Tìm cách thu hút học sinh học nghề

Bộ LĐTBXH vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điều khoản về việc thực hiện chính sách học sinh (HS) tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp (TC) được miễn học phí. Một số ngành học mới được mở nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Theo đó, Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định HS tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ TC chỉ được miễn học phí khi không học qua các trình độ đào tạo khác.

Trước đó Bộ LĐTBXH đã có Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, nêu ra lý do của việc sửa đổi này. Theo đó, Thông tư số 9 chưa hướng dẫn cụ thể đối tượng “tốt nghiệp THCS học tiếp trình độ TC”, dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Một số trường TC, cao đẳng (CĐ) đã phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường THPT để tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ TC đối với HS đang theo học tại các cơ sở này, đồng thời áp dụng chính sách miễn học phí trên là không phù hợp. Theo đó, sau 3 năm thực hiện, một số đối tượng phát sinh ngoài dự kiến chưa được tính đến trong quá trình dự thảo gồm học sinh đang học văn hóa THPT tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trường THPT đi học TC. Việc này khiến ngân sách tăng chi rất nhiều. 

Đề xuất của Bộ LĐTBXH giúp cơ quan, đơn vị, tổ chức và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiểu đúng, thống nhất về chính sách và thực hiện theo đúng quy định hiện hành; đảm bảo sự minh bạch của chính sách, sự công bằng trong tổ thức thực hiện, khắc phục việc lạm dụng chính sách gây lãng phí về thời gian, tài chính của đối tượng học và ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chính sách này. Đồng thời chính sách này nhằm đẩy mạnh phân luồng giáo dục, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS không học tiếp lên THPT mà học tiếp lên trình độ TC, đồng thời tiết kiệm chi phí cho xã hội,

Theo phương án tuyển sinh năm 2019 của nhiều trường CĐ, TC đã công bố, nhiều trường nghề đã mở hoặc dự kiến tuyển sinh ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động.

Đơn cử, thông tin từ Trường CĐ Kinh tế TP HCM cho biết, năm học 2019-2020, ngoài 1.600 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo trình độ CĐ, trường dự kiến sẽ tuyển 200 chỉ tiêu chương trình chất lượng cao cho 3 ngành kế toán (100 chỉ tiêu), logistics (50 chỉ tiêu) và hướng dẫn viên du lịch (50 chỉ tiêu). Ở trình độ CĐ, dự kiến trường sẽ mở 5 ngành mới, gồm: quản trị nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin, quản lý công nghiệp, tài chính ngân hàng và kế toán. Còn trình độ TC, dự kiến trường mở ngành công tác xã hội với 80 chỉ tiêu.

Hay Trường CĐ Y tế Cần Thơ  được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cấp phép mở thêm 4 ngành học mới là Kỹ thuật Dược, Kỹ thuật Phục hình răng, Kỹ thuật Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Hộ sinh. Ngoài ra, trường còn được phép mở ngành đào tạo Nhân viên Kỹ thuật xoa bóp bậc sơ cấp (đào tạo 3 tháng). Sau khi hoàn thành khóa học, người học có thể làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, các cơ sở dịch vụ có tổ chức dịch vụ xoa bóp.

Theo Lam Nhi

Đại Đoàn Kết