Tốt nghiệp đại học mổ lợn ăn mừng, tốt nghiệp trường nghề thì lặng lẽ…

Quang Trường

(Dân trí) - "Tôi rất nhớ câu nói của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Một cháu tốt nghiệp đại học thì mổ lợn ăn mừng, còn tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp thì lặng lẽ".

Đó là ý kiến của ông Phạm Văn Sơn - Chuyên viên cao cấp Văn phòng Chính phủ trong Hội nghị trực tuyến bàn về phát triển không gian truyền thông Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), hướng tới hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra chiều 30/6.

Tốt nghiệp đại học mổ lợn ăn mừng, tốt nghiệp trường nghề thì lặng lẽ… - 1
Hội nghị được tổ chức trực tuyến.

Ông Sơn nêu ý kiến: "Tôi rất nhớ câu nói của anh Dũng (ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp): "Một cháu tốt nghiệp đại học thì mổ lợn ăn mừng, còn tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp thì lặng lẽ. Trong khi đó, lao động có kĩ năng, trình độ nghề rất cần thiết cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Nhắc đến hình ảnh trên, ông Sơn cho rằng, một phần là do giáo dục nghề chưa được truyền thông tương xứng với vai trò và vị thế.

"Tôi cũng đề nghị các cơ sở GDNN, mỗi địa phương, mỗi ngành nâng cao tính chủ động. Chúng ta tự mình rà soát xem cái gì còn hạn chế? Cái gì cần có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói chung và truyền thông GDNN nói riêng"?, ông Sơn chia sẻ.

Giáo dục nghề nghiệp không phải là lựa chọn cuối cùng

Để làm rõ tầm quan trọng của truyền thông GDNN, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp dẫn chứng về đất nước Singapore.

"Việc xây dựng chiến lược truyền thông GDNN không chỉ riêng Việt Nam chúng ta, mà các nước khác cũng đã làm rất tốt.

Nhiều nơi nói GDNN là lựa chọn số 2, nhưng phổ biến vẫn nói là lựa chọn cuối cùng. Nhưng một số quốc gia đã đảo ngược lại câu chuyện này.

Như Singapore là một ví dụ điển hình, rất gần chúng ta. Họ giành độc lập sau chúng ta, nhưng trong thời gian rất ngắn họ phát triển hệ thống GDNN đẳng cấp thế giới. Thứ giúp cho quốc gia tiến bộ nhanh chóng, trở thành hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp.

Chính họ ban đầu họ cũng gặp nhiều trở ngại, vì xã hội vẫn thích đại học. Nhưng đến nay câu chuyện lại khác, chỉ có 25% vào đại học, 65% vào GDNN.

Bắt đầu họ cũng phải có chiến lược truyền thông. Họ khảo sát đối tượng, thăm dò cách xã hội nhìn nhận về GDNN, tập trung chính vào người học, trong các nhà trường, doanh nghiệp, đối tượng sử dụng lao động, xã hội.

Sau đó họ xây dựng chiến lược, theo các giai đoạn: Khẳng định vị thế, vai trò của lao động có kĩ năng nghề đóng góp vào phát triển kinh tế, làm nhiều năm liên tục, không phải nay làm mai có ngay.

Họ cải thiện năng lực, thương hiệu của hệ thống GDNN. Vì không thể không có gì mà nói là có, các trường chất lượng kém mà bảo tốt lắm. Người ta tiếp cận với hình ảnh, đánh giá từ chính doanh nghiệp, thị trường lao động là khách quan nhất.

Những chiến dịch của họ đi đến một kết quả rất tốt, GDNN ở Singapore không phải lựa chọn thứ 2 nữa, không phải những em học sinh kém mới vào GDNN mà họ thực sự có hệ thống GDNN đổi mới sáng tạo, rất nhiều học sinh xuất sắc tham gia vào.

Hệ thống GDNN của Singapore là một trong những hệ thống thành công nhất thế giới. Chúng ta có thể nghiên cứu học tập. Mà truyền thông họ cũng phải bắt đầu bằng những pano, áp phích, khẩu hiệu trên các phương tiện công cộng.

Tốt nghiệp đại học mổ lợn ăn mừng, tốt nghiệp trường nghề thì lặng lẽ… - 2

Truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên các phương tiện công cộng.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đánh giá, việc truyền thông GDNN hiện nay là cấp thiết, đặc biệt khi chúng ta đang phát triển nhân lực chất lượng cao.

