nói tiếng Anh theo ngữ điệu nơi họ sinh ra”

Anh Trương Phạm Hoài Chung - Thạc sĩ Giáo dục ĐH Harvard (Mỹ) lại cho rằng: Giáo viên phát âm tiếng Anh sai không quá tai hại, vì học sinh có nhiều nguồn để tự học và kiểm tra!

“Quan điểm của mình là phát âm từng từ phải đúng phiên âm trong từ điển để không gây hiểu nhầm. Còn ngữ điệu mình không cần bắt chước y chang người bản địa, mà chỉ cần nói chậm và rõ, trôi chảy và logic”, anh Chung quan điểm.

Thạc sĩ ĐH Harvard Trương Phạm Hoài Chung.
Thạc sĩ ĐH Harvard Trương Phạm Hoài Chung.

Theo thạc sĩ ĐH Harvard, Giáo sư Harvard cũng nói tiếng Anh theo ngữ điệu nơi mình sinh ra! Thực ra giáo sư đại học cũng có nhiều người không phải là người bản xứ, vì họ cũng đã từng là sinh viên cao học sống, học tập và làm việc lâu năm ở nước ngoài. Ngữ điệu họ sẽ đặc sệt nơi họ sinh ra và lớn lên, như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc hay Ấn Độ.

“Nhưng quan trọng là họ phát âm từng từ đều đúng phiên âm, câu cú từ ngữ dùng đúng ngữ cảnh chuyên môn, và kết hợp với khiếu hài hước và sự nhiệt huyết nên họ cũng hấp dẫn không thua kém gì giáo sư bản xứ”, Hoài Chung lưu ý.

Lệ Thu