Tính chuyên nghiệp của giáo viên phải quan trọng như ngành Y

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Một trong những giải pháp đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là phải xác định đúng vị trí của khoa học giáo dục đối với các vấn đề của giáo dục quan trọng như y học đối với y tế.

Đó là quan điểm của GS.TS Khoa học giáo dục Giám đốc Đại học Thái Nguyên Phạm Hồng Quang. 

Tính chuyên nghiệp của giáo viên phải quan trọng như ngành Y - 1

Hoạt động đào tạo giáo viên chưa có sự thay đổi lớn theo hướng dự báo chiến lược, vẫn chủ yếu mô hình đào tạo như một số nghề nghiệp có tính ổn định.

GS Phạm Hồng Quang cho rằng, thực tiễn hoạt động đào tạo giáo viên chưa có sự thay đổi lớn theo hướng dự báo chiến lược, vẫn chủ yếu mô hình đào tạo như một số nghề nghiệp có tính ổn định. Trong khi công tác bồi dưỡng lại tách rời chương trình đào tạo và môi trường giáo dục đại học. Đây là những vấn đề thực tiễn cần giải quyết để nâng cao chất lượng giáo dục.

Chính vì vậy, khi nghiên cứu các giải pháp đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần xuất phát từ 3 quan điểm:

Thứ nhất, xác định đúng vị trí của khoa học giáo dục đối với các vấn đề của giáo dục quan trọng như y học đối với y tế;

Thứ hai, Đào tạo giáo viên là xuất phát điểm của chất lượng nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực gồm: phát triển nhân tính và khả năng của con người; sử dụng có hiệu quả những khả năng ấy (UNDP), do vậy liên quan trực tiếp đến nội dung-chương trình và quản lí.

Thứ ba, Vấn đề nhân cách được hình thành trong môi trường giáo dục trong khi tính chuyên nghiệp rất thấp trong quản lí và tổ chức thực hiện.

Từ những lý do trên,  GS.TS Khoa học giáo dục Giám đốc Đại học Thái Nguyên Phạm Hồng Quang đã đưa ra giải pháp cơ bản là: "Đổi mới chương trình sư phạm và đào tạo bồi dưỡng giáo viên". Chương trình sư phạm là yếu tố cốt lõi thể hiện mục tiêu chiến lược, là điều kiện cơ bản để đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên.

Theo GS Quang, điểm hạn chế của chương trình hiện nay là nặng, chương trình chủ yếu dựa vào khả năng thực tế của giảng viên với nội dung truyền thống, ít có sự sáng tạo môn học mới; cách dạy chưa đổi mới căn bản; hoạt động của người học tại môi trường phổ thông còn hạn chế; yêu cầu mới của thực tiễn giáo dục phổ thông chưa được phản ánh đậm nét vào nhà trường sư phạm từ nội dung đến phương pháp giáo dục.

Nhiều chương trình đào tạo giáo viên chưa phải là kết quả, sản phẩm của một công trình nghiên cứu khoa học giáo dục được đầu tư công phu; cần có tổng kết thực tiễn, sử dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Theo đó, chuẩn đầu ra của chương trình phải là những thành tố cơ bản của cấu trúc năng lực người giáo viên trong tương lai. Cụ thể:

Tính chuyên nghiệp của giáo viên phải quan trọng như ngành Y - 2

Cần có sự đánh giá và kiểm định chất lượng chung giữa các trường sư phạm về chuẩn đầu ra.

Xác định lại mục tiêu đào tạo giáo viên

Xác định lại mục tiêu đào tạo giáo viên theo định hướng năng lực. Theo đó, chương trình cần tập trung vào Hình thành năng lực chuyển hóa tri thức khoa học thành tri thức dạy học, phương pháp khoa học thành phương pháp dạy học cho người học.

Mục tiêu đào tạo chuyên gia giáo dục phải được coi trọng, đào tạo giáo viên giảng dạy các nội dung tích hợp là chiến lược. Tại các cơ sở đào tạo giáo viên cho các vùng miền, cần xây dựng chương trình đào tạo giáo viên riêng; chương trình bồi dưỡng giáo viên dựa vào kết quả nghiên cứu nhu cầu của địa phương và theo định hướng của trường đại học, viện nghiên cứu.

Nội dung coi trọng yếu tố văn hóa, đặc điểm con người, hiệu quả và giá trị của giáo dục đem lại cho cộng đồng phải thiết thực, có ý nghĩa cụ thể đối với đời sống hàng ngày cũng như đảm bảo cho cá nhân phát triển bền vững.

Trách nhiệm của giáo viên đối với các giá trị cơ bản của con người

GS Phạm Hồng Quang cho rằng, người giáo viên đã có sự thay đổi chức năng theo các hướng sau: Đảm nhận nhiều chức năng khác hơn so với trước, có trách nhiệm nặng hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học và giáo dục.

