Trang bị kỹ năng nghề nghiệp số cho 100.000 nhà quản lý và giáo viên

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Nhà quản lý giáo dục và giáo viên sẽ được tập huấn về kỹ năng để sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số.

Ngày 28/3, Chương trình tập huấn "Trang bị kỹ năng dạy học hiệu quả trong kỷ nguyên số" được ký kết. Chương trình do Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý Giáo dục phối hợp ký kết với đối tác để đào tạo cho 100.000 nhà quản lý, giáo viên ở nhiều trường phổ thông công lập, tư thục từ nay đến hết năm học 2024 -2025.

Ở chương trình tập huấn, các cán bộ quản lý và giáo viên được bồi dưỡng và nâng cao các kỹ năng để sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số, được huấn luyện để áp dụng thành thạo các kĩ năng đã trang bị vào quá trình dạy học, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường, góp phần đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên phổ thông.

Trang bị kỹ năng nghề nghiệp số cho 100.000 nhà quản lý và giáo viên - 1

Lễ ký kết Chương trình tập huấn "Trang bị kỹ năng dạy học hiệu quả trong kỷ nguyên số" (Ảnh: M. H).

Cũng từ chương trình này, các cán bộ quản lý và giáo viên sẽ được tiếp cận với hệ thống kho học liệu số phong phú, hệ thống kiểm tra đánh giá và quản trị đào tạo tiên tiến, từ đó áp dụng và nâng cao hiệu quả quản lý và dạy học tại các nhà trường.

Chương trình đảm bảo trang bị cho các nhà quản lý, giáo viên các kỹ năng cần thiết để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách trước mắt trong tình hình hiện nay, đồng thời đáp ứng được các mục tiêu lâu dài của ngành giáo dục nhằm thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.

Được biết, đây là chương trình tiên phong trong việc trang bị kĩ năng nghề nghiệp số cho các nhà quản lý và giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành giáo dục, hướng đến việc hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" và Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kĩ năng và phát triển nguồn nhân lực Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Với sự tham gia của 100.000 nhà quản lý và giáo viên ở nhiều trường công lập và tư thục trên toàn quốc, đây là chương trình tập huấn xã hội hóa đầu tiên được triển khai trên quy mô lớn trong ngành giáo dục.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, chuyển đổi số trong giáo dục thực hiện yêu cầu chuyển đổi mô hình nhà trường để giáo dục nhà trường theo kịp những thay đổi mới nhất của kỉ nguyên tin học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đào tạo công dân cho thời đại mới.

Ngày nay, trường học thông minh là một ẩn dụ ám chỉ trường học vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng tiến bộ công nghệ kĩ thuật số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong đào tạo thế hệ trẻ hướng tới tự vận hành.

Trang bị kỹ năng nghề nghiệp số cho 100.000 nhà quản lý và giáo viên - 2

Chuyển đổi số trong giáo dục không hề dễ và cần hài hòa nhiều yếu tố (Ảnh: M. Hà).

Các trường học của chúng ta rất dễ tiếp cận với công nghệ, các thiết bị thông minh trong dạy và học nhưng chúng ta vẫn có nhiều lầm tưởng về quá trình này.

Chúng ta mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, mua sắm trang thiết bị, … nhưng đội ngũ của chúng ta chưa được nâng cao thực sự về nhận thức và kĩ năng dạy học, các ứng dụng rất nhỏ chứ chưa nói đến đáp ứng được mục tiêu giáo dục.

Chúng ta kì vọng quá nhiều vào phần mềm mà quên mất con người luôn là chủ thể mang tính quyết định cho sự tồn tại và hiệu quả của mỗi mô hình. Chính vì vậy, chuyển đổi số trong trường học không hề dễ.

Để có một "bản sao số trong trường học", chúng ta cần hài hòa giữa các yếu tố: Con Người + Quy trình thực hiện + Công nghệ; Tầm nhìn vì con người; Đội ngũ giáo viên và học sinh; Vận hành: Sáng tạo, thích ứng nhanh.