"Tôi cho rằng xác định đối tượng truyền thông cực kì quan trọng. Đối tượng truyền thông ở đây rất rộng, đối tượng trong hệ thống GDNN quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải xác định đối tượng trong cộng đồng xã hội.

Một trong những đối tượng mà GDNN hướng đến là trong các doanh nghiệp, đẩy mạnh truyền thông trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp. Các đối tượng tiềm năng nữa là học sinh phổ thông, nhóm học sinh lớp 9, 12, phụ huynh học sinh.

Việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên truyền thông, ta phải lựa chọn được đâu là đội ngũ nòng cốt? Chắc chắn phải là lực lượng trong ngành, cơ sở GDNN, các ngành liên quan, các phóng viên báo chí.

Tuyên truyền về tấm gương GDNN cũng rất quan trọng, vì một tấm gương hơn cả trăm bài diễn thuyết. Thời gian tới, tôi đề nghị Tổng cục có định hướng để lan tỏa các tấm gương, có thể in thành sách, truyện.

Đồng tình với ý kiến của đại diện Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, ông Phan Thanh Hải - Phó Tổng Biên tập tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống cho biết: "Phụ huynh hiện nay có tâm lý là học nghề thì lấm lem và thu nhập không cao. Những tấm gương thành công này có sự phát triển nghề rất tốt, nguồn thu nhập tốt, đó là những dẫn chứng có tính thuyết phục cao.

Bản thân các trường có thể tự triển khai được việc truyền thông bằng tấm gương chứ không chỉ cơ quan báo chí. Đó là cách truyền thông hiệu quả mà không tốn kém".

Hầu hết các em thành công ở trường nghề có đầu vào rất cao

NGƯT. TS Phạm Xuân Khánh - Phụ trách Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội đánh giá, đây là hội nghị làm cân bằng giữa GDNN và Giáo dục đại học (GDĐH). Bởi lẽ, sứ mệnh, vai trò, vị thế của GDNN là lớn, nhưng truyền thông thì chưa tương xứng.

Tốt nghiệp đại học mổ lợn ăn mừng, tốt nghiệp trường nghề thì lặng lẽ… - 3

Ông Phạm Xuân Khánh - Phụ trách Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội phát biểu tại hội nghị trực tuyến. 

"Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe ai đó nói con hay cháu nếu không đỗ đại học thì sẽ giới thiệu vào trường mình. Tôi nói luôn, trường tôi có gần 50% học sinh đỗ đại học theo học.

Mình phải có quan điểm rõ ràng về việc tuyển sinh. Ta thấy rằng hầu hết các em thành công ở trường nghề có đầu vào rất cao. Trong truyền thông GDNN, ta phải nói được cái sự khác biệt giữa GDNN và GDĐH, vai trò của GDNN với xã hội.

Trường chúng tôi mời doanh nghiệp tham gia tuyển sinh, điều đó vô cùng ý nghĩa. Tôi có góp ý với Thành đoàn Hà Nội là Thành đoàn phối hợp với thành phố tuyên dương thủ khoa của ĐH nhưng không bao giờ tuyên dương thủ khoa của GDNN. Đó là sự mất cân bằng.

Đại diện Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng đóng góp: "Chúng ta nên đặt hàng các nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc về GDNN, các Youtuber làm phương án giáo dục. Vì các em thanh thiếu nhi rất thích nghe nhạc của các nhạc sĩ trẻ, xem Youtube. Nếu ta thực hiện được thì sức lan tỏa sẽ rất lớn, GDNN hình thành trong tư duy của các em ngay từ nhỏ".

Tốt nghiệp đại học mổ lợn ăn mừng, tốt nghiệp trường nghề thì lặng lẽ… - 4

Cần truyền thông Giáo dục nghề nghiệp bằng hình ảnh.

Đại diện Hội đồng Anh đề xuất việc truyền thông GDNN bằng hình ảnh: "Ảnh chụp là những tư liệu mang tính truyền thông rất tốt, Tổng cục nên xây dựng các thông điệp chính, thuê các nhiếp ảnh gia. Như chúng tôi mời các nhiếp ảnh gia từ Anh sang, truyền tải cho họ thông điệp mà mình muốn truyền tải qua bức ảnh, họ sẽ làm việc với các cơ sở, các em học sinh để tạo ra các bức ảnh thể hiện được thông điệp truyền thông của mình.

Bộ ảnh đó cần sự đầu tư lớn về mặt công sức, thông điệp truyền tải, chuyên môn của nhiếp ảnh gia. Những bộ ảnh đó, chúng ta chia sẻ cho các trường để truyền thông thì sẽ đạt hiệu quả rất lớn".