Tộc Đoàn: “Đói cơm chứ không đói chữ”

(Dân trí) - Trong một lần đám giỗ, nhiều người trong gia tộc đã đưa ra ý kiến phải chăm lo việc học cho con cháu trong gia tộc. Mặc dù gia tộc đang còn nghèo nhưng quyết “đói cơm chứ không đói chữ”, ông Đoàn Ngọc Lễ, phó chủ tịch Hội khuyến học tộc Đoàn nhớ lại.

Và Hội khuyến học tộc Đoàn (xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có từ ngày đó.

 

Từ năm 1993 - 1994 trong tộc Đoàn đã hình thành hai nhóm khuyến học. Đến năm 1996 được sự chỉ đạo trực tiếp của Hội khuyến học huyện Thăng Bình, Hội khuyến học tộc Đoàn được thành lập trên cơ sở sát nhập hai nhóm khuyến học.

 

Qua quá trình hoạt động và trưởng thành Hội đã phát triển được 11 chi hội trong đó có 6 chi hội ở Thăng Bình, 1 chi hội tại Đà Nẵng, 1 chi hội tại Sài Gòn - Đông Nam Bộ, 1 chi hội tại Tây Nguyên, 1 chi hội hải ngoại tại Hoa Kỳ. Hầu như ở đâu có con cháu tộc Đoàn sinh sống đều có Hội khuyến học. Hội sinh hoạt thường kỳ mỗi năm 2 lần và một lần phát thưởng cho các cháu học giỏi, đậu dại học, cao học…Đối với các cháu ở xa không có điều kiện về nhận thưởng Hội sẽ gửi giấy khen và phần thưởng để chi hội tại đó trao tặng.

 

Khi mới thành lập quỹ Hội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn song được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con toàn tộc trên mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài nên dần dần quỹ hội đã đi vào ổn định.

 

Việc đóng góp để Hội có thể hoạt động được quy định: đối với cán bộ công chức đóng góp mỗi năm hai ngày lương, các hộ buôn bán hoặc làm nghề tự do đóng góp mỗi năm 20 ngàn đồng, đối với hộ sản xuất nông nghiệp đóng góp mỗi năm 10kg thóc. “Nói chung, quỹ Hội nhờ sự đóng góp của chi hội nước ngoài chủ yếu chứ bà con trong nước làm nông nên không có đóng góp nhiều”, ông Đoàn Ngọc Lễ cho hay.

 

Qua thực tiễn, hàng năm cứ đến dịp khai giảng năm học tình hình thiếu sách lại xảy ra ở một số em, trong khi đó một số gia đình khác sách cũ lại không có ai dùng. Vì thế Hội đã tổ chức quyên góp sách để những cháu không có sách có thể đến đọc hoặc mượn. Đến nay đã có 1257 bản sách và được tổ chức từ thiện Việt Nam tương lai tuổi trẻ VTT tặng 575 bản sách giáo khoa đưa tổng số sách lên 1832 bản.

 

Hội đồng gia tộc đã dành riêng một phòng trong khu nhà thờ gia tộc để làn thư viện và cử người trực tiếp phục vụ các cháu và bà con trong dòng tộc. Đến nay việc mượn sách tại thư viện gia tộc đã thành nề nếp và có hiệu quả.

 

Ngoài ra, Hội còn thành lập ban biên tập “Nội san khuyến học” từ các bài viết của bà con trong tộc gửi về với những nội dung nói về truyền thống gia tộc từ khi khai cơ lập nghiệp, những tấm gương về học tập qua các gia đoạn, những thông tin về sự trưởng thành của con cháu trên khắp mọi miền đất nước. Đến nay, Hội khuyến học đã cho ra đời 2 tập “Nội san khuyến học” lưu hành trong bà con tộc họ.

 

Việc học hành của các cháu luôn được các chi hội trưởng kiểm tra, giám sát, đôn đốc sau đó báo cáo lại cho gia tộc. Hội khuyến học gia tộc đã mở lớp học tự nguyện trong hè để dạy cho con cháu trong gia tộc. Để con cháu trong gia tộc tiếp cận với công nghệ thông tin Hội khuyến học gia tộc đã trang bị 3 máy vi tính, cử người chuyên môn lên lịch phục vụ các cháu, việc học máy vi tính đang rất có hiệu quả.

 

Một việc làm có tính nhân văn là chi hội khuyến học tại Hoa Kỳ đã vận động kinh phí trong chi hội và các con cháu ở nước ngoài hành nghề y thành lập đoàn y bác sĩ phối hợp với tổ chức Hội khuyến học quê nhà và bệnh viện mắt Đà Nẵng tổ chức khám chữa bệnh cho bà con trong gia tộc.

 

Con cháu trong gia tộc Đoàn đã có nhiều người thành đạt. Hiện có 97 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ đang làm việc trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, có 4 tiến sĩ và 2 đang bảo vệ luận án tiến sĩ, 12 thạc sĩ, 25 đang học tại các trường ĐH, CĐ và 387 đang học ở các bậc học tiểu học, trung học. “Tộc chúng tôi có thể hãnh diện với bà con trong xã về việc học hành”, ông Lễ tâm sự.

 

Hội khuyến học tộc Đoàn được công nhận là Hội khuyến học thuộc Hội khuyến học huyện Thăng Bình và luôn là một trong những Hội xuất sắc. Năm nay, Hội khuyến học tộc Đoàn được vinh dự đi dự Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học ở trung ương.

 

Khánh Hồng