TPHCM: Phải chuẩn bị cho các tình huống khi học sinh đi học lại

Hoài Nam

(Dân trí) - Vấn đề này được lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh tại buổi họp giao ban công tác triển khai các hoạt động liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sáng 11/2.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng GD-ĐT quận Gò Vấp bày tỏ tình dịch hình dịch bệnh tại thành phố đã có những thay đổi, nhiều tuần liên tục là vùng xanh. 

Vậy nên chăng, xem xét có cần phòng học dự trữ trong trường học hay không? Có cần thực hiện quy trình di chuyển một chiều trong trường học không? Trong một lớp học nếu có học sinh là F0 thì tất cả học sinh trong lớp là F1 đều phải nghỉ học hay là chỉ những em tiếp xúc gần với em này nghỉ học thôi?

TPHCM: Phải chuẩn bị cho các tình huống khi học sinh đi học lại - 1

Nhiều trường học TPHCM gặp khó khăn thực hiện công tác phòng chống dịch (Ảnh: HL).

Từ kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, ông Thanh cho biết, khi tất cả học sinh đã đi học lại, các trường rất khó để bố trí phòng dự trữ cho tình huống có F0, rồi việc tổ chức di chuyển một chiều trong trường học cũng không dễ thực hiện.

Người này kiến nghị: "Đã đến lúc cần có những phương án mới, cơ chế thoáng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hoạt động cũng như việc đi học lại của học sinh". 

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay các trường tiểu học đã đón học sinh đến trường để các em làm quen trước khi học chính thức, các trường mở bán trú vào ngày 14/2 tới.

Trong khi chờ hướng dẫn mới nhất từ phía ngành y tế, việc dạy và học trực tiếp vẫn tiến hành theo các quy định trước đây, các trường vẫn phải căn cứ vào Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học mà thành phố đã ban hành.

Về quy trình xử lý khi có F0 hiện nay là phải tiến hành khử khuẩn phòng đó, đưa học sinh sang phòng dự phòng hoặc chuyển sang dạy học trực tiếp ở phòng này. Các trường dù khó khăn nhưng bắt buộc chuẩn bị đầy đủ các bước, phải có phòng dự phòng để sẵn sàng, chủ động cho cả tình huống xấu có thể xảy ra đảm bảo an toàn của học sinh được đặt lên hàng đầu. 

Đại diện Sở GD-ĐT cũng thông tin, ngành giáo dục thành phố sẽ làm việc nhanh với Sở Y tế để có những hướng dẫn, phương án kịp thời hơn với điều kiện mới. Đồng thời, cũng chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi cho học sinh. 

Ông Dương Trí Dũng, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, qua báo cáo và kiểm tra thực tế cho thấy sự đồng thuận trong việc cho học sinh đi học lại rất cao. Đây là cơ sở thuận lợi để các trường triển khai các hoạt động giáo dục trực tiếp, tránh những hệ lụy từ việc học online kéo dài. 

Việc chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch là việc phải làm nhưng cần linh hoạt. Các trường có thể tận dụng hội trường, phòng chức năng để làm phòng dự phòng, ứng phó khi có F0. 

Công tác đón học sinh quay trở lại cần chia nhỏ nhóm để thuận lợi trong việc xác định các F, xử lý các tình huống nhanh nhất, đảm bảo an toàn và ít ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng khác. 

"Các trường cần xây dựng các phương án giả định, diễn tập phù hợp dựa trên tình huống cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Diễn tập càng nhiều, càng kỹ thì khi các tình huống xảy ra chúng ta sẽ càng chủ động, xử lý nhanh chóng", ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh. 

Đặc biệt, ở lứa tuổi mầm non, tiểu học các em còn khó khăn trong việc bày tỏ các vấn đề của mình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT lưu ý các trường, giáo viên chú ý phối hợp với phụ huynh để có sự hỗ trợ hiệu quả, kịp thời. 

Đối với thắc mắc của nhiều cơ sở về sử dụng kit test, ông Dương Trí Dũng thông tin, việc kit test xét nghiệm cho trường học, ngành y tế sẽ cung cấp theo chỉ đạo của UBND thành phố. 

Theo kế hoạch của TPHCM, trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 sẽ chính thức quay lại trường từ ngày 14/2 tới. Đối với trường hợp bố mẹ học sinh chưa đồng thuận cho học sinh đến trường học trực tiếp, học sinh tiếp tục học trên môi trường internet , trên truyền hình, giao bài tự học theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TPHCM.