Tọa đàm: “Mục tiêu giáo dục: Tốt nghiệp - Tốt nghề”

(Dân trí) - Sáng nay, các đại diện đến từ FPT Polytechnic đã trả lời tận tình các câu hỏi của bạn đọc trong buổi tọa đàm với chủ đề: “Mục tiêu giáo dục: Tốt nghiệp - Tốt nghề”. Xin mời theo dõi.

Tọa đàm: “Mục tiêu giáo dục: Tốt nghiệp - Tốt nghề”
Các đại diện đến từ FPT Polytechnic đang trả lời câu hỏi của bạn đọc trong buổi tọa đàm với chủ đề: “Mục tiêu giáo dục: Tốt nghiệp - Tốt nghề”.
 
Trần Anh Tuấn - Email: tuanaxxx@yahoo.com - 10/21/2013 2:23:00 PM  

Trước hết, xin trân trọng gửi lời chào đến các vị khách mời.

Rất hân hạnh, 2 trong số các vị khách mời, chính là những người quyết định đến mục tiêu và lựa chọn nội dung chương trình, các phương pháp dạy và học của FPT Polytechnic.

Vấn đề các nhà trường đào tạo nghề (trung cấp, đại học) hiện nay đều quan tâm là sinh viên sau đào tạo có được năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực hành và thái độ trách nhiệm đối với công việc. Theo tôi nghĩ, đó cũng là các tiêu chí mà các công ty, doanh nghiệp dùng để tuyển chọn nhân sự cho mình.

Vậy, tôi xin phép hỏi, FPT Polytechnic đã căn cứ vào đâu để xác định các tiêu chí là chuẩn đầu ra cho sinh viên của mình. Và để đạt được chuẩn đầu ra đó, trong quá trình đào tạo tại Nhà trường, FPT Polytechnic đã sử dụng các biện pháp gì?

Tôi xin chân thành cảm ơn. 

TS. Đàm Quang Minh

Xin chào các quý vị độc giả của Dân Trí, xin chào các quý vị phụ huynh và các bạn trẻ quan tâm đến tương lai học tập của mình. Cho tôi thay mặt cho nhóm khách mời hôm nay được chuyển tới quý vị lời chào mừng trân trọng.

Về câu hỏi đầu tiên, xin cám ơn anh đã có câu hỏi thú vị. Nhiệm vụ chính của một cơ sở đào tạo sau phổ thông bất kỳ ở cấp bậc nào từ trung cấp đến tiến sĩ đều phải hướng tới việc người học làm được việc. Chính vì vậy triết lý đào tạo của FPT Polytechnic chính là Thực học - Thực nghiệp. Khi tốt nghiệp thì phải tốt nghề. Những đơn vị nào không lựa chọn tiêu chí này sẽ dần dần mất chỗ đứng trong xã hội. Đã nhiều năm chúng ta chứng kiến hệ cao đẳng biến thành nơi luyện thi liên thông, tại chức thành nơi hiện thực hóa bằng cấp và đi học thạc sĩ một cách ồ ạt. Hệ quả là sinh viên liên thông, tại chức bị tẩy chay. Thạc sĩ vẫn thất nghiệp hoặc đi làm lao động phổ thông phí phạm 6-7 tuổi trẻ và bao tiền của, lãng phí nguồn lực của xã hội. Đó là bởi thói đua theo hư học và quên thực học và đào tạo không lấy thực nghiệp làm gốc.

FPT Polytechnic với mục tiêu cao cả là bằng được giúp người học có được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Mục tiêu này vô cùng khó khăn nhưng cần phải đạt được. Chính vì vậy trong bối cảnh chung khó khăn của tuyển sinh bậc cao đẳng thì vẫn rất nhiều phụ huynh và gia đình lựa chọn FPT Polytechnic làm nơi gây dựng tương lai cho mình.
 
TS Đàm Quang Minh - Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam đang trả lời câu hỏi của bạn đọc
TS Đàm Quang Minh - Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam đang trả lời câu hỏi của bạn đọc.

Phạm Thị Nhung - Email: phamnhungxxx@gmail.com - Mobile: 01683139xxx - 22/10/2013 12:31:09

Sinh viên đào tạo tại các trường đại hoc cao đẳng chính quy ra trường thì chỉ 1phần 4 có việc làm. Như vậy hình thức tại chức và liên thông thì ra trườg thất nghiệp là rất cao. Xin toạ đàm cho ý kiến và làm thế nào nâng cao trình đô chuyên môn cho sinh viên.

TS. Đàm Quang Minh

Cho dù sinh viên học theo bất kỳ hệ nào mà không làm được việc vẫn thất nghiệp cho dù có là thạc sĩ, đại học cao đẳng chính quy hay các hệ khác. Còn nếu sinh viên được đào tạo một cách bài bản và làm được việc thì dù không có bằng cấp như ở các làng nghề cổ truyền, hay nhiều trường nghề vẫn có việc làm tốt và thu nhập cao. Muốn nâng cao trình độ chuyên môn của sinh viên, việc đầu tiên phải đầu tư thích đáng cho người thầy. Người thầy cần được mức thu nhập ổn định để yên tâm với nghề và có cơ hội phát triển bản thân. Nếu chúng ta có người thầy tốt và một môi trường học tập cởi mở thì sinh viên sẽ đầy đủ cả kiến thức chuyên môn lẫn sự tự tin trong cuộc sống.

