Trắng đêm vận động học sinh tộc người Đan Lai đến trường

(Dân trí) - Cứ mỗi dịp hè đến thì học sinh ở vùng Con Cuông, Nghệ An nghỉ học khá nhiều. Trong số đó có nhiều học sinh của tộc người Đan Lai cũng nghỉ học khi bắt đầu khai giảng và công tác vận động gần như trắng đêm.

Huyện miền biên giới Con Cuông (Nghệ An) có trên 17.000 hộ với trên 70.000 nhân khẩu thuộc 8 dân tộc Thái, Kinh, tộc người Đan Lai, Tày, Nùng, Hoa, Khơ Mú, Ê Đê.

Riêng tộc người Đan Lai có trên 1.000 hộ với trên 3.000 khẩu sống rải rác ở đầu các con khe ngọn suối ở khu vực Vườn quốc gia Pù Mát, một phần ở xã Thạch Ngàn, Môn Sơn... Do giao thông cách trở, tập quán dựng vợ, gả chồng quá sớm, có người mới 25-26 tuổi đã lên chức bà ngoại, nên việc học hành thường bị lỡ dở.

Theo tiền lệ cứ vào đầu năm học các thầy cô giáo phải lặn lội vào tận từng nhà để vận động các em dân tộc Đan Lai đến trường học. Năm học 2015-2016, đến ngày khai giảng năm học toàn huyện vẫn còn 53/173 em học sinh Đan Lai bậc học Trung học cơ sở (THCS) chưa đến trường nhập học.

Hiện nay, các trường đã bắt đầu tuần học đầu tiên của năm học mới nhưng vẫn còn 30 em học sinh trung học cơ sở chưa đến lớp, trong đó có 25 em ở bản Cò Phát, Cò Nghịu, xã Môn Sơn; 5 em ở Khe Nóng, xã Châu Khê. Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Con Cuông tiếp tục lập các đoàn công tác phối hợp với 2 Đồn biên phòng Môn Sơn và Châu Khê đến tận từng gia đình để tuyên truyền vận động các em học sinh đi học.

Phấn đấu đến tuần học thứ 2 sẽ đưa toàn bộ các em học sinh Đan Lai bậc THCS ở vùng biên giới đến trường học, nhưng xem ra vẫn còn nhiều khó khăn.

Để đảm bảo kế hoạch năm học 2015-2016, nhất là giảm thiểu tình trạng học sinh Đan Lai bậc THCS bỏ học. Bắt đầu từ đầu tháng 8, chính quyền địa phương giao cho các đoàn thể phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường Trung học cơ sở Môn Sơn, Châu Khê, Lục Dạ, Thạch Ngàn... tổ chức nhiều đợt tuyên truyền vận động học sinh đến trường.

Các thầy, cô giáo phải đến tận các nương rẫy để vận động, thuyết phục các gia đình cho các em đến trường kịp học. Thậm chí có những đêm trắng vào tận các bản để gặp gỡ học sinh, gặp gỡ phụ huynh để vận động các em tới trường. Được biết trong số 30 em chưa đến nhập học, khả năng đến lớp rất thấp vì trong dịp nghỉ hè có em đã làm mẹ, làm vợ, có em đã theo anh, theo chị đi làm ăn xa.

Chiều 13/9, trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho biết: "Hiện Trường THCS Môn Sơn chúng tôi có 88 em học sinh là tộc người Đan Lai. Trong đó, có 18 em ở tái định cư, còn 70 em ở trong khe gồm bản Cò Phạt và Khe Búng. Hiện sau 3 lần liên tiếp vào vận động chỉ mới đưa được 55 em ra "nhập học". Tuy nhiên, trong số này các em đã ra học nhưng không bền vững. Hiện vẫn còn 15 em chưa thể ra học và công tác vận động vẫn đang được tiếp tục".

Cũng theo thầy Hào, trong số 15 em này khó có thể trở lại trường vì một số nguyên nhân như ở kỳ nghỉ hè vừa qua các em theo anh chị đi làm năn xa, có nhiều em đã lấy chồng...

“Nắm rõ đặc điểm của địa phương, nhất là học sinh Đan Lai, cứ vào đầu tháng 8, khi học sinh và giáo viên các trường còn nghỉ hè, thì giáo viên trường THCS Môn Sơn đã phải xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kinh phí để vào tận các hộ gia đình vận động con em đến trường. Ban giám hiệu phải lo cơm áo, gạo tiền, phòng ở cho các em, nhiều thầy cô giáo phải viết “cam kết” với các hộ gia đình lo cho các em ăn học đầy đủ, thế nhưng nhiều hộ không muốn cho con em mình ra học tiếp”, thầy Hào chia sẻ thêm.

Hiện tại đã sang tuần học thứ ba nhưng còn 15 em tộc người Đan Lai trên địa bàn toàn huyện Con Cuông chưa đến trường. Và công tác vận động đang được Trường THCS Môn Sơn giao cho thầy Hiệu phó và 3 giáo viên vẫn đang ở trong các bản tiếp tục vận động các em ra học. Còn ở Trường THCS xã Châu Khê, thầy Nguyễn Văn Thanh cùng một số giáo viên đang lội suối trèo đèo vào tận bản Khe Nóng sát biên giới Việt Lào để vận động các em tiếp tục đi học.

Vận động các em ra học tiếp đã khó, giữ các em ở lại yên tâm học lại càng khó hơn. Ngoài chuyện cơm áo gạo tiền, còn phải bồi dưỡng kiến thức cho các em, vì sau 3 tháng hè các em gần như quên luôn cái chữ.

