TPHCM: Hàng trăm sinh viên bị đuổi vì học kém

(Dân trí) - Nhiều trường đại học ở TPHCM vừa công bố quyết định buộc thôi học đối với những sinh viên có kết quả học tập yếu kém sau 3 học kỳ. Số sinh viên bị đuổi học ở mỗi trường lên đến hàng trăm, thậm chí chiếm gần 10% trên tổng số sinh viên mỗi khoá.

TPHCM: Hàng trăm sinh viên bị đuổi vì học kém - 1

Hàng trăm sinh viên bị thôi học giữa chừng vì học kém, bỏ dỡ ước mơ tốt nghiệp đại học (ảnh minh hoạ)

Phân hiệu Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TP.HCM cảnh báo học vụ và buộc thôi học hàng trăm sinh viên (SV) các khoá. Riêng khoá 58 (trúng tuyển vào trường năm 2017) thuộc diện lần đầu tiên xét buộc thôi học sau 3 học kỳ. Theo đó, khoá 58 có 1.326 SV nhưng có đến 115 SV bị buộc thôi học, chiếm gần 10% tổng số SV của khoá. Bên cạnh đó, 221 SV bị cảnh báo học vụ. Các khoá trước cũng trong tình trạng tương tự khi xét buộc thôi học lần đầu tiên khi SV trải qua 3 học kỳ.
 
Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng vừa có quyết định buộc thôi học 497 SV từ học kỳ 2 năm học 2018-2019. Rất nhiều SV bị buộc thôi học đợt này thuộc khoá 2017 do bị cảnh báo 3 lần liên tiếp. Đồng thời, nhiều SV bỏ học, hết hạn đào tạo tối đa của một khoá học.
 
Mới đây, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng cũng đã cảnh báo học vụ đối với 228 SV hệ đại học chính quy do có kết quả học tập yếu, kém trong học kỳ 1 năm học 2018-2019. Đáng chú ý, số SV bị cảnh cáo mức 3 chiếm đến 134 người, cảnh cáo mức 1 là 55 người và mức 2 là 41 SV.
 
Theo TS Võ Trường Sơn, phó giám đốc phân hiệu trường ĐH Giao thông Vận tải tại TP.HCM, đây là tình trạng chung của trường trong nhiều năm qua. Một bộ phận SV trúng tuyển nhưng không tập trung học tập. Không ít SV trúng tuyển dạng "xí chỗ", sau một năm đã thi lại và trúng tuyển vào trường khác nên bỏ học. 
 
Tương tự, Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng việc SV học yếu kém là do có tình trạng các em "chọn đại" một trường để học mà chưa đủ khả năng lẫn kỹ năng trong việc hiểu bản thân và chọn ngành nghề phù hợp. Nhiều em khi vào học thấy không yêu thích và không có khả năng theo đuổi dẫn đến chán nản, buông xuôi hoặc chờ năm sau thi lại. Theo ông Quán, điều đó dẫn đến lãng phí cả thời gian và tiền bạc của chính SV.
 
Lan Phương