Đinh Xuân Quân - Email: quandkanong1xxx@gmail.com - Mobile: 01673777xxx - 22/10/2013 04:18:25

Thực trạng các trường ĐH, CĐ đào tạo chủ yếu lý thuyết xuông mà thực hành rất it hoặc không có, làm cho sinh viên đi học rất chán. Dấn đến sinh viên học qua loa và chủ yếu là chơi nhiều, dân đến xa vào tệ nạn cung nhiều. Làm tốn thời gian với tiền ma thu lại ra trường kết quả không xin được việc, lao vào các khu công nghiệp, làm trái ngành nghề.

TS. Đàm Quang Minh

Nhận xét của bạn rất chính xác. Chúng tôi tin rằng chúng ta không thể nhồi nhét một cách máy móc với sinh viên. Sinh viên cần phải được trải nghiệm bằng thực tế công việc. Phương châm lớn nhất về đào tạo tại FPT Polytechnic là hướng tới việc đưa thực tiễn vào bài học dựa trên các kinh nghiệm có sẵn của Tập đoàn FPT. Để cho tuổi trẻ không được đào tạo và tệ hơn còn xa vào các tệ nạn là nỗi đau của xã hội khi lực lượng tinh túy nhất của xã hội trở thành kẻ ăn hại. Điều này có lỗi của cả các vị phụ huynh và môi trường xã hội. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu mua xe máy cho con, thậm chí còn mua nhà cho con, bỏ cả trăm triệu để chạy việc cho con nhưng lại tiết kiệm quá mức và để con học tập trong môi trường yếu kém dẫn tới hành trang vào đời của con thua kém nhiều bạn bè. 

Sinh viên FPT Polytechnic được trải nghiệm bằng thực tế công việc
Sinh viên FPT Polytechnic được trải nghiệm bằng thực tế công việc.
 

Nguyen Van Nam - Email: vannguyenxxx@gmail.com - Mobile: 0977210xxx - 21/10/2013 09:59:23

Để khởi nghiệp thành công, sinh viên chúng em cần những yếu tố gì, kỹ năng nào và điều kiện cần và đủ! em xin cảm ơn!

TS. Đàm Quang Minh

Nhiều người định nghĩa khác nhau về từ khởi nghiệp, có người cho rằng đó là việc mở một công ty do mình quản lý và cũng có người cho rằng đó là khởi đầu một sự nghiệp. Tôi xin chỉ nói đến cách hiểu thứ hai vì nó cần thiết cho nhiều bạn trẻ hơn. Để bắt đầu một sự nghiệp bạn cần có ba yếu tố cơ bản:

Một là, sự đam mê trong lĩnh vực của mình. Theo định nghĩa chung nhất của thành công, bạn phải làm được điều gì đó khó khăn mà ít người làm được. Để vượt qua khó khăn mà không nản bạn cần có động lực tinh thần to lớn để vượt qua các khó khăn theo mức độ khác nhau. Lúc đó, sự đam mê, tâm huyết sẽ giúp bạn vượt qua được thách thức.

Hai là, năng lực cá nhân. Mỗi người sinh ra đều có điểm mạnh yếu khác nhau. Nếu chúng ta chọn những công việc, thách thức theo điểm yếu thì sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nếu xác định được điểm mạnh thì chúng ta sẽ vượt qua được dễ dàng hơn. Để biết điểm mạnh yếu của mình, bạn có thể dùng trắc nghiệm năng lực bản thân ví dụ như tại đây http://www.poly.edu.vn/trac-nghiem-nghe-nghiep. Hoặc bạn có thể nhờ tư vấn để xác định năng lực của mình.

Ba là, nhu cầu xã hội. Nhu cầu xã hội biến đổi rất nhanh và khiến cho nhiều công việc biến mất. Chúng ta cần phải lái những năng lực của mình vào những công việc mang lại nhiều giá trị cho xã hội, đặc biệt những nhu cầu mới chưa có nhiều người đáp ứng. Chỉ có vậy thì khả năng thành công mới cao. Ví dụ FPT Polytechnic đang giảng dạy về ngành lập trình máy tính hướng tới các thiết bị di động. Đây chính một nghề mới xuất hiện đang có nhu cầu lớn nhưng vẫn ít người làm do chưa có nhiều cơ sở đào tạo.

Nguyễn Việt Lam - Email: lamvvxxx@gmail.com - Mobile: 0167067xxx - 21/10/2013 11:03:10

Em rất sợ học các môn lý thuyết, được biết FPT có phương pháp giảng dạy dựa trên thực tiễn. Thầy có thể cho biết cụ thể hơn được không?