Chuyển mạnh từ chỗ truyền thụ kiến thức sang tổ chức việc học của học sinh, sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội.

Coi trọng hơn việc cá biệt hóa học tập, thay đổi tính chất trong quan hệ thầy trò.

Yêu cầu sử dụng rộng rãi hơn những phương tiện dạy học hiện đại; Yêu cầu hợp tác rộng rãi và chặt chẽ hơn với các giáo viên; Yêu cầu thắt chặt hơn mối quan hệ với cha mẹ học sinh và cộng đồng; Yêu cầu giáo viên tham gia hoạt động rộng rãi trong và ngoài nhà trường; Giảm bớt và thay đổi kiểu uy tín truyền thống trong quan hệ với học sinh nhất là đối với học sinh lớn và với cha mẹ học sinh (Tổng kết của UNESCO).

UNESCO khuyến cáo: "Thầy giáo phải được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục nhiều hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức"; Hội nghị Paris về giáo dục đưa ra quan niệm "nhà giáo mới" ở đại học: "Phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ".

Cùng với năng lực dạy học, cần nhấn mạnh năng lực hoạt động xã hội trong và ngoài trườngnăng lực đánh giá của người giáo viên.

Năng lực tổ chức các hoạt động  giáo dục gồm: năng lực thiết kế mục tiêu, kế hoạch các hoạt động giáo dục; năng lực cảm hóa thuyết phục người học; năng lực hiểu biết đặc điểm học sinh để có các phương án giáo dục có hiệu quả; năng lực phối hợp với các lực lượng giáo dục trong trường và ngoài trường.

Do vậy phải tạo điều kiện để các giáo viên tương lai rèn luyện trong 5 lĩnh vực hoạt động cơ bản: hoạt động trên lớp; hoạt động cấp trường; hoạt động ngoại khóa; các hoạt động liên quan đến việc tiếp xúc và hợp tác với các phụ huynh học sinh; các hoạt động liên quan đến việc tiếp xúc và hợp tác với cộng đồng.

Đặc biệt, đề cao 5 lĩnh vực trách nhiệm của người giáo viên tương lai: Trách nhiệm với học sinh; trách nhiệm với xã hội; trách nhiệm với nghề nghiệp; trách nhiệm đối với việc hoàn thành tốt công việc; trách nhiệm đối với các giá trị cơ bản của con người.

Kiểm định chuẩn đầu ra với các trường sư phạm

GS Phạm Hồng Quang cho rằng, cần có sự đánh giá và kiểm định chất lượng chung giữa các trường sư phạm về chuẩn đầu ra.

Hiện nay, việc xét tuyển giáo viên khi tuyển dụng đang là thách thức đối với cách đào tạo và đánh giá sinh viên tốt nghiệp. Nếu đánh giá quá chặt hoặc quá rộng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoặc "thiệt thòi" đối với người được xét tuyển, do đó cần sự đồng bộ giữa đánh giá của các trường với kiểm định chất lượngxét tuyển giáo viên.

Người tốt nghiệp sư phạm cần có bộ hồ sơ năng lực đầy đủ (đã được trải nghiệm) thay vì chỉ có bằng tốt nghiệp và bảng điểm học tập. Đây chính là thách thức của các trường sư phạm trước sự cạnh tranh chất lượng từ các mô hình đào tạo giáo viên đa dạng như hiện nay.

Giáo viên có quyền "tự quyết"

Theo GS Phạm Hồng Quang, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, gồm: Xác định lại mục tiêu, triết lí và chức năng môn học của giáo dục phổ thông. Mục tiêu giáo dục phổ thông được xác định trọng tâm là hướng cho các em có khả năng tham gia một cách tốt nhất vào đời sống xã hội.

Giáo viên được "giải phóng" khỏi một khung chương trình cứng từ sách giáo khoa hoặc sách hướng dẫn, sách đánh giá; họ được dạy trong môi trường có nguồn học liệu phong phú; quyền "tự quyết" của giáo viên đối với việc xác nhận kết quả học tập của học sinh với tiêu chí chủ yếu đánh giá dựa vào sự tiến bộ của người học.

Tính chuyên nghiệp của giáo viên phải quan trọng như ngành Y - 3

Mục tiêu giáo dục nhân cách, chương trình giáo dục phổ thông mới cần được xây dựng dựa trên triết lí nhân văn "Tất cả cho con người, tất cả vì con người".

Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông là giáo dục nhân cách

GS Phạm Hồng Quang khẳng định: Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo mục tiêu giáo dục nhân cách. Với mục tiêu giáo dục nhân cách, chương trình giáo dục phổ thông mới cần được xây dựng dựa trên triết lí nhân văn "Tất cả cho con người, tất cả vì con người".

Nội dung học vấn dựa trên nền tảng văn hóa của nhân loại với sự chắt lọc những tinh hoa, những giá trị cốt lõi và tôn trọng tính chỉnh thể của hệ thống tri thức khoa học.