Theo một số thầy cô, cán bộ thì nguyên nhân học sinh Đan Lai không ra học hoặc bỏ học là do phong tục tập quán lạc hậu, xem nhẹ việc học hành, chỉ cần học biết đọc biết viết, còn học lên học nhiều vừa tốn kém, học xong không xin được việc làm, cũng về làm nương, làm rẫy, lấy chồng, sinh con... nên không ít gia đình thiếu mặn mà động viên con em đi học.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Nam - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Môn Sơn cho biết: “Đặc điểm của tộc người Đan Lai, xã Môn Sơn đã có nhiều chính sách như: Vận động nhân dân hai bản Thái Sơn 1 và Thái Sơn 2 giúp đỡ con em Đan Lai ra học như cho ở trọ miễn phí, nấu ăn hộ cho các em. Các thầy cô giáo bớt chi tiêu ủng hộ các cháu.... Hiện tại Đảng ủy phân công các đồng chí trong cấp ủy vào trong bản cùng với thầy cô giáo và cấp ủy, ban quản lý các bản Cò Phạt, Cò Nghịu quyết tâm vận động bằng được các cháu ra học”.

Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết TW8 khóa XI “ Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- Đào tạo”. Thiết nghĩ ngoài việc đổi mới tư duy, cũng cần thay đổi một số cơ chế chính sách đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Ngành giáo dục cần tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng loại hình lớp học riêng tại các bản vùng sâu, vừa để hoàn thành nhiệm vụ phổ cập THCS, vừa giảm thiểu khó khăn cho các thầy cô giáo khỏi mất công vận động...

Một số hình ảnh gian nan cuộc vận động học sinh tộc người Đan Lai tới trường:

Gian nan đường vào tộc người Đan Lai bằng đường sông Giăng.
Gian nan đường vào tộc người Đan Lai bằng đường sông Giăng.

 

Hầu hết các em tộc người Đan Lai thường lấy chồng rất sớm có thể là ở cấp THCS hoặc THPT và sinh con.
Hầu hết các em tộc người Đan Lai thường lấy chồng rất sớm có thể là ở cấp THCS hoặc THPT và sinh con.

 

Vẫn còn đó nhiều khó khăn trong cuộc sống tộc người Đan Lai nên việc cha mẹ cũng không mấy mặn mà cho con đến trường.
Vẫn còn đó nhiều khó khăn trong cuộc sống tộc người Đan Lai nên việc cha mẹ cũng không mấy mặn mà cho con đến trường.

 

Trắng đêm vận động học sinh tộc người Đan Lai đến trường - 4

 

Điểm trường bản Cò Phạt được xây dựng khá khang trang, sạch đẹp ở vùng lõi nhưng để cho các em ở bậc Tiểu học. Còn các em ở bậc THCS thì phải ra khỏi khu vực bản, ra khỏi khe để học.
Điểm trường bản Cò Phạt được xây dựng khá khang trang, sạch đẹp ở vùng lõi nhưng để cho các em ở bậc Tiểu học. Còn các em ở bậc THCS thì phải ra khỏi khu vực bản, ra khỏi khe để học.

 

Trước thực trạng các em ở hệ THCS bỏ học nhiều sau kỳ nghỉ hè, các thầy giáo, cán bộ xã Môn Sơn đùm lương thực để đi vận động học sinh Đan Lai tới trường.
Trước thực trạng các em ở hệ THCS bỏ học nhiều sau kỳ nghỉ hè, các thầy giáo, cán bộ xã Môn Sơn đùm lương thực để đi vận động học sinh Đan Lai tới trường.

 

Giáo viên cùng cán bộ lội bộ đi vận động học sinh.
Giáo viên cùng cán bộ lội bộ đi vận động học sinh.

 

Giáo viên gặp gỡ các học sinh cả ban đêm.
Giáo viên gặp gỡ các học sinh cả ban đêm.

 

Một buổi họp với ban quản lý bản về vấn đề vận động tầm quan trọng của các em học sinh đến trường.
Một buổi họp với ban quản lý bản về vấn đề vận động tầm quan trọng của các em học sinh đến trường.

 

Công tác dân vận của các thầy và cán bộ thuyết phục các em sau những tháng nghỉ hè.
Công tác dân vận của các thầy và cán bộ thuyết phục các em sau những tháng nghỉ hè.

 

Sau những buổi vận động, các em học sinh và phụ huynh đã nhất trí để các em đi học.
Sau những buổi vận động, các em học sinh và phụ huynh đã nhất trí để các em đi học.

 

Một số học sinh tộc người Đan Lai được ở trường nội trú chụp ảnh cùng các thầy cô.
Một số học sinh tộc người Đan Lai được ở trường nội trú chụp ảnh cùng các thầy cô.

 

Sau mỗi buổi học các em còn phải đi kiếm nước về cho gia đình.
Sau mỗi buổi học các em còn phải đi kiếm nước về cho gia đình.

 

Các em học sinh, mầm non đang xem tivi trong một hộ gia đình giàu có ở bản.
Các em học sinh, mầm non đang xem tivi trong một hộ gia đình "giàu" có ở bản.

 

Cô giáo Đặng Thị Thanh Nhàn kèm học sinh mới đến học.
Cô giáo Đặng Thị Thanh Nhàn kèm học sinh mới đến học.

 

Những thầy cô cắm bản, thường sau mỗi giờ lên lớp còn dùng thêm lưới để đánh bắt cá ở khu vực sông Giăng kiếm thêm con cá để cải thiện bữa ăn.
Những thầy cô cắm bản, thường sau mỗi giờ lên lớp còn dùng thêm lưới để đánh bắt cá ở khu vực sông Giăng kiếm thêm con cá để cải thiện bữa ăn.

 

Những con cá nhỏ dính lưới sau những giờ thả lưới.
Những con cá nhỏ dính lưới sau những giờ thả lưới.

 

Nguyễn Duy - Phùng Mùi