ThS. Vũ Chí Thành

FPT Polytechnic áp dụng phương pháp học tập qua dự án (project-based-training) lấy thực tiễn làm tiền đề. Theo đó, sinh viên sẽ được trao đồ án ngay từ đầu mỗi học kỳ và mỗi bài học thực tế (case-study) sẽ giải quyết các vấn đề đặt ra từ doanh nghiệp. Mỗi năm học tập cũng trở thành mỗi năm kinh nghiệm làm việc của sinh viên. Vì lý do đó, quá trình học cũng chính là quá trình làm việc và tích lũy kinh nghiệm, hoàn toàn cách xa với việc những giờ học nặng về lý thuyết.

Mặt khác, trường còn áp dụng phương pháp đào tạo blended learning. Đây là phương pháp học lấy sinh viên làm trung tâm, giúp sinh viên học chủ động và nâng cao sự tương tác giữa sinh viên - giảng viên, sinh viên – sinh viên, sinh viên – các nguồn thông tin từ bên ngoài. Với phương pháp này, người học có thể chủ động xem trước các tài liệu học tại không gian học tập của FPT Polytechnic. Khi đến lớp, mỗi sinh viên sẽ được xếp vào các nhóm để thảo luận và thuyết trình nhiều lần về các đề tài học. Mỗi tiết học nhờ đó mà trở nên sôi nổi, thú vị hơn rất nhiều.

Vì lý do đó, khi trở thành sinh viên FPT Polytechnic, em hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình sẽ có những giờ học vô cùng hấp dẫn. 

Chu Tùng  - Email: tuxxx@gmail.com - Mobile: 0909346xxx - 21/10/2013 10:43:28

Tôi nghe nói vào học tại Cao đẳng FPT Polytechnic thì không khó nhưng chương trình học lại khó và nặng lắm, thế Hương có gặp khó khăn gì khi học tại Cao đẳng FPT Polytechnic không?

Sinh viên Phan Thị Thanh Hương

Đúng là vào học tại Cao đẳng FPT Polytechnic không khó, nhưng để vượt qua các bài kiểm tra và thi hết môn với điểm số cao đòi hỏi bạn phải nắm thật chắc kiến thức. Vì vậy, việc sắp xếp thời gian học hợp lý để không bị quá tải vào đợt ôn thi là khó khăn mà bất cứ sinh viên Poly nào cũng phải đối mặt. Với bản thân mình, mình thấy chương trình học tại Poly không phải là quá nặng. Chỉ cần chịu khó dành thời gian đọc trước bài trước khi đến lớp, lắng nghe thầy cô giảng và về nhà chăm chỉ làm bài tập sẽ khiến bản thân dễ dàng tiếp thu được toàn bộ kiến thức. Bên cạnh thời gian học tập trên lớp, mình còn lên thư viện tìm thêm sách tham khảo, có điều gì chưa rõ mình sẽ hỏi ngay thầy cô để được giải đáp.

Phạm Thị Hạnh - Email: phamhanhxxx@gmail.com - 21/10/2013 07:23:09

Em học ngành Kế toán, em vẫn biết tin học, tiếng Anh là rất quan trọng nhưng em cảm thấy vô cùng hoang mang lo lắng không có định hướng cụ thể người hướng để làm. Năm nay là năm cuối chúng em cũng chỉ biết tìm đến các trung tâm. Em mong TS Minh Th.s Thành và chị Hương cho em lời khuyên đối với sinh viên năm cuối như em.

TS. Đàm Quang Minh

Mỗi khi nhận hồ sơ ngành kế toán, thông thường các cơ quan có thể nhận tới vài chục, cá biệt đến vài trăm hồ sơ. Do đó, bạn cần phải biết cách marketing cho bản thân bằng cách khiến bạn nổi trội so với các ứng viên khác. Hay nói cách khác là bạn đang muốn bán chính mình cho doanh nghiệp với giá cao nhất có thể. Đối với nhà tuyển dụng, họ sẽ rất quan trọng tới kinh nghiệm và các kỹ năng của bạn. Vì vậy hãy trau dồi kinh nghiệm ngay khi ngồi trên ghế nhà trường qua các CLB của trường, qua các việc làm part-time, các việc làm tình nguyện. Ngoài ra các kỹ năng như Tiếng Anh và Tin học là không thể thiếu, bạn cần chứng minh cho nhà tuyển dụng là họ sẽ có lợi lớn nếu tuyển bạn vào làm việc.

Đỗ Thu Trang - Email: trangdothxxx@gmail.com - 21/10/2013 09:00:07

Em đang là sinh viên năm cuối của trường cao đẳng, sắp ra trường. Em đang rất băn khoăn là nên đi làm hay liên thông tiếp lên đại học. Nếu đi làm thì với tấm bằng cao đẳng của em rất ít cơ hội còn nếu em liên thông thì đang học kế toán, thi đầu vào là khối A liệu em có thể thi liên thông khối A1 cũng là kinh tế không ạ?

