TPHCM: Nhiều trường “quên” nộp tiền về kho bạc, ngân sách hàng tỷ đồng

(Dân trí) - Nhiều khoản tiền như học phí, thanh lý tài sản chưa được nộp về kho bạc, nhận kinh phí ngân sách dư... - việc này xảy ra tại một số trường học trực thuộc Sở GD-ĐT TPHCM.

Nội dung này được đề cập tại thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Sở GD-ĐT TPHCM thời kỳ năm 2017 và từ tháng 1/2018 đến nay. 

Về cấp kinh phí, ngân sách cho các đơn vị trực thuộc, Sở GD-ĐT TPHCM thực hiện phân bổ lại dự toán kinh phí hoạt động cho các đơn vị trực thuộc sở theo các tiêu chí, định mức khác nhau, về mức phân bổ dự toán chưa phù hợp theo định mức phân bổ chi ngân sách lĩnh vực giáo dục theo quy định.

TPHCM: Nhiều trường “quên” nộp tiền về kho bạc, ngân sách hàng tỷ đồng - 1

Thời điểm thanh tra, Trường THPT Marie Curie không nộp đầy đủ tiền học phí vào kho bạc nhà nước 

Phòng Kế hoạch Tài chính của Sở không kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ về số lượng học sinh, dẫn đến có sai sót trong việc cấp kinh phí cao hơn so với số lượng học sinh bình quân thực tế tại 6 trường được thanh tra với tổng số tiền là trên 563 triệu đồng đồng.

Hiệu trưởng 6 trường được thanh tra không báo cáo tình hình giảm số học sinh và giảm số người làm việc thực tế tại đơn vị dẫn đến việc Sở cấp kinh phí hoạt động cao hơn thực tế. 

Sở cấp kinh phí 2017 cho trường THPT Nguyễn Thị Minh khai cao hơn thực tế với số tiền là gần 459 triệu đồng, do không điều chỉnh, cách giảm kinh phí theo số lượng cán bộ, viên chức, người lao động thực tế.

Về quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí hoạt động, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu báo cáo trích nguồn kinh phí cải cách tiền lương năm 2017 với tổng số tiền gần 470 triệu đồng là không phù hợp với số tiền con gửi tại kho bạc nhà nước và ngân hàng, không công khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Trường THPT Marie Curie không nộp đầy đủ tiền học phí vào kho bạc nhà nước, còn để tồn quỹ tiền mặt nhiều vào cuối mỗi tháng gần 3 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng quy định.

Trường THPT Lê Hồng Phong bán thanh lý tài sản không cần dùng số tiền 25.500.000 đồng, nhưng chưa nộp vào ngân sách nhà nước là không đúng quy định của thành phố về chuyển giao tài sản nhà nước quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.  

Trường thanh toán cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thuê xe đưa rước học sinh, cung cấp suất ăn cho học sinh, dạy các môn toán khoa học bằng tiếng Anh với tổng số tiền 822.920.000 đồng nhưng không có hóa đơn của các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng thực hiện không đúng về quản lý, sử dụng nhà, đất và trụ sở làm việc

Trường ký các hợp đồng cho thuê phòng học, nhà thi đấu thể dục thể thao, sân bóng đá là không đúng quy định. Số tiền thu được sau khi trừ các khoản chi nộp thuế và trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp còn lại là trên 3 tỷ đồng. 

Trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng trường THPT chuyên lê Hồng Phong thời kỳ có liên quan.

Lê Đăng Đạt