TPHCM: Đến năm 2030, ít nhất 20% trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh - Việt

(Dân trí) - Mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 20% số trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh - Việt trong các hoạt động giáo dục, đặc biệt là các hoạt động tập thể, ngoại khoá và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ về vấn đề hợp tác quốc tế của ngành giáo dục đào tạo TPHCM tại hội nghị “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM” do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức chiều nay 29/11.

Hội thảo góp ý chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM thu hút hơn 80 chuyên gia trí thức doanh nhân kiều bào và nhà khoa học tham dự
Hội thảo góp ý chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM thu hút hơn 80 chuyên gia trí thức doanh nhân kiều bào và nhà khoa học tham dự

Theo ông Lê Hoài Nam, TPHCM luôn tiên phong trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2030, hệ thống giáo dục - đào tạo thành phố được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới nhưng vẫn giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.

Mục tiêu phát triển mà ngành giáo dục TPHCM đặt ra đối với học sinh là có nền tảng tiếng Anh, Tin học đạt chuẩn quốc tế để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT.

“Đến năm 2030 có ít nhất 20% số trường trung học phổ thông giao tiếp bằng song ngữ Anh - Việt trong các hoạt động giáo dục, đặc biệt là các hoạt động tập thể, ngoại khoá và hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Khuyến khích các ngoại ngữ thông dụng khác trong hệ thống giáo dục của thành phố”, ông Nam cho biết.

Ngoài ra, mỗi học sinh đam mê ít nhất một môn thể thao; có kiến thức cơ bản về âm nhạc, mỹ thuật, có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống, được phát triển năng lực theo hướng gắn với thực tiễn nghề nghiệp. Học sinh TPHCM có chiều cao và thể lực trong tốp đầu của cả nước, đạt và vượt mức chiều cao trung bình ở mức khá của các nước Đông Nam Á.


Các chuyên gia trí thức đóng góp ý kiến để TPHCM phát triển chất lượng giáo dục.

Các chuyên gia trí thức đóng góp ý kiến để TPHCM phát triển chất lượng giáo dục.

Học sinh sẽ từng bước được học tập và hoạt động cả ngày trong trường; có thể học mọi lúc mọi nơi thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và hệ thống đào tạo E-learning,…

Đồng thời, học sinh thành phố sẽ được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới nhằm đảm bảo phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM chia sẻ hội nghị này là dịp bàn về các vấn đề đẩy mạnh thực hiện chuẩn hoá công tác đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn TPHCM: có ít nhất 60 ngành đào tạo tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế, trong đó chuẩn kiểm định khu vực ASEAN là ưu tiên (tập trung 4 ngành công nghiệp trọng yếu, nhóm các ngành công nghiệp phụ trợ và 9 ngành dịch vụ chủ yếu).

Góp ý định hướng giải quyết vấn đề sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ có việc làm phù hợp với ngành nghề. Trong đó đặt biệt chú trọng đến vấn đến đào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp tại các trường có kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng mềm tốt (ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm…) đáp ứng yêu cầu công việc của các ngành trọng điểm; các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước;đặc biệt nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường lao động khu vực ASEAN. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề liên quan đến giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.

Được biết, hội nghị này có hơn 80 đại biểu đến từ các sở ngành liên quan, đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ và các chuyên gia trí thức doanh nhân kiều bào.

Lê Phương