TS. Đàm Quang Minh

Tôi nghĩ em có chút nhầm lẫn giữa bằng cấp và trình độ. Nếu em không có trình độ, em không có cơ hội làm việc cho dù em có bằng cấp thế nào. Nhưng nếu em có trình độ thì em hoàn toàn có thể có việc làm tốt mặc dù có thể gặp khó khăn hơn đôi chút khi xin việc. Thực tế sinh viên của FPT Polytechnic cho thấy mặc dù các bạn chỉ có tấm bằng Cao đẳng nghề nhưng phần lớn đều đã xin được việc làm, ngay cả khi các bạn chưa tốt nghiệp. Thực tế là lương của các bạn còn cao hơn lương của các sinh viên tốt nghiệp đại học mất 4 năm trong khi học tại FPT Polytechnic chỉ mất 2 năm 4 tháng.

Lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên của sinh viên FPT Polytechnic
Lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên của sinh viên FPT Polytechnic.

Vũ Quyết Tiến - Email: vuquyettiexxx@gmail.com - Mobile: 0989683xxx - 18/10/2013 09:52:54

Em mới chỉ học hết lớp 12, em muốn nâng cao năng lực của bản thân. Bây giờ em muốn học thêm một trong các ngành của trường có được không? Thủ tục hay điều kiện để nhập học như thế nào. Xin cám ơn!

Th.S Vũ Chí Thành

Chào Tiến, cảm ơn em đã gửi câu hỏi về cho chương trình. Hiện nay, Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic đang đào tạo 7 chuyên ngành ở 2 khối ngành CNTT và Kinh tế - Kinh doanh mà các doanh nghiệp đang có nhu cầu nhân sự cao. Để trở thành sinh viên của trường, em tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và có điểm tổng kết Toán lớp 12 từ 5.5 trở lên hoặc điểm Toán thi tốt nghiệp THPT từ 5.5 trở lên. Trường sẽ không xét tuyển trên điểm thi Cao đẳng hay Đại học của thí sinh.

Trong tháng 10 này, Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic đang tuyển sinh khóa 10.1, thông tin chi tiết về điều kiện và thủ tục nhập học Tiến có thể tham khảo chi tiết tại đây

Lại Ngọc Anh - Email: anhngocxxx@gmail.com- Mobile: 0976987xxx - 21/10/2013 11:01: 22

Chị Hương ơi, khi học tại Cao đẳng FPT Polytechnic chị Hương thấy môn hoc nào là “khoai nhất” ạ? Chị chia sẻ chút lời khuyên để học tốt ở Cao đẳng FPT Polytechnic được không ạ? Em đang có ý định nhập học vào đợt tuyển sinh tháng 10 này của trường ạ!

Sinh viên Phan Thị Thanh Hương

Cám ơn câu hỏi của em, một câu hỏi rất hay. Trong các môn học thì “khoai” nhất với chị có lẽ là môn Chính trị. Chị không có năng khiếu lắm đối với các môn học thuộc lòng. Còn về lời khuyên thì theo chị, để học tốt ở Cao đẳng FPT Polytechnic, em cần có sự cố gắng, không ngừng nỗ lực rèn luyện bản thân, chăm chỉ học tập và tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp, CLB để phát triển thêm các kỹ năng mềm nhé!

Hoàng Văn Thành - Email: thanxxx@gmail.com- Mobile: 0982878xxx - 23/10/2013 09:14:37

Tại sao lương giáo viên được thêm % nên là giáo viên nên lương còn cao hơn. Giám đốc Sở GD ĐT họ vấn kêu ca và chất lượng học sinh nhiều trường nhiều học sinh rất kém mà có thanh kiểm tra cũng không bao giờ biết. Ví dụ như học gần hết tiểu học chưa đọc thông viết thạo. Mà cái mất chất nhất là nhân ngày nhà giao các trường thầy cô cho các em nghỉ học để ở nhà nhận quà. Tôi thấy năm nào cũng thế 100% chị em có con em đi học từ mẫu giáo đến các lớp học bậc phổ thông đều phải đóng phòng bì đi nhà thầy cô có phải đây là cái lệ không như có câu nói "muốn con hay chữ thì mua lấy thầy". Nên gạt bỏ những thầy không ra thầy chỉ kêu ca, hiên nay số sinh viên ra trường của ngành giáo dục chưa có việc làm là rất lớn. Không thể để tồn tại mãi càng được quan tâm càng kêu ca, chất lượng dạy và học phần lớn là càng kém rất nhiều người biết chỉ có những người làm công tác quản lý nhà nước trong ngành giáo dục không biết thôi chán lắm rồi cần cải cách ngay....

TS. Đàm Quang Minh

Vấn đề của anh nói đến liên quan nhiều đến kiểm soát chất lượng. Muốn kiểm soát được chất lượng cần phải có nhiều bước.

Bước đầu tiên là cần có Triết lý đào tạo và Phương pháp giáo dục tốt. Ngày nay khi mà Khoa học giáo dục tiến nhiều bước lớn thì nhiều trường phổ thông, cao đẳng, đại học vẫn giữ cách đào tạo vô cùng cổ điển khiến sinh viên ra trường không có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết của công việc và cuộc sống hiện đại.