Điểm nhấn của chương trình cần hướng đến là: làm cho người học nhận ra ý nghĩa của nội dung học vấn có tác dụng thực sự đối với sự phát triển của cá nhân. Do vậy, định hướng lồng ghép và tích hợp vào chương trình môn học là xu thế tất yếu.

Ngoài định hướng trên, theo GS Quang, cần sử dụng có hiệu quả tri thức địa phương kinh nghiệm của người học; thay đổi nhận thức xã hội về giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp-việc làm cho thanh niên.

Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong nhận thức xã hội, là quá trình và sự thay đổi mang đậm tính chất văn hóa đòi hỏi sự cộng hưởng của toàn xã hội đồng thuận về dư luận, về sự tôn vinh các giá trị lao động, về kết quả của sự tiến bộ của con người quan trọng hơn sự thành đạt về bằng cấp.

Đồng thời, cần cách tiếp cận văn hóa một cách đồng bộ về việc học từ cộng đồng, từ gia đình và xã hội hiện đang còn "ám ảnh" nặng nề việc khoa cử và bằng cấp. Ví dụ, việc chuyển đổi đánh giá từ điểm số sang nhận xét, việc giảm tải, việc sử dụng điện thoại…cũng gặp cản trở từ chính người trong cuộc và sự cản trở của cha mẹ học sinh và xã hội.

GS Quang cho biết, trong bối cảnh thời đại thông tin, công nghệ số và 4.0, chúng ta dành quá nhiều thời gian vào sách giáo khoa -thực ra chỉ là một kênh tham khảo của người giáo viên.

Mặc dù theo Luật, các trường tự chủ chương trình, song Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo trực tiếp để các trường sư phạm đổi mới chương trình đào tạo, chương trình bồi dưỡng giáo viên (gồm đào tạo mới và đào tạo lại) có sự tham gia và thẩm định của các viện nghiên cứu, các Sở GD -ĐT với quan điểm cộng tác trách nhiệm và cùng chia sẻ.

Các quan hệ giữa trường sư phạm với hệ thống giáo dục phổ thông (để thiết lập hệ thống thực hành nghề nghiệp cho sinh viên trong suốt quá trình đào tạo, và triển khai bồi dưỡng) cần được thể chế hóa với những cam kết cụ thể.

Xây dựng và hoàn thiện môi trường giáo dục liên thông đại học-phổ thông

GS Phạm Hồng Quang cho rằng, môi trường giáo dục đại học là nhân tố quyết định phẩm chất và năng lực người chuyên gia; xây dựng và hoàn thiện môi trường giáo dục đại học tốt có tác dụng tăng chỉ số hấp dẫn đối với cơ sở giáo dục, trong đó trách nhiệm thuộc về các thành viên trong tổ chức: nhà quản lí, giảng viên và sinh viên.

Bản chất của việc tạo lập môi trường giáo dục hiện đại chính là thể hiện tinh thần dân chủ hóa nhà trường, kích thích sáng tạo và góp phần thực hiện tốt vai trò dẫn đường của giáo dục đại học.

 Thành phần của môi trường giáo dục đại học gồm: giảng viên, sinh viên (giáo sinh sư phạm), giáo viên và học sinh. Chuỗi liên thông sư phạm -phổ thông phải thể hiện rõ các khâu, bước của quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Bối cảnh môi trường số đang đặt ra các cách tiếp cận mới từ cấu trúc nhà trường, khoa, bộ môn, tương tác thày trò, nhà trường với xã hội, thế giới thực với không gian ảo…

Đặc biệt là chiến lược chuyển đổi số trong nhà trường đang phá vỡ mọi cấu trúc cũ của truyền thống, đang làm chuyển động mạnh mẽ từ tư duy, hành động và xuất hiện những mô hình học tập mới, không gian mới và cách đánh giá mới.

Chương trình đào tạo tại các trường sư phạm cần thống nhất, hiện đại và thường xuyên đổi mới. Cùng với nhiệm vụ này là hoàn thiện chương trình bồi dưỡng. Triển khai đồng bộ bồi dưỡng từ lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở giáo dục, lãnh đạo phòng giáo dục, lãnh đạo trường phổ thông…là đối tượng cần tác động mạnh, liên tục và đi trước, trọng tâm của đối tượng tác động là giáo viên.

GS Phạm Hồng Quang khẳng định: "Đổi mới" chính là quá trình nhận thức và làm đúng theo quy luật khách quan vốn có của sự vật hiện tượng. Nền tảng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục chính là xem xét chức năng các thành tố trong hệ thống lớn (quá trình sư phạm tổng thể) để xác định có đi đúng quy luật hay không. Bởi suy đến cùng, quản lí và quản trị giáo dục thành công hay không bởi chính là sự tôn trọng quy luật của quá trình giáo dục".