TPHCM: Dân số không ngừng tăng, các trường khó giữ được chuẩn

(Dân trí) - “Thành phố đang gặp khó ở chỗ các trường cố gắng giữ được chuẩn quốc gia, để sĩ số không vượt chuẩn cũng như đảm bảo bố trí học 2 buổi/ngày. Năm nay, một số quận phải chấp nhận sĩ số 45 – 50 học sinh/lớp, cũng như giảm lớp 2 buổi/ngày xuống. Đây cũng là một bài toán khó của thành phố”

Đó là chia sẻ của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM với Đoàn công tác Trung ương trong buổi Khảo sát kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại TPHCM.

Nghịch lý trường ngoại thành dễ đạt chuẩn, nội thành khó đạt

Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết “hiện nay, với câu hỏi chuyện một trường có phải là tốp đầu hay không, việc phân loại đánh giá như thế nào thì thực tế trong quản lý chuyên môn không có chuyện xếp hạng, phân loại trường. Thay vào đó thành phố đã cố gắng rút ngắn khoảng cách chất lượng, kể cả giữa nội thành với ngoại thành, để làm sao những điều kiện cơ bản nhất về đội ngũ. Tuy nhiên trong phụ huynh thường đưa ra những đánh giá những trường về chuyện có học 2 buổi/ngày, cơ sở vật chất, sĩ số trên lớp có đảm bảo không”.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn chia sẻ với Đoàn công tác Trung ương
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn chia sẻ với Đoàn công tác Trung ương

Theo ông Sơn, thành phố đang gặp khó ở chỗ các trường cố gắng giữ được chuẩn quốc gia, để sĩ số không vượt chuẩn cũng như đảm bảo bố trí học 2 buổi/ngày. Những trường nào theo mô hình tiên tiến thì sẽ giữ được nhưng còn lại đều bị áp lực. Vừa rồi Sở có làm việc với một số quận như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân thì những quận này số học sinh tăng lên rất nhiều, nhất là ở bậc tiểu học. Do đó, để đảm bảo chỗ học cho học sinh cũng là một vấn đề rất khó. Thành phố chủ trương dứt khoát không để học sinh nào dù có hay không có hộ khẩu không có chỗ học. Một số quận phải chấp nhận sĩ số 45 – 50 học sinh/lớp, cũng như giảm lớp 2 buổi/ngày xuống. Đây cũng là một bài toán khó của thành phố.

Bên cạnh đó, hiện nay thành phố chọn được 36 trường ở các cấp học để thực hiện mô hình tiên tiến. Ở cấp THPT có 3 trường giữ vững được nhưng ở các cấp mầm non, tiểu học và THCS lại đang gặp khó. Nhiều quận có áp lực dân số cũng lo ngại nếu giữ theo mô hình trường tiên tiến thì không đáp ứng được chỉ tiêu chỗ học cho dân ở địa bàn phường. Do đó, con số 36 trường tiên tiến thực tế thành phố chưa đạt được.

Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết số trường chuẩn quốc gia hay trường đạt chuẩn kiểm định của TPHCM cũng đều thấp. Theo ông Sơn, nếu căn cứ vào đội ngũ, trang thiết bị, chất lượng giáo dục TPHCM đều có thể đạt được nhưng nếu căn cứ theo điều kiện tiêu chuẩn (quy định số lớp/trường, số m2/học sinh ở các trường) thì thành phố sẽ không bao giờ đạt được, nhất là ở các trường nội thành. Do đó, thành phố cũng tiến hành kiểm định công nhận các trường đạt chuẩn nhưng đa phần là ở ngoại thành.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TPHCM cũng rằng cho dân số không ngừng tăng nên quy mô giáo dục tăng hàng năm rất lớn
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TPHCM cũng rằng cho dân số không ngừng tăng nên quy mô giáo dục tăng hàng năm rất lớn

Ông Nguyễn Thiện Nhân Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh một đặc thù của Thành phố là dân số không ngừng tăng nên quy mô giáo dục tăng hàng năm rất lớn. Năm năm gần đây, dân số tăng bình quân 1 triệu người, vì vậy toàn bộ hệ thống trường lớp cũng phải đi kèm để hỗ trợ lực lượng này. Cũng trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm Thành phố xây thêm 55 trường học, trong đó số trường công lập là 13 trường. Trong đó, mỗi năm tăng thêm hơn 1.300 phòng học, công lập phải gánh là 927 phòng học, chiếm đến 67%. Bình quân Thành phố mỗi năm tăng 47.000 học sinh, các trường công lập gánh tỷ lệ 69%. Do trường lớp ít nên Hiện nay, ở bậc tiểu học là 44 học sinh/lớp, nhưng học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học đạt được 72%.

Về chuẩn nhà trường, ông Nhân cho rằng nên chăng xem lại tiêu chí về đất đai, diện tích. Bởi tất cả chỉ là công cụ trong khi đó chất lượng học sinh mới là tiêu chí quan trọng nhất.

Xây dựng TPHCM thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao

Sau khi lắng nghe báo cáo và các ý kiến của lãnh đạo Thành phố, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Thành phố đã xác định tầm nhìn và quyết tâm cao, đó là xây dựng TPHCM thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Làm sao để Thành phố không chỉ là nơi để cho con em ở các vùng miền trên cả nước về học, mà ngay cả sinh viên quốc tế của các nước trong khu vực, trên thế giới cũng có thể đến Thành phố để học.


Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá cao nỗ lực phát triển giáo dục của TPHCM

Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá cao nỗ lực phát triển giáo dục của TPHCM

“Thành phố tuy chịu áp lực về tăng dân số cơ học rất lớn, số lượng người học hàng năm tăng lên rất nhanh, nhưng Thành phố đã có những giải pháp và chính sách rất thiết thực để gia tăng nguồn lực đầu tư từ nguồn lực của Nhà nước cũng như là kêu gọi sự hỗ trợ, tham gia của các nguồn lực xã hội khác trong việc phát triển hệ thống trường lớp. Nhưng cái chính vẫn là Thành phố phải gánh”, ông Võ Văn Thưởng chia sẻ.

Trưởng ban tuyên giáo Trung ương cũng đánh giá, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, các chỉ tiêu về phát triển giáo dục của TPHCM luôn ở mức cao và là một trong số ít địa phương đứng đầu cả nước. Thành phố cũng chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá các bậc học.

Thành phố cần coi trọng giáo dục tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, phẩm chất công dân, lý tưởng cách mạng với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn hiệu quả thu hút học sinh tham gia tương đối đông, được phụ huynh và xã hội đồng tình ủng hộ.

Ông Thưởng nhấn mạnh, TPHCM cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Nghị quyết 29. Đồng thời, mạnh dạn thí điểm theo thẩm quyền của thành phố đối với những vấn đề mới trong lĩnh vực này.

Lê Phương