Thứ hai là Quy trình đào tạo và Chuẩn chất lượng, cần có được quy chế về kiểm soát tốt chất lượng trong suốt quá trình đào tạo. Người giảng dạy sẽ độc lập với người kiểm tra đánh giá, chỉ cần như vậy và mọi người công tâm làm việc thì công việc sẽ được đảm bảo.

Ví dụ thực tiễn của chúng tôi khi thực hiện tại FPT Polytechnic là xây dựng Triết lý đào tạo Thực học - Thực nghiệp dựa trên phương pháp đào tạo dựa trên dự án (project-based learning) và đảm bảo sinh viên có được kiến thức từ việc làm thực hành (learning by doing). Bên cạnh đó chúng tôi cũng xác định rõ chuẩn chất lượng đảm bảo khối lượng nội dung đào tạo đáp ứng đúng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Cuối cùng là các chính sách đảm bảo chất lượng để đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống. 

Tường - email:  ngothetuxxx@yahoo.com.vn - ngày gửi:  10/23/2013 8:23:00 AM

Có bạn tốt nghiệp loại ưu ở trường danh tiêng nước ngoài về, cũng khó xin việc (vì không có nhu cầu sử dụng). Vậy xin giúp phân biệt chất lượng và hiệu quả đào tạo? Yêu cầu nào nên đặt lên hàng đầu trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta? Cám ơn! 

TS. Đàm Quang Minh

Điều này là đúng và đang hiện thực tại Việt Nam. Nhiều bạn trẻ tốt nghiệp loại ưu tại các trường đại học danh tiếng nhưng không thể tìm được việc phù hợp vì mức độ phát triển của nền kinh tế và xã hội Việt Nam chưa cần sử dụng những nguồn lực cao cấp đến mức như vậy hoặc chỉ có nhu cầu rất ít. Trong khi đó nhiều bạn theo đuổi những chuyên ngành hẹp rất sâu nên lựa chọn càng khó khăn hơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng với các trường hợp này bạn có thể làm việc ở nước ngoài. Nếu không bạn cần chuyển nghề để có được vị trí công việc phù hợp.

Câu hỏi đặt ra rất đúng khi cần phân biệt giữa chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo. Giống như với điều kiện như vùng nông thôn thì một siêu xe tốt là hoàn toàn không phù hợp và kệch cỡm, chúng ta cần các xe có thể phục vụ cho nền nông nghiệp hơn. Ở Việt Nam cũng vậy, hiện nay có nhiều vị trí công việc tìm không ra người làm việc như các vị trí kỹ thuật hoặc công nghệ thông tin. Trong khi đó có những việc văn phòng thì lại dư thừa quá nhiều. Thực tế ngày nay nhiều vị trí công nhân kỹ thuật có thu nhập cao hơn các cử nhân học hành tốn kém.

Trần Minh Hồng- Email: minhhong2xxx@gmail.com - Ngày gửi:  10/23/2013 7:13:00 AM 

Ngày nay, đất nước phát triển mạnh mẽ đáp ứng các điều kiện cần và đủ cho thế hệ tương lai. Vậy tại sao giờ giới trẻ học càng nhiều nhưng chất lượng cuộc sống lại càng tụt hậu. Giới trẻ thích hưởng thụ hơn là cống hiến cho xã hội. Bây giờ, học sinh cấp 2 đã sống như người lớn, cho tôi hỏi nguyên nhân do đâu, nhà trường, gia đình hay tác động tiêu cực của xã hội Internet?

TS. Đàm Quang Minh

Tôi cho rằng sự phát triển của xã hội hiện nay của Việt Nam đang đi theo đúng quy luật phát triển chung của một xã hội đang phát triển. Các quốc gia gọi thế hệ phát triển sau giai đoạn khó khăn này là “Thế hệ dâu tây”, hào nhoáng nhưng dễ bầm dập. Tuy nhiên đây cũng là những cá nhân sẽ rất tự do trong tư tưởng và đầy sáng tạo và là động lực phát triển cho các quốc gia phát triển hiện nay.

Những việc cụ thể như học sinh cấp 2 đã sống như người lớn thì thực tế do truyền thông vì những việc như thế này ở đâu và lúc nào cũng có. Chỉ cách đây khoảng 100 năm, người Việt Nam vẫn lập gia đình ở độ tuổi 13-14 tuổi. Lưu ý là do điều kiện dinh dưỡng tốt nên con người Việt Nam cũng có xu hướng dạy thì và phát triển sớm hơn. 

Phạm Mai Hương - Email: huongmpxxx@gmail.com - Mobile: 0912356xxx - 23/10/2013 09:25:10

Xin chào các thầy trong Ban tư vấn. Hiện nay, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường không xin được việc làm. Bản thân em cũng vừa mới tốt nghiệp Cao đẳng và đang rải hồ sơ xin việc. Bố mẹ, người thân em cũng đang tìm kiếm công việc cho em qua các mối quan hệ, nhưng có vẻ khó khăn. Thú thực, học xong Cao đẳng nhưng em cảm thấy không đủ tự tin để bắt đầu một công việc nào đó. Em muốn xin bố mẹ đi học thêm một khóa học nghề, học thực hành là chủ yếu. Liệu có môi trường học nào tốt để em có thể học tập, trải nghiệm và tự tin với công việc không? Kính nhờ các thầy tư vấn giúp em? Em cảm ơn.

