Bạn đọc viết:

Trăn trở của một giáo viên về nghề giáo

(Dân trí) - Mười sáu năm đứng trên bục giảng với biết bao niềm vui và nỗi buồn của nghề “gõ đầu trẻ”. Thế nhưng đến giờ tôi không khỏi băn khoăn vì những bất cập trong giáo dục hiện nay.

Trước đây, tôi thật sự yêu thích nghề này. Cái nghề nghèo nhưng chất chứa niềm vui. Nhớ những ngày mới đi dạy mới hạnh phúc làm sao. Cả cô và trò đều vô cùng tình cảm. Học trò thời chưa có Internet rất dễ thương. Các em luôn coi thầy cô như cha mẹ anh chị em của mình. Nhất là những lớp mình chủ nhiệm. Chúng thường tâm sự cùng thầy cô những vui buồn trong cuộc sống. Ngày hè chúng còn viết thư nhờ cô tháo gỡ nhưng suy nghĩ vẩn vơ trong lòng. Thân với các em là vậy nhưng khi các em mắc lỗi vẫn bắt phạt các em như tưới cây, trực cầu thang hay giặt đồ lau bảng, thậm chí là đét vài cái vào mông...

Còn bây giờ hả. Học trò thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn. Đó là một điều chắc chắn. Các em dạn dĩ hơn học trò ngày xưa rất nhiều. Gia đình nhà trường đều quan tâm đến các em từ vật chất đến tinh thần. Gia đình ít con, điều kiện kinh tế khá hơn. Ngoài ra các em còn được xã hội quan tâm vô cùng. Bên cạnh đó công tác phổ cập cũng khiến cho học sinh bây giờ thêm hư. Nhiều em còn biết rằng nếu mình mà nghỉ học thế nào thầy cô cũng đến vận động. Phải chăng các em biết được lợi thế của mình nên ngày càng đòi hỏi? Thầy cô nếu có phạt chút xíu thì về mách ba mẹ ngay. Một số phụ huynh thương con nên đến trường làm ầm lên. Họ chẳng bao giờ tìm hiểu xem vì sao con mình bị phạt và phạt ra sao?

Là một giáo viên, tôi không có ý bênh vực đồng nghiệp mình khi thầy cô đánh học trò vào đầu hay bắt các em liếm ghế, dùng những lới nói xúc phạm... Đó là cách giáo dục phản khoa học. Những hình phạt đó sẽ khiến các em bị tổn thương. Nhưng tôi nghĩ rằng học trò ở bất kì thời đại nào vẫn cần phải có những hình phạt. Chỉ có điều phạt như thế nào và phạt ra làm sao là điều quan trọng nhất.

Chẳng hạn nội quy trường học quy định "Các em không được nói tục, chửi thề, không nhuộm tóc, không mang điện thoại vào lớp học, không được vô lễ với giáo viên và nhân viên trong nhà trường...", nhưng các em cứ vi phạm thì ngoài nói để các em hiểu ra, giáo viên vẫn cần phải phạt các em. Ví dụ: khi các em mang điện thoại vào lớp sử dụng thì giáo viên có thể thu và mời cha mẹ đến viết cam kết. Các em nói tục chửi thề cần chép phạt hoặc trực nhật. Người ta nói rằng trẻ em giống như những cây non, muốn uốn nắn phải làm từ nhỏ chứ để lúc lớn uốn nó sẽ gãy.

Rất nhiều trường bây giờ quy định không cho giáo viên đánh học sinh, không được xúc phạm các em (điều này tôi đồng ý). Nhưng ở một số trường yêu cầu giáo viên không được gõ bàn, không được phạt các em bất kì hình thức nào. Liệu điều này chúng ta thấy có ổn. Thầy cô không bao giờ la rầy thì những học sinh "cá biệt" làm sao dạy nổi?

Hiện nay có nhiều thầy cô chỉ vì không làm chủ được mình mà đánh các em rồi kéo theo bao hệ lụy như bị kỉ luật, bị buộc thôi việc, xã hội không ngừng lên án. Những tấm gương như thế khiến rất nhiều giáo viên có chung tâm lí ngại đụng chạm, kệ học trò, con người ta chứ con mình đâu mà lo. Lên lớp giáo viên cứ giảng bài, em nào không nghe được thì thôi. Riêng giáo viên chủ nhiệm thì tỏ ra sợ hãi nếu bị phân công làm công tác chủ nhiệm. Người ta bảo sao bây giờ đã đổi ngôi giáo viên sợ học sinh chứ không phải học sinh sợ giáo viên.

Có một điều chẳng bao giờ thay đổi là chúng ta đã chọn nghề, tức là ta có duyên với nghề. Vì vậy chúng ta hãy làm việc đúng với lương tâm trách nhiệm của mình, yêu thương các em bằng lòng nhân hậu vị tha. Sản phẩm của nghề giáo không được phép mắc lỗi. Dạy một con người đâu đơn giản. Các em là những tờ giấy trắng. Chúng ta vẽ gì lên đó để các em thành những con ngoan trò giỏi rồi sau này là những công dân có ích cho đất nước? Nhiều thầy cô bây giờ có tư tưởng an phận. Họ sợ xảy ra chuyện gì thì mất cái “cần câu cơm” của cả nhà. Tâm lí của giáo viên như vậy thì sao giáo dục được các em đây?

Trần Thị Loát

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!