ThS. Vũ Chí Thành

Chào em,

Việc làm luôn là bài toán nan giải của sinh viên ra trường. Đa số các bạn trẻ không tìm được việc do không tìm đúng mảnh ghép của mình trên thị trường, có những bạn chỉ nộp vào các vị trí làm sếp ngay từ đầu hoặc có bạn lại nộp vào các vị trí quá thấp so với khả năng. Một yếu tố cũng rất quan trọng dẫn tới nhiều bạn trẻ mất tự tin khi đi xin việc đó là những kiến các bạn sinh viên được trang bị ở trường không giúp ích nhiều cho các công việc mà các em nộp hồ sơ vào, hệ lụy là các em sau khi tốt nghiệp lại chạy đi khắp nơi tìm chỗ học đem lại giá trị đích thực và cơ hội việc làm cho sinh viên. Việc có nhiều mối quan hệ cũng giúp ích rất nhiều cho các bạn trẻ nhưng với sự khắc nghiệt của thị trường lao động, các mối quan hệ chỉ giúp các bạn có thêm nhiều thông tin về việc làm, còn năng lực thực tế của sinh viên vẫn là yếu tố quyết định đến khả năng được tuyển dụng.

Nếu giáo dục được xem là sản phẩm phục vụ khách hàng thì sản phẩm đó phải đáp ứng được nhu cầu nhân lực từ thị trường. Với vai trò tiên phong trong giáo dục, FPT Polytechnic rất vui mừng chào đón bạn đến thăm quan tìm hiểu tại cơ sở gần nhất trên toàn quốc. Tôi hy vọng em sẽ tìm được một chuyên ngành phù hợp với năng lực, sự đam mê và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng từ thị trường lao động.

Đặng Tấn Hùng - Email: Hungdtxxx@gmail.com - Mobile: 0983342xxx - 23/10/2013 09:28:00

Em chào các thầy. Em đang là sinh viên một trường Đại học. Hồi đầu, mới thi đỗ Đại học, em háo hức lắm. Nhưng trong quá trình học, em nhận thấy môi trường Đại học có nhiều lý thuyết quá. Suốt ngày em phải ghi chép, nghe giảng mà tay chân lại không được thực hành, đầu óc không được vận hành. Em muốn dừng lại, nhưng không đủ dũng cảm. Dừng lại để theo học một nghề khác, mà không phải là hệ Đại học, có nên không? Làm thế nào để thuyết phục bố mẹ đồng ý?

ThS. Vũ Chí Thành

Cảm ơn em về câu hỏi rất thú vị. Trước tiên, có thể suy nghĩ của em chưa đúng, hoặc cách học của em chưa tốt vì vậy em có thể tham khảo thầy cô bạn bè và những người có kinh nghiệm trong ngành tư vấn giúp. Nếu đúng thực sự như em nói thì em cần phải có sự quyết liệt trong hành động của mình. Nếu mục đích cuối cùng của em là có được một việc làm theo đúng với đam mê của mình thì có rất nhiều con đường để đạt được mục đích đó và em chọn con đường phù hợp nhất với bản thân. Em đã trên 18 tuổi, có thể coi là trưởng thành, tôi tin em đủ khả năng thuyết phục bố mẹ về sự lựa chọn, đồng thời chịu trách nhiệm về lựa chọn đó. Chúc em thành công.
 
Th.S Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội trả lời câu hỏi của bạn đọc
Th.S Vũ Chí Thành - Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội trả lời câu hỏi của bạn đọc.

Nguyễn Mai Hoàng - Email: Nhoccon@gmail.com - Mobile: 0942921xxx - 23/10/2013 09:30:01

Sao các doanh nghiệp tuyển dụng lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại vấn đề kinh nghiệm? Sinh viên mới ra trường lấy đâu ra kinh nghiệm?

Sinh viên Phan Thị Thanh Hương 

Người xưa có câu: “Trăm hay không bằng tay quen”, đó là lý do tại sao các doanh nghiệp tuyển dụng luôn yêu cầu về kinh nghiệm. Dù bạn học gì, ở đâu, nếu bạn không trải nghiệm, không cọ xát thì làm sao có thể tự tin đối mặt với những khó khăn, thử thách trong công việc. Kinh nghiệm là do mình tích lũy mà có được, bạn không thể lấy lý do sinh viên mới ra trường lấy đâu ra kinh nghiệm. Hãy tự tích lũy kinh nghiệm cho mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bạn có thể đi làm thêm, xin thực tập tại một doanh nghiệp nào đó, hay đơn giản là tham gia các Câu lạc bộ hay hoạt động xã hội, mỗi việc làm dù là nhỏ nhất sẽ đều mang lại cho bạn những kinh nghiệm quý báu cho bản thân. Nhận thức được điều này, FPT Polytechnic đang áp dụng phương pháp học tập qua dự án, lấy thực tiễn làm tiền đề. Theo đó, sinh viên sẽ được trao đồ án ngay từ đầu mỗi học kỳ và mỗi bài học thực tế (case-study) sẽ giải quyết các vấn đề đặt ra từ doanh nghiệp. Mỗi năm học tập cũng trở thành mỗi năm kinh nghiệm làm việc của sinh viên.

Đỗ Thị Thảo - Email: thaodoxxx@gmail.com - Ngày gửi: 23/10/2013 9:09:23

Trong khi đang học ở trường, làm thế nào để có thể xin việc làm thêm và được nhà tuyển dụng đồng ý?

Sinh viên Phan Thị Thanh Hương 

Chào bạn, để xin được việc làm thêm không khó. Trước hết, bạn cần tìm một công việc phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân. Sau đó, hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn hoàn toàn phù hợp với vị trí đó qua việc thể hiện sự hiểu biết về lĩnh vực bạn đang ứng tuyển, cho họ thấy niềm đam mê và nhiệt huyết của mình. Các nhà tuyển dụng rất thích những ứng viên cầu thị, ham học hỏi và có thái độ tích cực. Thực tế, nhiều bạn đã được các nhà tuyển dụng nhận làm nhân viên chính thức sau khi kết thúc đợt làm thêm. Chúc bạn sớm tìm được một công việc làm thêm phù hợp và có những trải nghiệm thú vị nhé!

Hoàng Anh Tú - Email:  tuanhxxx@gmail.com - Ngày gửi:  10/23/2013 10:20:00

Mình nghe nói học ở FPT khá nặng, chương trình Cao đẳng thực hành lại học 2 năm 4 tháng, liên tiếp 7 học kỳ không nghỉ hè, vậy điều đó có phải là một điều khó khăn đối với bạn không? Làm thế nào để sắp xếp thời gian học cho hợp lý?

Sinh viên Phan Thị Thanh Hương 

Chào bạn, trước khi gia nhập ngôi nhà FPT Polytechnic, mình đã tìm hiểu khá kỹ về trường và cũng đã được cán bộ tư vấn của trường giới thiệu về phương pháp học của trường. Đây là phương pháp học tập qua dự án (project-based-training) lấy thực tiễn làm tiền đề, sinh viên được xem như một người đi làm nên quá trình học sẽ diễn ra liên tục, nối tiếp nhau mà không có nghỉ hè. Mình rất thích phương pháp học này, khi đến trường học, mình luôn có cảm giác được bắt tay vào những công việc thực tiễn. Vì thế, chương trình học dày càng làm mình thấy thích thú, mình liên tục được làm những công việc mình yêu thích và mỗi ngày, mình lại khám phá thêm được nhiều kiến thức mới lạ và thấy tay nghề của mình ngày càng tiến bộ.

Để sắp xếp thời gian học hợp lý, điều quan trọng trước tiên là bạn hãy chọn chuyên ngành học mình yêu thích. Có đam mê rồi, bạn cần phải tự đề ra deadline cho mỗi bài tập và cố gắng hoàn thành deadline đó. Ngoài ra, bạn cần đi học đầy đủ, chuẩn bị bài trước khi đến lớp và tập trung nghe giảng, điều này sẽ giúp bạn tiếp thu bài một cách nhanh gọn qua một vài lần đọc tài liệu. Trong giờ thực hành, nếu có vấn đề thắc mắc, bạn có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên hoặc trợ giảng để nhờ hỗ trợ. Nếu bạn tuân thủ những điều này, chắc chắn bạn không hề thấy chương trình học nặng, bù lại, bạn sẽ có thành tích học tập tốt và tay nghề vững vàng, sẵn sàng cho công việc và tương lai.

Đào Anh Phong - Email: daoanhphxxx@gmail.com - Ngày gửi:  10/22/2013 4:37:00 PM 

Cứ mở tràn lan các trường Đại học, đào tạo theo kiểu lấy số lượng sinh viên chất lượng sinh viên các trường Dân lập tốt nghiệp ra trường chất lượng nghề kém lắm không cơ quan đơn vị nào muốn nhận đâu.  

TS. Đàm Quang Minh

Theo thống kê của Bộ Giáo dục từ năm 2006 đến nay, cứ thêm một trường Ngoài công lập thì thêm mới 4 trường Công lập. Số sinh viên các trường Ngoài công lập hiện nay chỉ chiếm tổng số 13% số sinh viên toàn quốc. Do đó có thể nói chất lượng yếu kém của nền giáo dục hiện nay là lỗi chung của hệ thống. Trên thế giới chỉ có các quốc gia Châu Âu - rất phát triển và các quốc gia Châu Phi - rất kém phát triển thì hệ thống công lập mới đóng vai trò chủ đạo. Chúng tôi băn khoăn không rõ định hướng chiến lược của giáo dục Việt Nam là theo hướng nào? Đương nhiên nguồn lực hạn chế mà đầu tư dàn trải thì hiệu quả sẽ không cao.

Thực tế những trường ngoài công lập có thế mạnh vẫn có sức cạnh tranh tốt và mang lại những giá trị khác biệt cho sinh viên. Ví dụ sinh viên Đại học FPT có rất nhiều bạn đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập rất cao, sinh viên trường Lạc Hồng nổi tiếng về tự động hóa đang là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghệ tại Bình Dương và Đồng Nai và còn nhiều ví dụ khác như các trường Hoa Sen, Duy Tân, Thăng Long hay nhiều trường khác nữa. Không những thế Trường Đại học FPT còn thu hút được sinh viên quốc tế bỏ tiền sang học để cân bằng lại việc chảy máu ngoại tệ do du học. Đó là những giá trị mà các trường công lập không thể đem lại cho sinh viên và cũng là xu hướng đúng đắn của các trường tư thục trên thế giới. Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ để giáo dục Việt Nam đi đúng theo quy luật của thế giới.

Sinh viên FPT Polytechnic được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp
Sinh viên FPT Polytechnic được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp.

Trần Thành Hoàn - Email: tranhoanxxx@gmail.com - Mobile: 096299xxxx - 23/10/2013 10:47:14

Tại sao Việt Nam có nhiều trường đào tạo như vậy. Mà đào tạo đa ngành đa nghề mà sinh viên ra trường hầu như đều thất nghiệp mà khi việt nam đã từng bước trở thành một nước công nghiệp. liệu những người làm trong ngành giáo dục cần xem lại cách giáo dục của nước nhà không?. xem lại cách đào tạo tràn lan như hiện nay không. Đào tạo mà không chú trọng đầu ra. đào tạo lấy sinh viên làm trọng tâm hay nhà trường làm trọng tâm

TS. Đàm Quang Minh

Tôi cho rằng việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục chưa theo kịp với thực tiễn. Nhưng điều đáng mừng là những thay đổi gần đây của Bộ GD&ĐT là rất tích cực. Cần phải nói lại rằng, việc đào tạo liên thông hay tại chức, những hình thức đào tạo kém chất lượng chủ yếu do các trường công lập thực hiện dưới hình thức khoán thu chi. Chính các kẽ hở tài chính này đã khiến nhiều đơn vị, cá nhân trục lợi để kiếm tiền trên cơ sở vật chất và tiền thuế của nhân dân.

Đối với các trường đại học công, rất cần sự tập trung đóng góp vào nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước mà các trường tư thục chưa lo được như là nghiên cứu khoa học cơ bản, các ngành hướng tới phát triển xã hội, phát triển nông thôn hay hướng tới các đối tượng khó khăn mà nếu không có hỗ trợ sẽ không học được. Các trường công lập dùng tiền nhà nước, cơ sở vật chất nhà nước để đào tạo liên kết tràn lan, giảng viên giỏi đi ra ngoài “đánh quả” kiếm tiền để các giảng viên mới ra trường lo phần hậu phương chính quy thu nhập thấp làm méo mó bức tranh tổng thể và không có cơ hội cho các trường tư phát triển. Chúng ta nên học tập các quốc gia đã có kinh nghiệm về đầu tư giáo dục như Singapore để có được chính sách thông minh hơn. Đó là đầu tư trực tiếp cho người học thay vì đầu tư cho trường. Trường công và tư chỉ khác nhau là vốn ban đầu do nhà nước hay tư nhân đầu tư. Như vậy vừa tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng và mới thực sự là lấy người học làm trung tâm.

Sinh viên FPT Polytechnic tự tin với các kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng được đào tạo
Sinh viên FPT Polytechnic tự tin với các kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng được đào tạo.

Lời chào:

Kính thưa quý vị độc giả, trong thời lượng ngắn của buổi sáng, tổ tư vấn đã cố gắng chia sẻ về chủ đề Tốt nghiệp- Tốt nghề. Đào tạo đem lại giá trị đích thực cho người học khi đào tạo gắn liền với thị trường lao động và sinh viên ra trường phải có việc làm phù hợp với đam mê và ngành nghề mình theo đuổi. Chúng tôi cũng cảm ơn rất nhiều quý độc giả đã dành tình cảm đặc biệt và tin yêu vào sự đổi mới giáo dục đang được FPT Polytechnic thực hiện. Chúng tôi mong muốn có nhiều trường khác cùng đồng hành để tạo được giá trị nhiều hơn nữa cho người học và đóng góp cho xã hội. Một lần nữa, thay mặt tổ tư vấn, tôi xin kính chúc quý độc giả sức khỏe. Các câu hỏi còn sót lại chúng tôi sẽ cố gắng phản hồi trong thời gian sớm nhất qua email hoặc tại địa chỉ website của trường: http://www.poly.edu.vn/.
 
* Buổi tọa đàm sáng nay được tổ chức theo hình thức offline. Do thời gian có hạn nên buổi tọa đàm được dừng lại tại đây, những phần câu hỏi chưa được giải đáp, FPT Polytechnic sẽ trả lời theo địa chỉ mail của độc giả gửi tới báo Dân trí